Chiều 7.6, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) và dự án Luật Thủy sản (sửa đổi). Đại biểu Phan Việt Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì phiên thảo luận ở tổ.
Theo tờ trình của Chính phủ, qua 12 năm thực hiện (Luật Bảo vệ và phát triển rừng được Quốc hội thông qua năm 2004) đã tạo khuôn khổ pháp lý quan trọng điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực bảo vệ và phát triển rừng. Tuy nhiên, tình trạng phá rừng, suy giảm rừng tự nhiên, lấn chiếm rừng thời gian qua còn diễn biến phức tạp; công nghiệp chế biến lâm sản chủ yếu nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, năng suất, giá trị gia tăng thấp; thu nhập, đời sống của người làm nghề rừng thấp… Do đó, cần phải xem xét sửa đổi toàn diện Luật Bảo vệ và phát triển rừng để quản lý, sử dụng hiệu quả rừng và đất rừng, đóng góp tương xứng với tiềm năng cho nền kinh tế quốc dân; phù hợp với xu hướng quản trị rừng trong điều kiện biến đổi khí hậu.
Tham gia thảo luận Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi), đại biểu Phan Việt Cường đề nghị cần quy định chặt chẽ về chế định giao rừng không thu tiền sử dụng đất, nhằm đảm bảo giao rừng đúng đối tượng là người dân sinh sống lâu dài và trực tiếp tham gia quản lý, sản xuất rừng. Từ thực tiễn ở địa phương cho thấy, nhiều trường hợp hộ gia đình, cá nhân sinh sống, làm việc ở đồng bằng, đô thị nhưng có hộ khẩu thường trú ở miền núi, vì vậy vẫn được cấp rừng, trong khi người dân sinh sống ở địa phương lại không có đất rừng, phải đi làm thuê hoặc chặt phá rừng phòng hộ, rừng đặc dụng để canh tác, sản xuất. Bên cạnh đó, đại biểu Phan Việt Cường đề nghị bổ sung các chế tài nghiêm minh nhằm xử lý trách nhiệm của cơ quan quản lý cũng như đối tượng kinh doanh gỗ, lâm sản không có nguồn gốc hợp pháp, trái pháp luật để chấn chỉnh tình trạng buôn bán tràn lan, công khai các sản phẩm gỗ rừng tự nhiên quý hiếm nhưng không thấy bị xử lý; quy định trách nhiệm của địa phương trong xây dựng quy hoạch và bảo tồn cây bản địa.
DUY MAI