Sản xuất hàng hóa luôn phải tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp đến công nghiệp, phát triển dịch vụ cần theo định hướng, yêu cầu của thị trường. Vì vậy, có đa dạng hóa thị trường Quảng Nam mới khá lên được.
Các loại thị trường, dịch vụ cơ bản xuất hiện ngày càng sôi động hơn trong nội địa Quảng Nam. Chẳng hạn, thị trường tài chính, tín dụng có nhiều chi nhánh ngân hàng tư nhân, thương mại cổ phần góp mặt. Thị trường dịch vụ thương mại, đã có hệ thống siêu thị và mạng lưới chợ phủ khắp địa bàn, góp sức đưa hàng hóa về nông thôn (gắn với chương trình cổ xúy người Việt dùng hàng Việt). Dịch vụ vận tải phát triển, có loại hình logistics (tạm gọi là dịch vụ hậu cần kho bãi vận chuyển) làm gia tăng giá trị sản phẩm của các tổ hợp sản xuất. Các dịch vụ tư vấn, tín dụng, bảo hiểm, đào tạo, y tế, bưu chính, viễn thông... có bước phát triển khá. Cùng với thị trường nội địa, việc tìm thị trường xuất khẩu cũng được chú trọng. Quảng Nam tổ chức nhiều hoạt động quảng bá du lịch, xúc tiến đầu tư ở các nước ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước khu vực châu Âu; chủ động củng cố, đẩy mạnh hợp tác địa phương thuộc các nước trong khu vực và quốc tế... Tuy nhiên, để tìm thị trường bền vững còn nhiều vấn đề đặt ra.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh đã xác lập được vị thế trên thị trường. Ảnh: D.L |
Tìm đầu ra cho sản phẩm
Quảng Nam đã đặt mục tiêu cho giai đoạn 2015 - 2020, kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân trên 16%/năm. Để đạt mục tiêu đó, bài toán đặt ra là phải tìm lối mở rộng thị trường, cùng với việc cải thiện rõ rệt khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp và của từng sản phẩm. Trong xây dựng và phát triển thị trường cần các giải pháp cụ thể, đồng bộ, mà trước hết là câu chuyện tìm đầu ra cho sản phẩm. Nói cách khác, muốn xây dựng nền kinh tế thị trường phải đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, mà trong đó, việc tìm được đầu ra cho sản phẩm có ý nghĩa quyết định thành công.
Cho đến nay, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh đã xác lập được vị thế trên thị trường, có đầu ra tương đối ổn định như: ô tô, giày da, may mặc... Do đó, tỉnh đã tập trung kêu gọi xúc tiến đầu tư cho các dự án phát triển công nghiệp hỗ trợ để mở rộng sản xuất các sản phẩm này. Điển hình như, với ngành dệt may - da giày, mở rộng và phát triển thêm một số dự án lớn như: Khu liên hợp Sợi - nhuộm - dệt - may Đông Quế Sơn; Tập đoàn dệt may Panko - Hàn Quốc tại Khu công nghiệp Tam Thăng; Nhà máy sản xuất hàng may mặc Onewoo tại cụm công nghiệp Hà Lam - Chợ Được; Sản xuất giày dép xuất khẩu An Lưu tại cụm công nghiệp An Lưu - Điện Bàn... Phát triển công nghiệp hỗ trợ cơ khí ô tô, liên doanh với Mazda của Nhật, Pháp, Hàn quốc; mở rộng, tăng năng lực sản xuất và lắp ráp ô tô. Ngoài ra, tỉnh cũng tạo điều kiện để các nhà máy sản xuất các sản phẩm mới đi vào hoạt động ổn định như: sô đa, bia, nước giải khát, xi măng, linh kiện điện tử...
Sản phẩm ô tô của Thaco. |
Cái khó về tìm đầu ra cho sản phẩm rơi vào ngành nông nghiệp. Tuy nhiên vấn đề đã được nhận thức lại, với định hướng từng bước chuyển nông nghiệp sang sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với thị trường. Rõ nhất là việc hình thành vùng sản xuất giống lúa hàng hóa, với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp đầu tư kinh doanh giống có thương hiệu trong cả nước. Quy mô liên kết sản xuất giống năm 2015 đạt 5.357ha, với hơn 40 công ty (giống lúa, đậu xanh, bắp lai). Bên cạnh đó, bước đầu có 4 doanh nghiệp liên kết tiêu thụ sắn, bắp, dưa leo; hình thành 60 cơ sở chăn nuôi gia công.
Muốn đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, Quảng Nam cần xác định từng ngành hàng chủ lực để ưu tiên đầu tư phát triển như: keo nguyên liệu, gỗ, tôm, bò thịt (hoặc sữa), giống lúa, dưa hấu, đậu phụng, bắp, rau… vừa kết hợp quy hoạch, sản xuất theo hướng nâng cao giá trị nông sản, liên kết phát triển mạnh hệ thống thị trường tiêu thụ các mặt hàng nông sản này. Đi kèm định hướng đó, cần có giải pháp để chú trọng thu hút doanh nghiệp, tăng cường kết nối thông tin và thị trường.
Cần chuyển nông nghiệp sang sản xuất hàng hóa. TRONG ẢNH: Hình thành vùng sản xuất lúa giống cung ứng cho thị trường.ảnh: V.S |
Lo thị trường xuất khẩu
Trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng, từ Tổ chức thương mại thế giới (WTO) đến Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Quảng Nam cũng đã có chủ trương đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường truyền thống và thị trường mới có nhiều tiềm năng.
Tỉnh đã xác định chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu các mặt hàng có giá trị gia tăng cao, tăng các sản phẩm chế biến và chế tạo, sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao; giảm dần tỷ trọng các ngành hàng xuất khẩu thô; thúc đẩy các mặt hàng xuất khẩu có lợi thế so sánh và cạnh tranh. Đó là hướng đi đúng. Song, khi đặt ra yêu cầu tăng mạnh hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh là giày da và may mặc (vì hai mặt hàng này chiếm gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu trong các năm qua) thì cần coi trọng hơn yếu tố dự báo thị trường và định hướng mở rộng thị trường. Bởi các mặt hàng này luôn đối mặt nguy cơ bị kiện vi phạm luật chống bán phá giá (với rào cản kỹ thuật như EU và Mỹ). Khi thị trường mở rộng thêm theo lộ trình WTO, và sắp tới đây nếu gia nhập TPP thì những “rào cản kỹ thuật” sẽ khắt khe hơn.
Bối cảnh 9 tháng đầu năm 2015 cũng cho thấy, tuy tốc độ sản xuất một số mặt hàng chủ lực của tỉnh tăng mạnh so cùng kỳ: Sản xuất xe có động cơ tăng 84%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng hơn 62%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính tăng 50,3%, nhưng nhiều doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong sản xuất, thị trường tiêu thụ và xuất khẩu. Chỉ số sản xuất cũng giảm so cùng kỳ, như: sản xuất trang phục giảm 32,7%; da và các sản phẩm liên quan giảm 29,7%; đồ uống giảm hơn 22%; chế biến thực phẩm giảm 18,3%; sản phẩm từ khoáng phi kim loại giảm 20,4%.
Kim ngạch xuất khẩu tháng 9 thực hiện gần 61 triệu USD, nâng giá trị xuất khẩu 9 tháng lên 423 triệu USD, tăng 1,4% so với cùng kỳ và bằng 55% kế hoạch năm; trong đó, hàng linh kiện và sản phẩm điện tử tăng 70%, hàng dệt may tăng gần 19%. Tuy vậy, điều đáng lo là giá trị xuất khẩu một số mặt hàng giảm, như giày da giảm 16%; sản phẩm từ sắt thép giảm gần 8%; hàng thủy sản giảm 4%; hàng hóa khác giảm hơn 20%.
Thị trường càng mở, nỗi lo càng lớn. Thời gian tới, khi nước ta ký kết các Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu, Hàn Quốc, Liên minh hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan và với các đối tác lớn khác, đặc biệt là tham gia TPP và gia nhập AEC (Cộng đồng kinh tế ASEAN), thì cơ hội và thử thách đan xen. Hội nhập sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước, trong đó có Quảng Nam, vì có cơ hội mở cửa thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, hội nhập sâu rộng cũng khiến các doanh nghiệp xuất khẩu trong tỉnh gặp không ít khó khăn do khó đáp ứng những tiêu chuẩn cao của thị trường nước ngoài; trong khi trình độ công nghệ còn thấp, sản phẩm không đủ sức cạnh tranh...
Do dự báo các thử thách nêu trên nên chỉ tiêu về kim ngạch xuất khẩu Quảng Nam trong 5 năm tới có vẻ “liệu cơm gắp mắm” là tăng bình quân trên 16%/năm, thấp hơn giai đoạn 2011 - 2015 (bình quân tăng 22,1%/năm). Song, nếu không xúc tiến mở rộng được thị trường, thì để đạt được mức tăng đó cũng không dễ. Bài toán tìm thị trường, đa dạng hóa thị trường vẫn cần lời giải bức thiết.
BẢO TRÂN