Cán bộ tư pháp thân thiện

PHƯƠNG NAM 14/12/2016 08:56

Những năm qua, anh Nguyễn Quốc Hội, cán bộ tư pháp - hộ tịch xã Đại Hiệp (Đại Lộc) luôn được người dân tin yêu và “nhờ vả” khi họ cần làm các loại giấy tờ hoặc hướng dẫn về tư pháp.

Anh Nguyễn Quốc Hội đang làm việc với một người dân.
Anh Nguyễn Quốc Hội đang làm việc với một người dân.

Bà Nguyễn Thị Đạm (80 tuổi, thôn Phú Hải, Đại Hiệp) kể, tháng 11.2016, bà điều trị bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng. Trong thời gian ở đây, bà đã bị kẻ gian lấy túi xách, trong đó có tiền, giấy CMND, thẻ bảo hiểm và hộ khẩu. Việc mất giấy tờ này đã khiến bà Đạm rất lo lắng. Sau khi bà xuất viện về nhà, nghe được câu chuyện trên, anh Hội đã đề xuất UBND xã làm lại các giấy tờ cho bà Đạm. Được lãnh đạo xã đồng ý, anh Hội cùng một số cán bộ khác mang các bản kê khai đến nhà bà Đạm và làm thủ tục đăng ký thẻ bảo hiểm, hộ khẩu, CMND cho bà. “Chúng tôi già cả rồi, không rành rẽ về quy định của pháp luật nên không biết mình phải làm những thủ tục gì để được cấp lại các giấy tờ ấy. Khi anh Hội đến nhà, tôi rất bất ngờ và phấn khởi. Vài ngày sau đó tôi được cấp lại CMND, sổ hộ khẩu và thẻ bảo hiểm. Anh Hội là một cán bộ tư pháp thân thiện, gần gũi với người dân” - bà Đạm chia sẻ.

Ông Đặng Đôn (thôn Tích Phú, Đại Hiệp) kể, cha và anh trai của ông là liệt sĩ, mẹ ông là người có công với cách mạng. Khi ông làm thủ tục đề nghị danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho mẹ ông, cán bộ tiếp nhận hồ sơ yêu cầu ông phải có một số giấy tờ liên quan. Khi ông trình bày với anh Hội, anh đã nhiệt tình giúp đỡ và không lâu sau ông có đầy đủ thủ tục để đề nghị Nhà nước công nhận Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Anh Hội chia sẻ với chúng tôi về trường hợp này: “Đó là gia đình có truyền thống cách mạng, người thân của họ đã hy sinh vì đất nước này. Đảng, Chính phủ ghi nhận công ơn ấy. Mình phải làm cầu nối để họ được hưởng danh hiệu, chế độ mà Nhà nước đãi ngộ cho họ”.

Đối với những người tàn tật trong xã, nếu đủ điều kiện để hưởng chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội theo Nghị định 67/2007/NĐ-CP của Chính phủ, anh Hội đều tìm đến để giải thích và hướng dẫn thực hiện các thủ tục đề nghị. Không những vậy, nhiều vụ mâu thuẫn, tranh chấp nhau ở địa phương, anh Hội cũng tìm hiểu giải quyết thấu tình đạt lý. Gần đây nhất là vụ tranh chấp đất giữa ông Nguyễn T. và ông Nguyễn C. (cùng thôn Phú Hải). Cách đây vài năm, ông T. bán một mảnh đất cho ông C. với giá hơn 6,3 triệu đồng nhưng chỉ là giấy viết tay, không có xác nhận của chính quyền địa phương. Sau thời gian, thấy ông C. canh tác trên mảnh đất đó thu được lợi nhuận cao, ông T. nảy sinh ý định đòi lại đất và từ đó hai bên xảy ra mâu thuẫn. Để giải quyết vụ việc trên, anh Hội đã gặp gỡ ông T. và ông C. rồi giải thích cho cả hai hiểu rằng, hợp đồng mua bán đất của họ vô hiệu vì không có công chứng hoặc chứng thực. Tuy nhiên, anh Hội cũng phân tích, việc mua bán đã diễn ra theo “thuận mua, vừa bán”; nên để giữ tình làng nghĩa xóm, họ nên thương lượng để không gây thiệt hại cho nhau. Nghe những lời thấu tình đạt lý, ông T. thống nhất không đòi lại đất đã bán, ông C. trả thêm cho ông T. 10 triệu đồng. “Vụ việc hòa giải thành công là nhờ anh Hội đã biết vận dụng các quy định của pháp luật và đạo lý sống ở đời. Làm công việc này, người cán bộ phải có tâm” - ông Đỗ Thanh Cảng, Phó Chủ tịch UBND xã nhận xét.

Chia sẻ về công việc của mình, anh Hội nói: “Làm cái gì có lợi cho dân được là tôi làm. Tuy nhiên, phải đúng quy định. Có nhiều trường hợp, người dân biết không đúng quy định nhưng vẫn cứ năn nỉ tôi làm giúp. Tôi phải cố gắng thuyết phục họ hiểu. Còn bản thân tôi, thực hiện nhiệm vụ được giao thì phải hết lòng...”.

PHƯƠNG NAM

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cán bộ tư pháp thân thiện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO