“Căn cước ký ức” vùng đất - con người

NGUYỄN ĐIỆN NAM 31/05/2020 04:44

Hội An vẫn là vùng đất in đậm “căn cước ký ức” trong nhiều người, nhiều đời. Mỗi câu chuyện, hơi thở nhẹ gì ở đó cũng dậy lên mối quan tâm. Như tuần rồi, người viết bài này nhận được hai ấn phẩm mang dư vị ký ức Hội An mà lòng nồng ấm. Là Thơ tình ở Hội An của nhà thơ Hoàng Lộc, gợi cảm và hoài tưởng phố xưa với cảnh sắc và giai nhân.

Là Loanh quanh chuyện Phố của Trương Nguyên Ngã, kể tả những công trình di tích, giai thoại gắn phận đời, phận người một thủa vàng son, vàng phai và vàng đêm nhớ nhung chong đèn hồi ức.

Và, cũng vì chuyện yêu Phố đến vậy nên rất khó nuốt trôi cái… cục tức chợt đến bất ngờ khi ở tập 4 mùa 1 bộ phim truyền hình “Madam Secretary” trên Netflix, các nhà làm phim đã sử dụng những thước phim quay tại Hội An nhưng lại chú thích là Phù Lăng. Báo Pháp luật Việt Nam đưa tin này vào 27.5.2020, nói Phù Lăng là  “một quận thuộc thành phố của nước khác”. Nước khác là nước nào? Có khó đâu, vào google tìm ra ngay đó là Fuling của China, là Phù Lăng khu - một quận của thành phố Trùng Khánh (Trung Quốc).

Đã có hàng loạt bình luận của người Việt thể hiện sự tức giận với đoàn làm phim, với Netflix. Bởi người ta biết Netflix đang là “kho” chứa lượng phim ảnh lớn nhất thế giới, có sức phổ biến và ảnh hưởng mạnh mẽ nên sai sót này là rất nghiêm trọng. Cái việc lặp lại sai sót như vậy, cũng tựa kiểu đưa chèn bản đồ có hình lưỡi bò tái hiện trong lúc người ta đang phòng chống dịch Covid-19, dễ làm mất cảnh giác. Những chuyện như thế mà không phản đối, để lặp lại nhiều lần đến mức đủ lâu thì sẽ thành… ký ức cho người ta có cơ sở làm lại căn cước về “chủ quyền lịch sử”. Thật nguy hiểm!

Lịch sử là những thứ không làm lại, trở lại được, nhưng người sau vì những chủ đích khác nhau có thể sửa lại, viết lại chuyện đời trước đã làm. Ký ức chỉ xác thực qua nhiều thế kỷ, nhiều đời, giúp cho căn cước lịch sử vùng đất và con người được minh định. Ký ức về những biến cố thăng trầm, sự kiện chính trị xã hội, những công trình văn hóa, kinh tế, sinh hoạt đời sống xã hội, những cảm quan, tình tự đời người… đều cần chép lại.

Nhân đây đề cập thêm chuyện chép sử của xứ mình. Thời phong kiến, lịch sử Việt Nam được kể lại trên nền chủ yếu của các triều đại, các dòng họ vua chúa. Xác lập vị thế so sánh của quốc gia cũng định vị theo niên hiệu các triều vua, như danh nhân Nguyễn Trãi từng viết trong Cáo Bình Ngô: “Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập/Cùng Hán, Đường, Tống, Minh, mỗi bên hùng cứ một phương…”.

Từ triều đình đến xã hội dân gian, cách chép sử đó nghiễm nhiên làm cho mọi người quan tâm đến lịch sử các dòng họ, đến phả ký, gia phả, phả hệ. Ta muốn tìm hiểu về cội nguồn tổ tiên, dòng họ đều phải lần tìm gốc tích tiền nhân, rồi trải qua bao nhiêu biến động, những bước di cư, dòng chảy phận người... Đó là công việc không dễ dàng vì sử liệu không được ghi chép đầy đủ hoặc bị mai một, thất tán qua thăng trầm lịch sử.

Lịch sử của xứ Quảng cũng trải qua nhiều cuộc chiến tranh ly loạn thời phong kiến đến hiện đại, do đó nhiều gia phả, phả hệ dòng họ không được bảo toàn, hoặc chỉ chép sơ sài, san định vắn tắt về nguồn gốc tổ tiên “Bắc địa tùng vương” theo đoàn quân vua Lê Thánh Tông bình Chiêm, lập Quảng Nam thừa tuyên (1471), rồi đến chúa Nguyễn Hoàng vào Nam (1558).

Dòng họ có phả cũng như nước có sử. Sử để ghi chép giềng mối, văn hiến của một nước. Phả để ghi chép gốc rễ và tinh túy của một họ. Vậy nên dẫu khó cũng phải biên khảo lịch sử vùng đất, di tích văn hóa, các dòng họ…, để lại căn cước ký ức cho con cháu mai sau “không đến nỗi mờ mịt với nguồn gốc cội rễ tổ tiên” như nhà gia phả học Dã Lan Nguyễn Đức Dụ từng trăn trở.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
“Căn cước ký ức” vùng đất - con người
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO