Điều 66, Hiến pháp năm 1992 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2001) quy định: “Thanh niên được gia đình, Nhà nước và xã hội tạo điều kiện học tập, lao động và giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ, bồi dưỡng về đạo đức, truyền thống dân tộc, ý thức công dân và lý tưởng xã hội chủ nghĩa, đi đầu trong công cuộc lao động sáng tạo và bảo vệ Tổ quốc”. Như vậy, Đoàn thanh niên là một tổ chức tập hợp lực lượng rất đông đảo và mạnh mẽ, thế nhưng lại không được đề cập trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Cũng theo Hiến pháp hiện hành, tại Điều 36 đã quy định rất rõ: “Các đoàn thể nhân dân, trước hết là Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, các tổ chức xã hội, các tổ chức kinh tế, gia đình cùng nhà trường có trách nhiệm giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng”. Tuy nhiên, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này chưa đề cập vấn đề trách nhiệm của Nhà nước, xã hội, gia đình đối với thanh niên.
Luật Thanh niên năm 2005 đã thể hiện rõ rằng, thanh niên là lực lượng xã hội to lớn; với tư cách là công dân, thanh niên có quyền và nghĩa vụ như mọi công dân, là lực lượng xung kích đi đầu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 bỏ Điều 66 thì Luật Thanh niên sẽ không còn hiệu lực, vì luật được xây dựng trên cơ sở Hiến pháp quy định.
Hiện nay vai trò của thanh niên đối với gia đình và xã hội vô cùng quan trọng, đối với đất nước có 90 triệu dân như Việt Nam, trong đó hơn 30% trong độ tuổi thanh niên thì việc quy định quyền và nghĩa vụ của thanh niên trong Hiến pháp là rất cần thiết. Đề nghị nên giữ lại Điều 66, đồng thời quy định thêm trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền hạn của thanh niên đối với gia đình, xã hội. Bởi lẽ, việc quy định vị trí, vai trò của thanh niên cũng như những chính sách, cơ chế tạo điều kiện cho thanh niên phát triển là việc làm cần thiết và có ý nghĩa đối với một quốc gia. Đồng thời, đó cũng là cơ sở để Nhà nước ban hành các chủ trương, chính sách, các quy định pháp luật nhằm đảm bảo và phát huy hơn nữa sức lực, trí tuệ của thế hệ trẻ.
Lê Quang Quỳnh