Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là chính sách ngắn hạn hỗ trợ lao động (LĐ) bị mất việc làm, có tác dụng giải quyết khó khăn trước mắt cho LĐ. Tuy nhiên, theo đánh giá của Nghị quyết 28/NQ-TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), chính sách BHTN chưa chú trọng phòng ngừa tình trạng thất nghiệp cho LĐ.
Chính sách bảo hiểm thất nghiệp hiện nay chỉ mới hỗ trợ ngắn hạn cho người lao động. Ảnh: D.L |
Theo số liệu từ Sở LĐ-TB&XH, đến 30.6.2018, số LĐ làm việc trong các doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn tỉnh khoảng 225 nghìn người, trong đó có hơn 188 nghìn người thuộc đối tượng tham gia BHTN (đã có hợp đồng LĐ, hợp đồng làm việc từ đủ 3 tháng trở lên). Tuy nhiên, đến nay có hơn 154 nghìn người đã tham gia BHTN (đạt tỷ lệ 81% so với số người bắt buộc phải tham gia theo quy định), vẫn còn hơn 34 nghìn người chưa tham gia BHTN. Ông Nguyễn Thùy - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH đánh giá: “Đa số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh có quy mô vừa và nhỏ, tình hình sử dụng LĐ và việc làm thiếu ổn định, nhất là các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở khu vực nông thôn. Cùng với đó, một số doanh nghiệp, kể cả người sử dụng LĐ và người LĐ chưa hiểu biết đầy đủ chính sách, pháp luật về BHXH, thậm chí có doanh nghiệp còn tình trạng trốn tránh tham gia BHXH; các doanh nghiệp sử dụng dưới 10 LĐ không khai trình việc sử dụng LĐ, không tham gia BHXH, dẫn đến tỷ lệ người LĐ thuộc diện bắt buộc tham gia mà chưa tham gia còn cao. Chính sách về BHXH, BHTN tuy là chính sách bắt buộc theo quy định nhưng lại còn mang tính nửa vời, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe nên nhiều nơi còn xem nhẹ”.
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh là đơn vị tiếp nhận và giải quyết chính sách BHTN cho người LĐ từ khi chính sách ra đời đến nay. Ông Lê Tôn Tưởng - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh nhìn nhận: “Từ năm 2010 đến tháng 9.2018, trung tâm đã giải quyết chế độ trợ cấp thất nghiệp được 56.827 người. BHTN từ khi được thực thi đến nay đã tác động trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của người LĐ, người sử dụng LĐ và vấn đề an sinh xã hội. Chính sách BHTN nhằm bù đắp một phần thu nhập của người LĐ do bị mất việc do thất nghiệp và quan trọng hơn là hỗ trợ người LĐ bị thất nghiệp được học nghề, được hỗ trợ tìm việc làm để người thất nghiệp nhanh chóng trở lại thị trường LĐ. Chính sách BHTN đã từng bước đi vào cuộc sống, trở thành điểm tựa cho người LĐ. Nhưng chính sách BHTN hiện nay chỉ mới hỗ trợ đến người LĐ mang tính trước mắt, chưa hỗ trợ được đến doanh nghiệp, cũng như chưa triển khai được chính sách phòng ngừa mất việc làm cho LĐ tại doanh nghiệp”.
Nghị quyết 28/NQ-TW về cải cách chính sách BHXH đánh giá rằng chính sách BHTN chưa thực sự gắn với thị trường LĐ, mới tập trung nhiều cho khu vực chính thức, chưa có chính sách phù hợp cho khu vực phi chính thức, nơi mà người LĐ dễ bị tổn thương do mất việc làm. Chính sách thực thi trong thực tế còn nặng về giải quyết trợ cấp thất nghiệp, chưa chú ý thỏa đáng đến các giải pháp phòng ngừa theo thông lệ quốc tế. Cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức bộ máy thực hiện BHTN còn nhiều điểm bất cập. Các chế độ BHXH chưa thể hiện đầy đủ các nguyên tắc gồm đóng - hưởng; công bằng, bình đẳng; chia sẻ và bền vững. Chính sách BHTN có quy định hỗ trợ cho doanh nghiệp nâng cao trình độ tay nghề, duy trì việc làm cho LĐ. Nhưng trong thực tế chưa một doanh nghiệp nào tiếp cận được với nguồn hỗ trợ này. Bởi theo quy định thì doanh nghiệp muốn được hỗ trợ nâng cao tay nghề cho người LĐ phải là doanh nghiệp gặp khó khăn về sản xuất, không có kinh phí nâng cao tay nghề cho người LĐ để tái sử dụng lại nguồn LĐ. Yêu cầu đi kèm là phải có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ tay nghề cho người LĐ và duy trì việc làm được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, ở đây là UBND tỉnh, nơi doanh nghiệp đóng chân. Với thủ tục rườm rà như trên, các doanh nghiệp không thể nào có đủ thời gian để thực hiện đầy đủ một bộ hồ sơ đề nghị hỗ trợ. Đại diện lãnh đạo Công ty hỗ trợ công nghiệp miền Trung (Điện Bàn) cho biết rằng công ty chỉ mới tiếp cận và phối hợp đào tạo nghề theo Quyết định 3577 của tỉnh nhưng vấn đề thanh quyết toán kinh phí đào tạo cũng không nhanh được, huống gì là nguồn hỗ trợ từ quỹ BHTN. Hơn nữa, bất cứ một doanh nghiệp khi đã gặp khó khăn về vấn đề sản xuất thì có lẽ họ cũng không còn nghĩ tới việc nâng cao tay nghề cho người LĐ. Chỉ khi doanh nghiệp ăn nên làm ra, mở rộng sản xuất mới tính đến việc nâng cao trình độ, tay nghề cho LĐ mà thôi.
LÊ DIỄM