Thôn Đông Gia (Đại Minh, Đại Lộc) vốn thuộc làng Gia Cốc xưa. Thời chống Mỹ, Đông Gia là căn cứ “lõm” độc đáo ở đồng bằng, nơi làm việc của Huyện ủy Đại Lộc trong những năm 1969 - 1972.
Sau Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VII (tổ chức vào tháng 10.1969 tại hang đá Anh Muốn - Dốc Mây, núi Lộc Bình), Huyện ủy Đại Lộc quyết định chuyển địa điểm làm việc từ thôn 8, xã Lộc Phước (Đại Cường ngày nay) về thôn Đông Gia, xã Lộc Hòa (Đại Minh ngày nay). Đây là quyết định khá táo bạo. Bởi lúc này, Đông Gia cùng với các thôn của Lộc Hòa đã trở thành vùng “trắng” dân. Địch đang tăng cường bình định càn quét và xúc tát dân đưa về vùng chúng kiểm soát. Pháo chụp, pháo bầy, bom tọa độ ngày đêm điên cuồng “làm cỏ” vùng đất màu mỡ, hiền hòa bên bờ sông Vu Gia xanh mát. Làng xóm liên tục bị cày ủi, đốt phá. Lực lượng du kích còn lại rất ít. Kẻ thù đắc chí cho rằng Việt cộng chịu không nổi mưa bom, bão đạn đã “cao chạy xa bay” tận Khe Rèn, Dốc Gió. Nào ngờ…
Ông Trần Đình Mười - con trai ông Thủ Châu Trần Đình Nhạc tại nhà riêng, cũng là khu đất trước đây cơ quan Huyện ủy Đại Lộc đóng chân.Ảnh: V.TRÌNH |
Ông Phạm Thành - nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Đại Lộc nhớ lại: “Nơi làm việc của cơ quan Huyện ủy ngày ấy là nhà ông Trần Đình Nhạc còn gọi là ông Thủ Châu (thân sinh liệt sĩ Trần Đình Hùng - nguyên Huyện ủy viên, Bí thư Chi bộ xã Lộc Hòa, Trưởng ban Tuyên huấn Huyện ủy Đại Lộc, nguyên Chánh Văn phòng, Ủy viên Ban Tuyên huấn Đặc khu ủy Quảng Đà; hy sinh năm 1969 tại Duy Xuyên). Trên khu đất rộng gần 2 mẫu, phía đông là cánh đồng rộng (đồng Đông Gia), phía tây giáp bàu Gia Cốc dài và rộng, thông đến Lộc Quý (Đại Thắng), để tránh pháo, tránh bom và làm nơi ẩn nấp an toàn khi địch đánh phá, càn quét, cán bộ và du kích dùng cây gỗ của nhà dân làm hầm kèo vững chắc. Dọc theo triền tre ven bàu Gia Cốc, nhiều hầm hố được bố trí bí mật để sử dụng lúc cần thiết. Gần cơ quan Huyện ủy có các cơ quan Huyện đội (đóng ở thôn Tây Gia), Ban An ninh huyện (đóng ở thôn Ấp Trung), Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng (đóng ở thôn Phú Mỹ), Ban Tuyên huấn (đóng ở thôn Ấp Nam)... Ta cũng bố trí một trạm liên lạc ở Kiệt sâu (Phú Mỹ)”.
Với địa thế khá độc đáo, vừa gần bàu, vừa sát cánh đồng, cơ quan Huyện ủy khi tiến thoái đều thuận tiện. Từ đây, ta có thể quan sát từ xa mọi động tĩnh của địch đang đóng ở Gò Dài (Phú Phong, Lộc Quý, nay thuộc xã Đại Tân). Đồng thời lãnh đạo huyện dễ dàng nắm được tình hình địch - ta ở các vùng trong huyện, nhất là vùng địch tạm chiếm bên kia sông Vu Gia để chỉ đạo kịp thời phong trào cách mạng. Bàu Gia Cốc cũng là “nguồn” cung cấp thức ăn, cải thiện đời sống cho cán bộ, du kích và nhân dân trụ bám, nhất là khi đói cơm, lạt muối.
Vượt qua khó khăn, thử thách, bộ đội địa phương và du kích các xã ở Đại Lộc bám địa bàn, đánh địch càn quét, giữ vững phong trào cách mạng. Ngay tại Lộc Hòa, nơi Huyện ủy và các cơ quan của huyện đứng chân, du kích và nhân dân kiên cường trụ bám đánh địch. Điều khá thú vị là những “kỹ sư nhân dân” (như xã đội phó Ngô Mười) đã dùng “gậy ông đập lưng ông”: sử dụng ngay bom thúi, pháo lép, cối lép của địch cải tiến thành bom, pháo rồi bí mật vượt sông Vu Gia phóng vào cứ điểm Núi Lở, khiến Mỹ - ngụy khiếp vía, kinh hồn. Tại địa bàn xã, hàng loạt quả mìn tự tạo được sản xuất và được cài đặt thành nhiều tuyến dày đặc. Địch hoang mang lo sợ, chúng không dám hành quân nghênh ngang như trước mà phải dò dẫm từng bước một. Du kích từ thế bị động đã dần trở thành người làm chủ chiến trường. Không những sản xuất mìn bãi, họ còn nghiên cứu chế tạo ra loại mìn cơ động có thể mang theo bên mình để đánh địch bất ngờ khi có cơ hội tốt nhất. Chẳng hạn, biết được đoạn đường địch đi càn, sau khi để cho chúng qua khỏi, du kích đặt mìn ngay trên đoạn đường đó. Lúc về, do chủ quan, đi trở lại đường cũ cho “chắc”, địch không ngờ rơi vào “bẫy mìn” của ta và phải đền tội thích đáng.
Căn cứ “lõm” Đông Gia đã tồn tại suốt hơn 3 năm trời. Đầu 1973, khi địch phá vỡ Hiệp định Paris, đưa quân lấn chiếm vùng B, cơ quan Huyện ủy phải chuyển lên vùng Khe Rúc, thôn Tây An, xã Lộc Thành (nay là thôn Thạnh Phú, xã Đại Chánh). Ba năm đóng ở Đông Gia là quãng thời gian cơ quan Huyện ủy luôn được sự chở che, đùm bọc của nhân dân và cán bộ, du kích bám trụ, hết lòng bảo vệ cán bộ lãnh đạo chủ chốt của huyện, dù phải hy sinh tính mạng.
Việc bố trí nơi làm việc của Huyện ủy Đại Lộc ở giữa đồng bằng trong những năm tháng ác liệt nhất của thời kỳ chống Mỹ là minh chứng sinh động về thực hiện phương châm “ba bám” (cán bộ bám dân, dân bám đất, du kích bám địch). Thực tế này đã tác động mạnh mẽ đến ý chí quyết chiến, quyết thắng của quân và dân toàn huyện. |
Về Đông Gia, chúng tôi được nghe kể về tấm gương mẹ Nguyễn Thị Đinh - một điển hình của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Khi Trung đoàn 51 ngụy mở cuộc tấn công vào Lộc Hòa dưới sự yểm trợ của máy bay và pháo binh, bị du kích chặn đánh, địch phải co cụm tại thôn Đông Gia. Chúng bắt một số người dân trụ bám, trong đó có mẹ Đinh. Nghi mẹ là cơ sở cách mạng, bọn chỉ huy hết dụ dỗ lại tra tấn dã man hòng tìm ra hầm bí mật và nơi ở của cán bộ, du kích. Đòn thù không lay chuyển tinh thần người mẹ trụ bám. Khi địch hành quân về hướng Lộc Quý (Đại Thắng), mình đầy thương tích đi không nổi vì kiệt sức nhưng mẹ Đinh vẫn bị chúng bắt đi trước cùng một số đồng bào để dẫn đường, dò mìn. Biết đi hướng này sẽ gặp bãi mìn của du kích xã gài chống máy bay địch đổ quân đi càn, tính mạng của bà con mình gặp nguy hiểm, mẹ quyết giằng co làm chậm bước quân thù mặc cho đòn gậy, báng súng đánh liên hồi. “Với lũ mặt người dạ sói này, đi cũng chết mà không đi cũng chết. Chi bằng...”. Một ý nghĩ lóe lên trong đầu mẹ Đinh. Quyết đi một nước cờ táo bạo, mẹ bỗng dõng dạc: “Xin bà con lui lại phía sau để tôi vạch lối cho anh em binh sĩ đi cho an toàn. Chớ mìn ở đây nhiều lắm!”. Hí hửng, bọn địch bám theo chân mẹ tiến nhanh. Chúng chẳng ngờ đang đi vào chốn tử địa. “Ầm! Ầm!...”. Mìn nổ rung chuyển một góc trời. Tiểu đội lính đền tội. Số còn lại bị thương, la khóc, chạy toán loạn. Gương hy sinh anh dũng để cứu mạng nhiều đồng bào và tinh thần tiêu diệt địch đến cùng của mẹ Đinh là niềm tự hào vô biên của nhân dân, du kích Đông Gia. Tấm gương sáng ngời đó được ghi lại trong câu ca: “Mẹ ơi! Mẹ vẫn mẹ Đinh/ Vẫn con tim ấy nặng tình quê hương/ Gian nan càng thắm lòng son/ Càng thêm rạng rỡ cháu con Bác Hồ”. Mẹ Nguyễn Thị Đinh đã được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào ngày 27.4.2012.
Qua thời gian, dấu tích nơi cơ quan Huyện ủy đóng năm xưa ở thôn Đông Gia chỉ còn lại giếng nước cũ nằm sát bàu Gia Cốc và ven đường ĐH 4 (Đại Minh - Đại Thắng). Di tích cách mạng này đang cần được sớm lập hồ sơ và dựng bia di tích để tôn vinh một “địa chỉ đỏ” - nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
VÂN TRÌNH