Hồ sơ - Tư liệu

Căn cứ Tỉnh ủy Quảng Nam - lòng dân với ĐảngBài cuối: Về lại chiến khu xưa

PHẠM LÊ DUY 22/11/2024 08:00

Trải qua ngót nửa thế kỷ, chiến khu xưa trở thành làng quê bình yên, trù phú; đồng thời trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ mai sau.

Khu nhà làm việc của Đặc khu ủy Quảng Đà tại căn cứ Hòn Tàu trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (phục chế). Ảnh Năng Đông
Khu nhà làm việc của Đặc khu ủy Quảng Đà tại căn cứ Hòn Tàu trong kháng chiến chống Mỹ (phục chế). Ảnh: Năng Đông

Bừng sáng chiến khu xưa

Lần theo câu hát “Tìm về chiến khu xưa, coi người ai còn ai mất” trong bài hát “Quảng Nam quê hương tôi” của nhạc sĩ Hoàng Bích, gần như xuyên suốt vùng Tây Quảng Nam, đâu cũng có căn cứ địa, nơi đứng chân cách mạng thuở nào.

Trong những năm tháng cam go của cách mạng, theo truyền thống cha anh và chiến lược chiến tranh nhân dân, Tỉnh ủy Quảng Nam đã dựa vào thế núi hình sông, khai thác, phát huy lợi thế đắc địa, chọn vùng tương đối an toàn, nơi đứng chân và là chỗ dựa của cách mạng để tích lũy, xây dựng, phát triển lực lượng chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội phục vụ cho khởi nghĩa và chiến tranh cách mạng.

Bây giờ, đường sá thuận tiện, nếu đi xe chỉ một ngày là khắp từ vùng Tây phía nam ra vùng Tây phía bắc Quảng Nam. Đó là hành trình dễ gợi lại ký ức về căn cứ địa cách mạng Khu 5 và Tỉnh ủy Quảng Nam.

Theo quốc lộ 40B, từ Tam Kỳ lên khoảng 60km là đến Khu di tích lịch sử quốc gia Trung Trung Bộ (còn gọi Khu di tích Nước Oa) ở xã Trà Tân, Bắc Trà My, được mệnh danh là xã di tích cách mạng. Từ một vùng núi nghèo khó, người dân chủ yếu sống dựa vào rừng, năm 2017, xã Trà Tân về đích chương trình xây dựng nông thôn mới.

Ông Thái Trọng Thạch - Chủ tịch UBND xã Trà Tân phấn khởi nói: “Sau năm 1975, xã Trà Tân là địa phương thuộc vùng kinh tế mới, đón nhận bà con Điện Bàn, Tam Kỳ, Thăng Bình… lên xây dựng cuộc sống đến tận bây giờ.

Từ khi có thủy điện Sông Tranh và Khu di tích Nước Oa, diện mạo xã thay đổi và phát triển. Giao thông kết nối đều khắp thôn, liên xã, tỉnh, quốc lộ. Nhiều khu vườn xanh, đẹp và đời sống nhân dân nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo còn xấp xỉ 12%”.

Xuôi về miền thắm xanh, không gian như huyền thoại, từ thị trấn Tiên Kỳ (Tiên Phước) qua hồ Việt An, Hiệp Đức là một vùng quê hẻo lánh miền sơn cước đã từng là căn cứ địa của Nghĩa hội Quảng Nam, là nơi trường học Phú Lâm - điển hình cho công cuộc Duy Tân toàn quốc, cũng là nơi thương đau vụ thảm sát Sơn - Cẩm - Hà, lòng dân kiên trung với Đảng, Tỉnh ủy chọn là nơi đứng chân lãnh đạo cách mạng.

Hơn 10 năm trước, Quảng Nam chủ trương xây dựng thành khu du lịch lịch sử văn hóa - sinh thái. Đến nay, vùng Sơn - Cẩm - Hà phát triển mạnh kinh tế vườn với cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao như sầu riêng, măng cụt, mít, cau, thanh trà, tiêu.

Giao thông kết nối liên huyện, giao thương phát triển mạnh. Tỷ lệ hộ nghèo tính chung toàn vùng dưới 5%. Trong định hướng đến năm 2030, Sơn - Cẩm - Hà, chiến khu xưa trở thành thung lũng văn hóa - kinh tế sinh thái - du lịch miền trung du xứ Quảng.

Theo dọc đường Đông Trường Sơn và các tuyến tỉnh lộ, từ vùng Tây phía nam ra vùng Tây phía bắc Quảng Nam, gần như đi qua nhiều vùng căn cứ cách mạng, điểm đứng chân của Tỉnh ủy trong 2 cuộc kháng chiến đến xã Ba, xã Tư (Đông Giang), nơi cửa ngõ từ Đà Nẵng lên vùng đồng bào Cơ Tu sinh sống.

Căn cứ xưa bừng sáng, dân cư đông đúc, hình thành cụm công nghiệp, hứa hẹn là vùng có tiềm năng phát triển kinh tế với định hướng chủ yếu là phát triển thương mại dịch vụ, công nghiệp.

Trong đó, trung tâm vùng là đô thị Sông Vàng, thu hút đầu tư Khu đô thị cao cấp, biệt thự nghỉ dưỡng sinh thái Tây Bà Nà, điểm du lịch sinh thái đồi chè… góp phần rất quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng tăng tỷ lệ lao động phi nông nghiệp.

Ông Nguyễn Đức Huy, Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Đông Giang cho biết: “Xã Ba và xã Tư là vùng động lực phát triển kinh tế của huyện. Khu vực này có địa hình thuận lợi, cơ sở hạ tầng tương đối đồng bộ, có tuyến đường quốc lộ 14G kết nối với TP.Đà Nẵng”.

Nơi căn cứ xưa, như lời bài hát “Chiều về qua Đông Giang” của nhạc sĩ Hoàng Bích: “Người Kinh - Cơ Tu bao đời ước nguyện/ Thủy chung bên nhau ngàn đời bên nhau”...

Bản hùng ca viết tiếp

Hầu hết căn cứ và nơi đứng chân của cách mạng đã được công nhận là di tích lịch sử, trở thành “địa chỉ đỏ” trong các hoạt động uống nước nhờ nguồn, giáo dục truyền thống cách mạng của các tổ chức đoàn thể. Nhiều khu căn cứ được đầu tư xây dựng và trở thành điểm du lịch, nơi tìm về của nhiều chương trình trở lại chiến trường xưa.

nuocoa.jpg
Đoàn nguyên cán bộ, công nhân viên Công ty Thương nghiệp Trà My thăm Khu di tích Nước Oa. Ảnh: D.L

Ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Trung tâm VHTT-TTTH Bắc Trà My chia sẻ: “Hoạt động về nguồn tại Khu di tích Trung Trung Bộ diễn ra thường xuyên, nhất là sau dịch COVID-19. Năm 2023, có khoảng 170 đoàn với hơn 7.500 lượt khách. Trong 9 tháng năm 2024, đã có gần 200 đoàn với hơn 9.000 lượt khách. Điều đáng quý, rất nhiều trường đã tổ chức cho học sinh, sinh viên về thăm, tìm hiểu di tích”.

Đồng quan điểm, ông Phùng Văn Huy - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT nhấn mạnh: “Ngành luôn chú trọng đến việc giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho học sinh. Việc các đoàn thể, trường học tổ chức hoạt động ngoại khóa về thăm và tìm hiểu di tích lịch sử căn cứ cách mạng là đáng trân trọng và đúng hướng.

Qua đó giúp cho thế hệ trẻ hiểu sâu hơn, tự hào về lịch sử và truyền thống cách mạng vẻ vang, hào hùng của địa phương; thể hiện trách nhiệm của tuổi trẻ với lịch sử cha ông, hình thành nhân cách cao đẹp”.

Cách tốt nhất bồi dưỡng lòng yêu nước cho thanh niên là tìm hiểu, giáo dục truyền thống dân tộc và truyền thống cách mạng. Qua đó bồi đắp, củng cố cho họ hiểu được giá trị lịch sử, giá trị của cuộc sống hòa bình, tự do, độc lập, xây dựng hoài bão, khát vọng, ý chí, quyết tâm vượt lên khó khăn, thử thách; đoàn kết, chia sẻ, tương thân, tương ái, sẵn sàng cống hiến và hy sinh vì lợi ích của quốc gia, dân tộc. Những việc làm của Quảng Nam là thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Cốt nhất của nhà trường là dạy học cho học trò biết yêu nước, thương nòi”.

Truyền thống cách mạng không chỉ lưu giữ mà cần phải trao truyền với nhiều nội dung và phương thức phong phú, đa dạng, nhất là đối với thế hệ trẻ. Trong thời kỳ bùng nổ thông tin, mạng xã hội len lõi vào mọi ngóc ngách của đời sống và xã hội, đòi hỏi công tác giáo dục truyền thống phải nhạy bén về hình thức.

TS. Ngô Văn Hùng - nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho rằng: “Cần phải hệ thống hóa nguồn tư liệu chính xác, chân thật nhất và đồng thời lưu giữ, tôn tạo các di tích cách mạng trang nghiêm, tôn kính.

Ngoài các cuộc thi tìm hiểu lịch sử, chương trình giáo dục lịch sử địa phương, hoạt động khoa học, về nguồn và ngoại khóa cần đi vào chiều sâu giá trị lịch sử. Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để giảng dạy, xây dựng du lịch thông minh… trên nền tảng mạng xã hội về căn cứ địa cách mạng”.

Truyền thống cách mạng cần phải được đầu tư hệ thống từ nguồn dữ liệu sinh động, chân thật, giàu cảm xúc và đa dạng kênh, hình thức, cách thức biểu hiện; để bản hùng ca cách mạng luôn được viết tiếp, trao truyền như dòng máu sinh sôi, nảy nở cho muôn đời sau.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Căn cứ Tỉnh ủy Quảng Nam - lòng dân với Đảng Bài cuối: Về lại chiến khu xưa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO