Cần chấm dứt bạo lực thân thể trẻ em

DIỄM LỆ 28/06/2018 14:25

Sáng kiến“Chấm dứt bạo lực thân thể trẻ em trong gia đình và trường học - cần bạn, cần tôi, cần cả thế giới” do Tổ chức Tầm nhìn thế giới thực hiện tại Việt Nam đã được khởi động trong toàn tỉnh sáng qua, 27.6.

Các đại biểu đến từ các cơ quan chức năng trao đổi tại lễ phát động. Ảnh: D.L
Các đại biểu đến từ các cơ quan chức năng trao đổi tại lễ phát động. Ảnh: D.L

Thực trạng đáng báo động

Theo số liệu điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng bạo lực học đường và vi phạm pháp luật của trẻ em trên địa bàn tỉnh do Công an tỉnh và Sở GD&ĐT thực hiện, từ năm 2011 đến 2017, trên địa bàn tỉnh có 316 vụ bạo lực học đường và vi phạm pháp luật tại cơ sở giáo dục với 507 đối tượng, làm 2 người chết, 70 người bị thương và 215 người bị tổn thương thể chất, tinh thần… Một cuộc khảo sát của Tổ chức Tầm nhìn thế giới thực hiện trong tháng 1.2018 tại các huyện Nông Sơn, Phước Sơn, Nam Giang và Bắc Trà My cho thấy bạo lực thân thể trẻ em vẫn còn xảy ra phổ biến. 42% số trẻ được khảo sát trong địa bàn dự án là đối tượng của hành vi bạo lực thân thể trong vòng 12 tháng trước đó. Mọi hình thức bạo lực, trong đó có bạo lực thân thể, đều ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ em. Bên cạnh đó, tại một số gia đình, tình trạng trẻ em bị bạo hành do chính cha mẹ, người thân của các em gây ra vẫn còn xảy ra, nhiều bậc phụ huynh coi việc đánh đập, chửi mắng con cái khi chúng mắc lỗi là cần thiết và nên làm, không quan tâm đến cảm xúc, tâm lý của trẻ.

Ông Nguyễn Thùy - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH nhận định, bạo lực thân thể đối với trẻ em mới chỉ có một cuộc khảo sát nhỏ mà đã đưa ra kết quả bạo lực thân thể hơn 42% là một thực tế đáng báo động. Trong xã hội diễn ra nhiều hành vi bạo lực trẻ em nhưng chưa có cuộc khảo sát, điều tra nào. Bạo lực để lại nỗi đau theo suốt cuộc đời trẻ em. Ông Thùy cho biết: “Chúng ta cần hiểu nguyên nhân rồi mới đề ra sáng kiến thực hiện như thế nào. Các bậc cha mẹ vẫn còn nhận thức “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Nhưng cần thay đổi nhận thức này, cần chấp hành pháp luật trước, nghiêm cấm mọi hành vi xâm hại, bạo lực đối với trẻ em. Ngoài ra, kỹ năng tự bảo vệ của trẻ em, chăm sóc, bảo vệ trẻ em của bộ phận chuyên trách, của cha mẹ chưa tốt. Môi trường xã hội hiện nay có nhiều tác động tiêu cực đến sự phát triển của trẻ em cũng là nguyên nhân khiến trẻ em vi phạm pháp luật...”.

Từ thực trạng nêu trên, việc khởi động thực hiện sáng kiến chấm dứt bạo lực thân thể trẻ em trong toàn tỉnh là điều cần thiết, nhằm nâng cao nhận thức và kêu gọi từng thành viên trong cộng đồng góp sức xây dựng một môi trường sống lành mạnh, an toàn, đảm bảo an sinh cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em dễ bị tổn thương nhất. Ông Ngô Công Thành - Giám đốc các chương trình của Tổ chức Tầm nhìn thế giới tại miền Trung, cam kết hợp tác với chính quyền và cộng đồng địa phương trong công tác chấm dứt bạo lực thân thể trẻ em trong gia đình và nhà trường. Ông Thành nói: “Tổ chức Tầm nhìn thế giới chú trọng các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng về vấn đề bảo vệ trẻ em, ưu tiên tăng cường tập huấn kỹ năng làm cha mẹ tích cực. Cần đẩy mạnh hoạt động để trẻ em sinh hoạt trong mô hình câu lạc bộ trẻ em, diễn đàn trẻ em, sáng kiến nhỏ do trẻ khởi xướng về chủ đề phòng chống bạo lực trẻ để giúp bảo vệ chính mình và các bạn. Hoạt động cũng nhằm hướng tới nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, chính quyền, các ngành, gia đình và toàn xã hội đối với công tác trẻ em, đặc biệt là công tác phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em”.

Cùng hành động

Tại lễ phát động, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh kêu gọi sự cam kết của các cấp ủy, chính quyền và toàn xã hội tăng cường thực hiện các giải pháp phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Các ngành, địa phương cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến Luật trẻ em, các văn bản quy định của pháp luật về công tác trẻ em, công tác phòng, chống bạo lực xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh; cần có kế hoạch hành động cụ thể nhằm hưởng ứng sáng kiến “Chấm dứt bạo lực thân thể trẻ em trong gia đình và trường học” trong 5 năm tới (2018 - 2022); Sở GD&ĐT chỉ đạo các đơn vị trường học cần lồng ghép việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” với cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, xây dựng và thực hiện bộ quy tắc ứng xử văn hóa, cam kết về việc không sử dụng bạo lực thân thể đối với trẻ em trong trường học.

Theo bà Trương Thị Lộc - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, hiện tượng cha mẹ đánh đập trẻ em diễn ra nhiều trong các gia đình, do không kiên nhẫn và còn thiếu hiểu biết trong chăm sóc trẻ em. Bà Lộc cho biết: “Chúng ta cần tuyên truyền mạnh mẽ để thay đổi nhận thức của các bậc cha mẹ, không nên đánh đập trẻ em mà dùng tình thương để nuôi dưỡng tâm hồn trẻ em. Cần xây dựng mô hình để có sự tác động trong thực tế. Hội LHPN sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông để nâng cao nhận thức cho các ông cha, bà mẹ về cách thức dạy con trong thời đại mới, có nhiều tác động từ môi trường bên ngoài. Và hội sẽ tiếp tục thực hiện các mô hình nuôi con khỏe, dạy con ngoan trong toàn tỉnh”. Anh Lê Quang Quỳnh - Phó Bí thư Tỉnh đoàn kiến nghị cần có sự phối hợp chặt chẽ của cơ quan chức năng, đưa kiến thức vào trong hoạt động đoàn đội ở nhà trường. Khi sinh hoạt cần đưa ra các tình huống giả định, cho trẻ em tham gia và xử lý tình huống, hướng dẫn các em cách xử lý tình huống thì sẽ trang bị được thêm cho các em kỹ năng khi thực tế có xảy ra. Cần quan tâm, chia sẻ với những trẻ em là nạn nhân, quan tâm đến trẻ em có biểu hiện tiêu cực để kịp thời uốn nắn hành vi của trẻ em.

Còn ông Mai Văn Hà - Phó Trưởng phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Công an tỉnh) cho rằng, những vụ trẻ em bị đánh đập, đòn roi thường xuyên xảy ra. Trẻ em chưa được bảo vệ tốt nên dẫn đến những vụ việc xảy ra với hậu quả đáng tiếc, ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe của trẻ em. Những vụ việc do người thân trong gia đình gây ra lại chiếm phần lớn, điều đó thực sự cần được chấn chỉnh, thay đổi. Nhà trường nên dạy trẻ em nhiều về kỹ năng sống, giúp các em khi ra xã hội sẽ bảo vệ được bản thân, tránh xa được môi trường không lành mạnh, phức tạp, dễ bị lôi kéo vào con đường sai trái. Theo ông Hà, trách nhiệm bảo vệ trẻ em thuộc về cả gia đình, nhà trường và xã hội như thông điệp của sáng kiến là “cần BẠN, cần TÔI, cần CẢ THẾ GIỚI”. Ông Hà khuyên nhủ trẻ em tại lễ phát động: “Các cháu thiếu niên nhi đồng cần thực hiện trách nhiệm của bản thân đối với cha mẹ, được cha mẹ cho ăn học phải lo học tập, không tự ý làm những việc mà bản thân nghĩ là đúng nhưng thực tế lại không đúng. Trẻ em làm gì phải xin phép cha mẹ, không tự ý bỏ học, làm theo lời rủ rê của người lạ rồi dẫn đến bị cưỡng bức lao động, bị bạo lực thân thể hay bị bán ra nước ngoài”.

DIỄM LỆ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cần chấm dứt bạo lực thân thể trẻ em
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO