Tín dụng theo Nghị định 67 chưa thông được cho một phần do chính ngư dân/chủ tàu. Phóng viên báo Quảng Nam đã có cuộc trao đổi ngắn với ông Nguyễn Văn Diện – Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Quảng Nam chung quanh vấn đề này.
- Vì sao tín dụng tăng trưởng ì ạch. Các ngân hàng lo ngại điều gì khi cân nhắc cho vay?
- Theo Nghị định 67, các ngân hàng thương mại có trách nhiệm xây dựng kế hoạch và bố trí nguồn vốn cho vay. Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần lãi suất cho ngư dân đóng mới tàu; ngư dân có trách nhiệm sử dụng vốn vay đúng mục đích và hoàn trả gốc, lãi đúng hạn cho ngân hàng. Như vậy, rõ ràng đây là nguồn vốn của các ngân hàng thương mại, chứ không phải của Nhà nước, vay phải hoàn trả nợ và gốc đầy đủ. Nội dung này đã được tuyên truyền đến ngư dân trong quá trình tiếp cận. Nhưng vẫn có không ít ngư dân nhận thức chưa đúng về chính sách tín dụng này. Ban chỉ đạo các cấp chưa lường hết những khó khăn về sự chuẩn bị của ngư dân khi tham gia chính sách như: giá trị vốn đối ứng, chọn mẫu thiết kế tàu phù hợp, lập dự toán, xác định trách nhiệm pháp lý cá nhân hay tập thể đối với con tàu đóng mới… nên phải mất thêm thời gian để nghiên cứu, xem xét điều chỉnh cho phù hợp thực tế. Ngân hàng đưa ra lượng vốn lớn để đầu tư dự án nên thận trọng, cần phải có thời gian để thẩm định các yếu tố cần thiết và thực hiện các bước theo đúng quy trình của ngành trước khi ký kết hợp đồng tín dụng và giải ngân cho khách hàng.
Hiện nay các ngân hàng thương mại cũng đang cân nhắc, bởi khi quyết định cho vay, hợp đồng tín dụng phải được ký kết trên nguyên tắc sản xuất hợp lý, phù hợp với khả năng trả nợ của ngư dân. Nhưng hiện tại, việc xác định khả năng trả nợ của ngư dân rất khó vì doanh thu từ nguồn thu hải sản phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thời tiết, sản lượng, tiêu thụ sản phẩm… Đa số ngư dân đều yêu cầu vay vốn ở mức tối đa theo nghị định (70% giá trị tàu vỏ gỗ, 90 - 95% tàu vỏ thép). Như vậy, tài sản đảm bảo cho món vay khá thấp, chỉ chiếm từ 5 - 30% giá trị món vay. Đây cũng là yếu tố mà ngư dân dễ có tâm lý chủ quan trong việc trả nợ ngân hàng.
- Bao giờ ngân hàng sẽ ký kết hợp đồng, giải ngân hết danh sách vay đóng tàu đã được phê duyệt?
- Bao giờ ngân hàng và ngư dân cùng tính toán có hiệu quả thì mới giải ngân nhanh nguồn vốn này được. Điều này dễ hiểu vì vốn của ngân hàng cho vay thì phải nghĩ đến việc thu hồi gốc và lãi vay. Còn ngư dân cũng phải cân nhắc các khoản chi phí với nguồn thu về để có lợi nhuận cao hơn so với khi chưa đóng tàu lớn.
Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Quảng Nam thường xuyên chỉ đạo các ngân hàng thương mại khảo sát, thẩm tra, tư vấn, hướng dẫn các thủ tục cần thiết cho chủ tàu lập hồ sơ, tiếp cận vốn vay ngân hàng. Sau hợp đồng tín dụng của BIDV, sẽ có thêm 2 hợp đồng được ký với Agribank và BIDV. Các ngân hàng thương mại đang tiếp tục tiếp cận các chủ tàu, ngư dân đã được UBND tỉnh phê duyệt, tạo điều kiện về thủ tục và xem xét cho ngư dân được vay mức cao nhất có thể. Khi một chính sách đi vào cuộc sống, đòi hỏi phải có thời gian và độ chín muồi.
TÙY PHONG