Căn cứ lòng dân

PHAN VINH - HÀN GIANG 28/03/2019 06:01

Các căn cứ, nơi đóng chân của Tỉnh ủy Quảng Nam trong giai đoạn 1930 - 1975 vẫn còn đó những địa danh không thể nào quên như Hòn Tàu, Tiên Sơn, Cây Thông Một, Chùa Hang… Và trong ký ức của những nhân chứng là cán bộ thời đó, căn cứ, nơi đóng chân vững chắc nhất của ta chính là lòng dân.

Quang cảnh hội thảo “Giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử căn cứ và nơi đứng chân của Tỉnh ủy Quảng Nam (1930 - 1975)”.  Ảnh: NG.ĐOAN
Quang cảnh hội thảo “Giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử căn cứ và nơi đứng chân của Tỉnh ủy Quảng Nam (1930 - 1975)”. Ảnh: NG.ĐOAN

Tháng10.1967, Đặc khu ủy Quảng Đà được thành lập. Với vị trí địa lý hiểm trở nhưng gần đồng bằng, Hòn Tàu (huyện Duy Xuyên) được chọn làm căn cứ của cơ quan Đặc khu ủy, của Mặt trận 4 và các cơ quan chuyên môn trực thuộc Đặc khu ủy để chỉ đạo phong trào cách mạng trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Để chuẩn bị cho tổng công kích, tổng khởi nghĩa Xuân Mậu Thân 1968, Đặc khu ủy Quảng Đà chủ trương, chỉ đạo tập trung huy động mọi lực lượng chuẩn bị nổi dậy từ đồng bằng đến miền núi. Trong muôn vàn gian khổ, Đặc khu ủy Quảng Đà vẫn vững vàng, tiếp tục chỉ đạo thực hiện các cuộc tiến công chiến lược, quyết định nhiều chủ trương quan trọng, hợp đồng chặt chẽ với các cánh quân chủ lực giải phóng các huyện phía tây của tỉnh Quảng Nam, tạo thế gọng kìm để hoàn thành chiến dịch giải phóng Đà Nẵng năm 1975.

Dựa vào dân

Bà Huỳnh Thị Tuyết - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho biết, đã có gần 50 địa điểm được biết đến là nơi được lựa chọn xây dựng căn cứ, nơi đứng chân của Tỉnh ủy Quảng Nam và được chia thành nhóm đã được công nhận di tích và nhóm chưa được công nhận di tích. Để phát huy giá trị của di tích, cần tuyên truyền, giới thiệu giá trị lịch sử của các di tích tại cộng đồng dân cư trong khu vực. Đồng thời đưa giá trị lịch sử các căn cứ, nơi đứng chân của Tỉnh ủy vào nội dung giảng dạy về lịch sử, văn hóa địa phương trong trường học...

Mỗi khi có dịp ôn lại lịch sử, nói chuyện về căn cứ cách mạng, ông Phạm Thanh Ba - nguyên Chánh Văn phòng Đặc Khu ủy Quảng Đà không quên nhắc đến tấm lòng tin Đảng, tin cách mạng, che chở cán bộ kháng chiến của nhân dân trong vùng. Ông Ba nói, nhân dân chính là tai mắt của cách mạng. Nhờ có nhân dân, căn cứ Hòn Tàu mới vững. “Lâu nay, chúng ta chỉ nói đến giá trị lịch sử của một núi Hòn Tàu sừng sững thôi thì chưa đủ, mà phải nói rộng ra, nhấn mạnh thêm vai trò, vị trí của người dân ở dưới núi Hòn Tàu. Bởi nếu không có nhân dân Xuyên Trà, Xuyên Thanh, Xuyên Khương (nay là các xã Duy Trung, Duy Châu, Duy Thu của huyện Duy Xuyên - PV) thì không có căn cứ Hòn Tàu. Chúng ta ở đó một mình thì không làm được gì hết. Tất cả gạo thóc, lương thực, thực phẩm, yêu cầu của các đồng chí cán bộ lúc bấy giờ đều nhờ vào dân tiếp tế. Khi nhắc đến căn cứ Hòn Tàu phải nói đến lòng dân. Căn cứ Hòn Tàu là căn cứ lòng dân” - ông Ba nhấn mạnh.

Cũng theo lời ông Ba, trước đó, từ tháng 9.1965 - 1.1967, Đặc khu ủy Quảng Đà chọn xã Đại Thắng ở vùng B Đại Lộc làm nơi đóng chân. Trong ký ức của ông Ba vẫn nhớ như in về 15 ngày đêm lịch sử, khốc liệt khi cán bộ của đặc khu cùng với nhân dân địa phương trốn sự truy lùng của địch mà đào các căn hầm, địa đạo bí mật. Ông Ba kể: “Vừa rồi tôi cùng các anh em ngày trước đóng ở Đại Thắng có lên thăm lại địa điểm này. Các địa đạo, hầm bí mật mà ngày trước người dân cùng chúng tôi đào vẫn còn nguyên. Điều đặc biệt là những người cùng với chúng tôi ngày đó đào hầm vẫn còn sống, và họ nhớ rất rõ những ngày gian truân đó. Thấy chúng tôi lên, họ phấn khởi, có người còn khóc nữa. Nhìn những mái đầu đã bạc trắng của nhau mà nhớ lại khoảng thời gian cũ. Ở đâu chúng tôi đóng chân cũng đều dựa vào lòng dân cả”.

Phát huy giá trị các di tích

Nói về việc bảo tồn và phát huy giá trị các khu căn cứ, nơi đứng chân của Tỉnh ủy Quảng Nam (gồm Tỉnh ủy Quảng Nam, Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng, Tỉnh ủy Quảng Đà, Đặc Khu ủy Quảng Đà), tại hội thảo liên quan do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Sở VH-TT&DL tổ chức, các đại biểu cho rằng, các cấp, ban ngành liên quan cần gắn cho được giá trị của các địa điểm lịch sử này gần hơn với người dân địa phương. Việc này không khó, vì chính những nơi đó, người dân đã từng sống cùng, chịu cùng, cam cùng với cán bộ cách mạng trong thời kỳ kháng chiến; và cho đến hôm nay, tinh thần đó trong mỗi người dân vẫn còn nguyên vẹn. Cần khơi dậy tinh thần đó, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cho người dân, nhất là thế hệ trẻ ở địa phương hiểu sâu hơn quá khứ hào hùng, truyền thống cách mạng của quê hương và lấy đó làm tự hào. Chỉ khi người dân địa phương biết đến và tự hào với di tích cách mạng thì mới tính tiếp đến việc bảo tồn và phát huy giá trị sau đó.

Theo nhiều đại biểu, nếu muốn nâng cao giá trị những di tích này thành nơi thu hút du khách đến tham quan, các ban ngành liên quan cần phải nghiên cứu phương thức mới. Bởi bản thân di tích cách mạng rất khó để có thể trở thành điểm du lịch. Do đó, cần đầu tư thêm nhiều loại hình dịch vụ phụ trợ, như xây dựng các khu dừng chân có địa điểm ăn uống là đặc sản địa phương, có chỗ nghỉ ngơi. Tôn tạo cảnh quan thiên nhiên gắn với một vài loại hình vui chơi mang tính giáo dục. Đặc biệt là phải viết cho được nội dung thuyết minh cô đọng, súc tích nhằm tuyên truyền cho du khách, học sinh, sinh viên khi đến đây có thể nắm được cơ bản: Đây là đâu? Ở đây từng có chuyện gì? Nhắc đến căn cứ Hòn Tàu, ông Phạm Thanh Ba kể, cách đây không lâu ông có dịp thăm lại căn cứ này, bây giờ đã khác. Địa phương quan tâm làm được con đường để đi lên, nhưng hơi tiếc vì đường nhỏ quá. Nên nếu sau này muốn nghĩ đến chuyện làm du lịch thì phải mở rộng con đường ra. Nhưng hơn hết là phải bảo tồn cho được những gì đang có, đặc biệt là những cánh rừng nơi đây, bởi đó là không gian, là chứng tích.

PHAN VINH - HÀN GIANG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Căn cứ lòng dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO