Cần đầu tư nguồn lực cho đô thị hóa

TRẦN HỮU 31/01/2020 10:07

Quá trình đô thị hóa diễn ra đúng lộ trình và dự báo đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Nhiều đô thị non trẻ của tỉnh đang “trưởng thành”, xây dựng được bản sắc nhưng rào cản chủ yếu vẫn thiếu nguồn lực đầu tư.

Hội An chưa đảm bảo tất cả tiêu chí để được công nhận đô thị loại 2.Ảnh: T.HỮU
Hội An chưa đảm bảo tất cả tiêu chí để được công nhận đô thị loại 2.Ảnh: T.HỮU

Lần lượt “lên hạng”

Cách đây 5 năm, Nghị quyết số 01 của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI nhiệm kỳ (2015 - 2020) đưa ra chỉ tiêu tỷ lệ đô thị hóa đạt hơn 32%. Tuy nhiên, theo nhận định của Sở Xây dựng, năm 2020 tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh hoàn toàn có khả năng đạt 34,3%.

Năm nay, dân số đô thị chắc chắn sẽ tăng do nhiều nơi xã sẽ “lên hạng” phường. Chẳng hạn, thị xã Điện Bàn dự kiến có 5 xã lên phường gồm Điện Phương, Điện Minh, Điện Thắng Bắc, Điện Thắng Nam, Điện Thắng Trung.

Huyện Núi Thành đang hoàn tất thủ tục công nhận từ đô thị loại V lên loại IV để làm cơ sở hình thành cấp hành chính là thị xã vào năm 2020; đô thị Núi Thành được quy hoạch 8 xã gồm Tam Giang, Tam Quang, Tam Nghĩa, Tam Mỹ Đông, Tam Anh Nam, Tam Hiệp, Tam Anh Bắc và Tam Hòa.

Ngoài ra, các xã Hương An (Quế Sơn), A Tiêng (Tây Giang), Trà Mai (Nam Trà My), xã Duy Hải, Duy Nghĩa (Duy Xuyên) và xã Bình Minh (Thăng Bình) cũng hướng đến được công nhận đô thị loại V.

Sở Xây dựng cho biết, nếu tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh năm 2020 đạt 34,3%, tuy cao hơn so với chỉ tiêu theo chương trình phát triển đô thị của tỉnh là 32%, song còn thấp hơn tỉnh Bình Định (42,8%) và thấp hơn trung bình của cả nước (xấp xỉ 40%).

Đến nay, cơ bản các huyện đều có đô thị trung tâm huyện lỵ. Mạng lưới đô thị đã được hình thành rõ nét, liên kết hỗ trợ lẫn nhau giữa đô thị và nông thôn. Điều dễ nhận thấy, việc nâng cấp, mở rộng “lên hạng” đô thị không phải chạy theo thành tích mà đảm bảo tuân thủ không gian phát triển cho phù hợp với từng đô thị đặc thù.

Điểm mạnh của nhiều đô thị là khai thác tối đa lợi thế về địa hình gắn với ưu đãi của tự nhiên như núi, đồi, sông, biển; hạn chế sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ, đặc dụng. Chất lượng đô thị ở nhiều tiêu chí được nâng lên, thậm chí vượt chuẩn, rõ nhất là trình độ phát triển kinh tế - xã hội, tiêu chí hệ thống hạ tầng xã hội đô thị.

Hạn chế nguồn lực

Theo Giám đốc Sở Xây dựng - ông Nguyễn Phú, nguyên nhân cản trở quá trình phát triển đô thị của tỉnh chủ yếu nằm ở nguồn lực đầu tư còn thấp, chưa có cơ chế hỗ trợ đầu tư hạ tầng. Bên cạnh đó, xuất phát điểm của các đô thị và thực tế phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi còn hạn chế. Nhiều đô thị không đạt một số tiêu chí để được “thăng hạng”.

Đơn cử như Hội An chưa đảm bảo tất cả tiêu chí để được công nhận đô thị loại 2; thị xã Điện Bàn, Núi Thành, Nam Hội An thành đô thị loại 3; các thị trấn Nam Phước, Khâm Đức, Hà Lam, Ái Nghĩa, Đông Phú và Thanh Mỹ thành đô thị loại 4…

Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My - ông Trần Văn Mẫn cho rằng, 10 năm qua, địa phương rất lúng túng trong tái thiết, chỉnh trang đô thị, bởi vốn bố trí bình quân mỗi năm khoảng 3 tỷ đồng, nhưng chỉ riêng tiền chi cho hạng mục điện chiếu sáng công cộng đã chiếm hơn nửa tỷ đồng. Hiện tại đô thị vẫn chưa đầu tư công trình xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, trong khi đó khu xử lý rác thải thì đầu tư tạm bợ.  

“Bộ mặt” của một đô thị không bao giờ xa rời với phát triển kinh tế, nhưng sự tương hỗ này vẫn chưa rõ nét nhất là ở một số trục kinh tế - đô thị. Trong khi đó, liên kết giữa các đô thị còn rời rạc, chưa hình thành rõ ràng các điểm dân cư gắn với các cụm công nghiệp và dịch vụ.

Nhìn vào thực trạng các đô thị của tỉnh hiện nay không khỏi lo lắng về chất lượng. Đó là đầu tư thiếu đồng bộ hệ thống giao thông chính, các hạng mục đi kèm như vỉa hè, thoát nước, chiếu sang, cây xanh. Thêm vào đó, các không gian đô thị (quảng trường, công viên cây xanh, khu vui chơi trẻ em…) chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Không gian đô thị chủ yếu mở rộng phát triển năng động ở vùng đông nhưng thực sự chưa có dấu ấn đặc thù do cảnh quan, kiến trúc đô thị vùng nhìn chung na ná nhau.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng - ông Trần Bá Tú cho rằng, vướng mắc chủ yếu của cơ chế hỗ trợ phát triển đô thị đến năm 2025 liên quan đến kinh phí thực hiện đề án nhưng sở không thể giải quyết được mà thuộc thẩm quyền của các sở, ngành khác theo phân cấp quản lý của UBND tỉnh và sự thông qua của HĐND tỉnh.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cần đầu tư nguồn lực cho đô thị hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO