Cần chuyên nghiệp hóa nghề cá

VIỆT NGUYỄN 26/04/2020 20:28

Nghề cá Quảng Nam dù đã có bước phát triển về quy mô nhưng nhìn chung vẫn còn thiếu bền vững. Tại cuộc họp với các ngành chức năng vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, cần nhận diện rõ thực trạng để có những giải pháp hữu hiệu, chuyên nghiệp hóa nghề cá, phát triển bền vững theo chiến lược biển của tỉnh.

Đội tàu sản xuất xa bờ của Quảng Nam phát triển mạnh trong thời gian gần đây. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Đội tàu sản xuất xa bờ của Quảng Nam phát triển mạnh trong thời gian gần đây. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Nhiều bất cập

Nhanh chóng xây dựng cơ chế hỗ trợ ngư dân 1 lần sau đầu tư

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh giao nhiệm vụ cho Sở NN&PTNT rà soát lại tất cả văn bản quy phạm pháp luật để xây dựng các quy định, quy chế, từng bước chấn chỉnh nạn khai thác hải sản bất hợp pháp. Đối với những nghề khai thác hải sản tận diệt, tham mưu UBND tỉnh ban hành lệnh cấm, thời gian cấm để bảo vệ nguồn lợi. “Sở NN&PTNT tham mưu UBND tỉnh xây dựng đề án hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề để trình HĐND tỉnh thông qua, triển khai thực hiện. Chi cục Thủy sản cần nhanh chóng xây dựng cơ chế hỗ trợ ngư dân 1 lần sau đầu tư để hoàn thiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.

Đến nay, toàn tỉnh có 3.041 tàu thuyền nhưng mới chỉ có 781 phương tiện được Chi cục Thủy sản Quảng Nam cấp giấy phép khai thác hải sản. Cụ thể, ở tuyến bờ mới chỉ có 21 giấy phép, vùng lộng là 207 và vùng khơi là 553. Về tỷ lệ 1,2% tàu thuyền hoạt động ở tuyến bờ được cấp phép, bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, đây là bất cập về quản lý tồn tại bấy lâu nay chưa dễ khắc phục. Cụ thể, trước đây, nhóm phương tiện hoạt động ở tuyến bờ được UBND cấp huyện quản lý nhưng buông lỏng, lơ là. Trước thực trạng đó, đầu năm nay, Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh giao về Chi cục Thủy sản Quảng Nam quản lý. Tuy vậy, trong 4 tháng đầu năm nay, ngành thủy sản mới chỉ cấp giấy phép cho 21 phương tiện.

“Chúng tôi đang gửi thông báo về các địa phương có nghề cá để tuyên truyền, vận động các chủ tàu cá thực hiện đăng ký, được cấp giấy phép khai thác hải sản theo đúng quy định của Luật Thủy sản. Đồng thời phối hợp với các trạm kiểm soát biên phòng để kiểm tra, giám sát” - bà Tâm nói.

Quảng Nam có 747 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên nhưng hiện chỉ 572 tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định. Qua theo dõi giám sát hành trình tàu cá, từ đầu năm đến nay, ngành chức năng đã phát hiện 20 tàu cá hành nghề câu mực vi phạm vùng biển nước ngoài khi khai thác hải sản.

Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho rằng, rất đáng báo động tình trạng các tàu câu mực khơi cùng rủ nhau tắt thiết bị giám sát hành trình để sản xuất trái phép, vi phạm nghiêm trọng Luật Thủy sản. Trong khi đó, ở tuyến lộng, cũng đã có tình trạng tàu cá tự ngắt tín hiệu kết nối với trạm bờ khi đang sản xuất. 

Theo số liệu thống kê từ Trạm kiểm soát biên phòng Kỳ Hà (xã Tam Quang, Núi Thành), trong năm 2019 có 21.489 lượt tàu cá với 142.287 lao động xuất bến đi khai thác hải sản và cập bờ sau mỗi chuyến biển.

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, kiểm soát tàu cá ra vào cảng cá An Hòa (xã Tam Giang, Núi Thành) trong năm 2019 chỉ là 140 phương tiện, quá thấp so với tổng số tàu cá ra vào cửa biển An Hòa.

“Số lượng tàu cá xuất/nhập tại các cầu cảng tư nhân là quá lớn so với nơi chỉ định là cảng cá An Hòa, rất sai so với quy định của Luật Thủy sản. Toàn tỉnh mới chỉ có 781 phương tiện được cấp phép khai thác hải sản nhưng lượt tàu cá xuất bến và cập bờ qua Trạm kiểm soát biên phòng Kỳ Hà là quá lớn, phải chăng nhiều phương tiện không có giấy phép vẫn qua được kiểm soát của lực lượng biên phòng?” - ông Ngô Tấn đặt vấn đề cần lưu ý.

Nghề cá chuyên nghiệp

Thượng tá Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh cho rằng, thời gian đến, các trạm kiểm soát biên phòng tuyến biển sẽ kiểm tra, kiểm soát tất cả tàu cá xuất/nhập qua cửa tại trạm và kiên quyết không cho ra khơi khi không có giấy phép khai thác hải sản. Việc này là rất quan trọng vì với biện pháp mạnh, các chủ tàu cá sẽ thực hiện nghiêm các thủ tục để ngành thủy sản có đủ dữ liệu quản lý tàu cá theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, ổn định.

“Lực lượng biên phòng sẵn sàng phối hợp chặt chẽ với ngành thủy sản, cảnh sát giao thông đường thủy để tăng cường kiểm tra tại 2 cửa biển chính là An Hòa và Cửa Đại (TP.Hội An) để xử lý nghiêm các tàu cá không thực hiện đúng các quy định của Luật Thủy sản khi hoạt động” - Thượng tá Nguyễn Mạnh Hùng nói. 

Ông Nguyễn Văn Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho rằng, rất cần quy chế phối hợp giữa các lực lượng biên phòng, thủy sản và các địa phương ven biển để quản lý chặt chẽ hơn nghề cá. Với cơ chế đó, phân công rõ ràng, đầy đủ các nhiệm vụ, trách nhiệm giữa các bên để vừa tuyên truyền, vận động ngư dân thực hiện đúng các quy định của pháp luật, đồng thời xử phạt mạnh các trường hợp vi phạm để đủ sức răn đe, đưa nghề cá vào nền nếp.

“Với cơ chế phối hợp, sẽ có cách thức xử lý nghiêm các trường hợp ngư dân đánh bắt hải sản ở vùng biển nước ngoài cũng như hạn chế nạn tận diệt hải sản ven bờ, hướng đến phát triển bền vững nghề cá” - ông Nguyễn Văn Hương nói.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, Quảng Nam đã có chiến lược biển với nhiều nội dung rất rõ ràng, đã đến lúc cần chuyên nghiệp hóa nghề khai thác hải sản. Để truy xuất nguồn gốc hải sản, trước mắt Sở NN&PTNT kiện toàn lại hạ tầng, nhân lực ở cảng cá An Hòa - nơi duy nhất của Quảng Nam được Bộ NN&PTNT chỉ định xác nhận nguồn gốc hải sản để thu sổ nhật ký khai thác hải sản của ngư dân, kiểm soát sản lượng hải sản, quá trình đưa hải sản lên cảng theo đúng quy định. Về lâu dài, khi cảng cá Tam Quang hoàn thành, đưa vào sử dụng thì chuyển toàn bộ nhân lực của Văn phòng kiểm soát nghề cá đang thực hiện nhiệm vụ ở cảng cá An Hòa sang, dự kiến là đầu năm 2021.

“Sở NN&PTNT nghiên cứu, khảo sát ở cảng cá Thanh Hà (TP.Hội An) hoặc âu thuyền Hồng Triều (xã Duy Nghĩa, Duy Xuyên) để tham mưu UBND tỉnh đầu tư, nâng cấp thêm 1 cảng cá đủ điều kiện xác nhận nguồn gốc hải sản ở phía bắc của tỉnh. Chi cục Thủy sản cần phối hợp với các địa phương có nghề cá khẩn trương vận động ngư dân ghi chép đầy đủ sổ nhật ký khai thác hải sản cũng như kiểm tra, cấp giấy chứng nhận tàu cá đủ điều kiện an toàn thực phẩm để được cập bờ, bốc dỡ hải sản lên cảng chỉ định sau khai thác” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cần chuyên nghiệp hóa nghề cá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO