(QNO) - Sáng 12.10, tại TP.Hội An, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chủ trì hội thảo “Bảo tồn và phát triển bền vững Cù Lao Chàm” với sự tham gia của đại diện các sở, ngành, doanh nghiệp du lịch địa phương và người dân trên đảo.
Toàn cảnh hội thảo. |
Tại hội thảo, một số ý kiến đại biểu nhìn nhận, sự phát triển “nóng” của du lịch bên cạnh những yếu tố tích cực cũng tác động tiêu cực khiến công tác bảo tồn Cù Lao Chàm gặp nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng hệ sinh thái biển và rừng.
Du lịch phát triển đã tạo nhiều áp lực về môi trường tại Cù Lao Chàm. |
Việc khai thác nguồn lợi thủy sản không hợp lý, khoa học của ngư dân từ các nơi như Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành… trên vùng biển Cù Lao Chàm gây ảnh hưởng đến nhiều loài, trong đó có rùa biển. Chưa kể, việc ô nhiễm từ đất liền cũng ảnh hưởng không nhỏ đến các hệ sinh thái và môi trường đảo. Một trong những nguyên nhân chính là việc tổ chức quản lý không theo kịp quá trình phát triển của du lịch, dẫn đến chệch hướng phát triển Cù Lao Chàm.
Cù Lao Chàm cần có những quy hoạch cụ thể để phát triển hài hòa và bền vững. |
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, những vấn đề Cù Lao Chàm đang đối diện phải được nhìn nhận và đánh giá khoa học. Vì vậy, hội thảo chính là dịp để tỉnh và TP.Hội An lắng nghe ý kiến đóng góp từ phía các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý nhằm tìm ra giải pháp phù hợp theo từng giai đoạn của sự phát triển cũng như dự báo tương lai cho Cù Lao Chàm, nhất là trong mối quan hệ mật thiết với các hệ sinh thái biển từ Sơn Trà (Đà Nẵng) đến Lý Sơn (Quảng Ngãi).
“Những giải pháp đưa ra phải vừa mang tính chế định của nhà nước quy định cho các tổ chức, cá nhân phải thực hiện nhưng đồng thời cũng xuất phát từ yêu cầu quản lý gắn với những cam kết từ cộng đồng khai thác để cùng hưởng lợi. Đặc biệt, phải có quy hoạch phát triển du lịch trên đảo Cù Lao Chàm, quy chế quản lý khai thác du lịch, kể cả quy định kiến trúc xây dựng…, khi đó Cù Lao Chàm mới có thể hướng đến sự phát triển bền vững” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhấn mạnh.
Cù Lao Chàm (xã Tân Hiệp) là nơi hội tụ các hệ sinh thái biển điển hình của vùng biển nhiệt đới, bao gồm: hệ sinh thái cỏ biển, vùng triều, bờ đá, nhất là hệ sinh thái rạn san hô với sự đa dạng về thành phần, số lượng loài. Đây cũng là một trong số rất ít đảo của Việt Nam còn giữ được thảm thực vật có độ che phủ tương đối lớn (60 - 70%) và lưu giữ nhiều nguồn gen động thực vật quý hiếm. Kể từ năm 2003, công tác bảo tồn tài nguyên thiên nhiên tại Cù Lao Chàm được tập trung mạnh mẽ với sự đồng hành, góp sức của 4 lực lượng gồm nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư. Việc xây dựng khung pháp lý và thể chế; xác lập cơ chế đồng quản lý; nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ công tác bảo tồn; truyền thông nâng cao nhận thức sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, môi trường luôn được chú trọng… Qua đó, góp phần bảo tồn và thúc đẩy phát triển du lịch nơi đây. Nếu năm 2009, lượng khách tham quan Cù Lao Chàm chỉ đạt khoảng 20.000 lượt thì đến tháng 10.2018 con số này đã tăng lên hơn 400.000 lượt. Đời sống người dân trên đảo được nâng cao. |
KHÁNH LINH – MINH HẢI