(QNO) - Đây là một trong những yêu cầu trong thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn tại buổi giám sát Dự án “Xây dựng cơ chế phát triển bền vững tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn miền núi tỉnh Quảng Nam (EMMi)”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn đánh giá cao một số kết quả tích cực ban đầu của dự án như: tổ chức một số hoạt động tăng cường năng lực cho bà con, tổ chức nhiều tour mẫu đến làng Cao Sơn và bà con đi học tập kinh nghiệm tại huyện Nam Giang; hỗ trợ lắp đặt quạt, xây dựng nhà vệ sinh tại điểm sinh hoạt cộng đồng; lắp đặt biển quảng bá điểm du lịch; kết nối với một số công ty du lịch để xúc tiến phát triển du lịch lại làng Cao Sơn (xã Trà Sơn, Bắc Trà My).
Lãnh đạo tỉnh đề nghị tổ chức FIDR, Sở NN&PTNT, Sở VH-TT&DL, UBND huyện Bắc Trà My có định khung, kế hoạch xây dựng phát triển du lịch của huyện nói chung và làng Cao Sơn nói riêng; xác định những vấn đề cần tập trung triển khai trên cơ sở rà soát những việc đã, đang và tiếp tục thực hiện.
UBND huyện Bắc Trà My tập trung khai thác tiềm năng, phát huy thế mạnh về văn hóa, truyền thống của cộng đồng dân cư gắn với lợi thế, ưu đãi về thiên nhiên và các điều kiện khác để phát triển du lịch; đặc biệt chú trọng việc xây dựng cảnh quan hàng rào cổng ngõ, vận động người dân đưa gia súc, gia cầm vào khu vực chăn nuôi tập trung để tránh ô nhiễm môi trường, xây dựng nền nếp sinh hoạt văn hóa.
Tiếp tục giữ, truyền nghề và phát huy thế mạnh về lợi thế nghề đan lát, khôi phục văn hóa cồng chiêng và bảo tồn, tự sản xuất trang phục truyền thống.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn cũng đề nghị tổ chức FIDR ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng cho điểm du lịch (vệ sinh công cộng, nước sinh hoạt, chú trọng khai thác lợi thế nước tự chảy); quan tâm công tác xúc tiến thương mại giúp cộng đồng dân cư tiếp cận thị trường đối với các sản phẩm truyền thống của làng; quảng bá điểm du lịch Cao Sơn trên các phương tiện thông qua nền tảng công nghệ thông tin; tập trung phát triển điểm du lịch để nhân rộng.