Chuyển đổi phương thức nuôi biển từ truyền thống sang hiện đại theo hướng công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao để phát triển bền vững đang là xu hướng. Tại Quảng Nam, đến nay mới chỉ có 25 lồng bè HDPE nuôi hải sản ở khu vực ven biển, chưa như kỳ vọng.
Điểm nghẽn nuôi biển
Khắp các vùng ven biển Cửa Đại (Hội An) và Cửa Lở (Núi Thành), lâu nay người dân đã thực hiện nuôi biển theo phương thức truyền thống. Ông Huỳnh Văn Hạ (khối phố Phước Trạch, Cửa Đại, Hội An) nuôi cá bớp, cá chim vây vàng ở biển Cửa Đại cho biết, nuôi biển đem lại lợi nhuận khá nhưng không bền vững.
Nguyên nhân là do phát triển tự phát, nuôi theo phương thức truyền thống, lồng bè thiếu kiên cố, không đảm bảo an toàn trong điều kiện sóng to, gió lớn, lại dễ gặp nhiều rủi ro do dịch bệnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu đề xuất Bộ NN&PTNT, Bộ TN-MT tham mưu Chính phủ ban hành quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, để giao khu vực biển cho các tổ chức, cá nhân nuôi biển. Trung ương cần có chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề khai thác hải sản ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi, môi trường sang nuôi biển, từng bước hiện đại, áp dụng quy trình công nghiệp.
Nhiều năm qua, UBND tỉnh luôn mời doanh nghiệp đầu tư nuôi biển quy mô lớn nhưng chưa khả thi. Nghề nuôi biển chưa thể vươn xa, bứt phá để tăng diện tích, sản lượng. Tiềm năng mặt nước biển tự nhiên với chiều dài 125km bờ biển còn chưa khai phá.
Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 chưa được phê duyệt nên chưa có chính sách hỗ trợ đủ mạnh để tổ chức, cá nhân mạnh dạn chuyển đổi sang nuôi biển công nghiệp, ứng dụng công nghệ lồng tiên tiến.
Khó khăn của nghề nuôi biển còn ở cơ sở hạ tầng phục vụ có nhiều hạn chế, thiếu đồng bộ. Quảng Nam chưa đầu tư hệ thống phao tiêu, biển báo phục vụ riêng cho ngành nuôi biển. Trong khi đó, diện tích nuôi biển chồng chéo với các ngành nghề khác như giao thông, du lịch, khai thác hải sản.
Ông Phạm Văn Vương (thôn Xuân Mỹ, xã đảo Tam Hải, Núi Thành) đầu tư nuôi cá bớp ở khu vực cửa biển Cửa Lở nhiều năm nay cho biết, lo ngại nhất là đến nay trên địa bàn tỉnh chưa có trại sản xuất giống hải sản nào đáp ứng nhu cầu nuôi biển. Việc phải đặt mua, vận chuyển con giống từ tỉnh thành khác về Quảng Nam tiềm ẩn nguy cơ chết, chất lượng khó kiểm soát.
Giải pháp nào?
Ở hội thảo nuôi biển kết hợp với bảo vệ nguồn lợi hải sản được Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh tổ chức ở TP.Hội An mới đây, ông Lê Hoàng Hiển - Phó Giám đốc Tập đoàn Nam Miền Trung cho rằng, có thể xây dựng cụm công nghiệp (CCN) thủy sản để nuôi biển hiện đại.
Đầu tư CCN thủy sản trên biển là phương thức mới trong tổ chức sản xuất, là giải pháp đột phá để có thể phát triển nuôi biển thành ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Với doanh nghiệp là lực lượng nòng cốt, cách tổ chức nuôi biển mới mẻ này kỳ vọng chuyển đổi cơ cấu sản xuất để đóng góp quan trọng về sản lượng, giá trị, nhất là phát triển nuôi biển quy mô công nghiệp ở vùng biển xa bờ.
Ông Hiển cho rằng, CCN thủy sản trên biển có hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật chung, bao gồm các công trình nổi, công trình chìm, giao thông nội bộ, cấp điện, nước ngọt, xử lý chất thải, chiếu sáng công cộng, thông tin liên lạc nội bộ và viễn thông, nhà điều hành, bảo vệ, hệ thống đảm bảo an ninh...
Đây là khu vực sản xuất thủy sản tập trung theo phương thức công nghiệp và cung cấp các dịch vụ cho sản xuất thủy sản trên biển. CCN có ranh giới địa lý xác định, được đầu tư xây dựng nhằm thu hút các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ ngư dân vào thuê hạ tầng để đầu tư nuôi biển và sản xuất, kinh doanh phục vụ nuôi biển.
“Hiện mới có mô hình trại nuôi biển công nghiệp, chưa có mô hình CCN trên biển. Khi lập, trình phê duyệt quy hoạch cấp tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, các tỉnh thành ven biển cần quan tâm đến CCN thủy sản trên biển. Chúng tôi có tiềm lực để đầu tư mô hình nuôi biển mới mẻ này” - ông Hiển khẳng định.
PGS-TS. Nguyễn Hữu Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam cho rằng, để ngành nuôi biển đạt hiệu quả, Quảng Nam cần thực hiện kế hoạch phát triển nuôi biển bền vững, phù hợp điều kiện thực tế, ưu tiên phát triển nuôi biển công nghiệp. Khuyến khích đầu tư theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến.
“Ngành khoa học - công nghệ cần tổ chức xây dựng các tiêu chuẩn, nghiên cứu và đưa vào thực tiễn các nhiệm vụ khoa học, ứng dụng công nghệ cao để phát triển nuôi biển công nghiệp. Xây dựng, triển khai các nhiệm vụ về phòng chống dịch bệnh cho nuôi biển, nghiên cứu, dự báo thị trường, phát triển thị trường cho các sản phẩm nuôi biển” - ông Dũng nói.