Những ngày này, khắp cả nước dậy lên câu chuyện hướng về Điện Biên, hành quân về Điện Biên, nơi 60 năm trước đã làm nên chiến công “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”...
“Chín năm làm một Điện Biên/ nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”, không người Việt Nam nào không tự hào với trang sử ấy. Và, nhắc đến Điện Biên Phủ, hẳn nhiên lại nhớ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn với quyết định lịch sử chuyển từ đánh nhanh tiến nhanh sang đánh chắc tiến chắc, bảo đảm thắng lợi cuối cùng. Điều đáng chú ý, trong lòng vị tướng thiên tài ấy, Điện Biên Phủ sống động không chỉ vì tầm vóc của chiến công, ghi dấu sự hy sinh vô bờ nhưng cũng đầy anh dũng của quân dân cả nước. Điện Biên Phủ, với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, không chỉ có ý nghĩa một chiến công trên mặt trận quân sự mà còn khẳng định cho nguyên lý tự lực tự cường làm nên sức mạnh dân tộc. Người ta có thể đánh thắng một đội quân nhưng không thể đánh thắng một dân tộc, nếu dân tộc ấy đoàn kết thành một khối “trên dưới đồng lòng, cả nước giúp sức”. Vì vậy, có thể hiểu chiến cuộc trong chín năm kháng chiến chống Pháp, và nhất là trong chiến dịch Đông Xuân 1954, nếu không có cả nước kéo căng địch ra mà đánh thì sẽ khó có một chiến thắng Điện Biên rực rỡ. Nếu chỉ có quân đội mà không có hàng chục vạn xe thồ cùng hàng triệu dân công hỏa tuyến thì làm sao đủ sức vây hãm địch ở Điện Biên. Nếu không có nhân dân thì bộ đội ta lấy đâu ra sức mạnh và lực lượng, sự sáng tạo không ngừng để chỉ sau 10 năm thành lập từ 34 đội viên với súng trường đã hình thành đội quân hùng hậu đánh thắng được quân đội nhà nghề. Hiểu những góc độ đó, sẽ thấy rằng không phải ngẫu nhiên sau này lịch sử lặp lại trận “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972. Hiểu như thế sẽ thức nhận rằng tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ là sự phát triển liên tục của tư duy quân sự Việt Nam, tiếp thu binh pháp của cha ông “lấy yếu thắng mạnh, lấy ít địch nhiều”, xây dựng tiềm lực quốc phòng ngay chính từ căn rễ lòng dân, sức dân.
Sinh thời, trong một lần nhắc về chiến thắng Điện Biên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có nói đại ý, cần đưa tinh thần chiến thắng Điện Biên vào lĩnh vực kinh tế. Ấy là nói đến việc phát huy nguyên lý độc lập, tự chủ, sáng tạo trong làm ăn để đưa Việt Nam tự cường, trở thành đất nước giàu mạnh. Phải nhận rằng, cuộc tiến công vào đói nghèo lạc hậu không kém phần gay go, trường kỳ gian khổ. Cho đến hôm nay, “nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế” vẫn còn là thử thách của Việt Nam. Cần có “Điện Biên Phủ mới” trong hành trình xây dựng, phát triển đất nước, đó là khát vọng, là câu chuyện sau kỷ niệm 60 năm nhắc gợi một chiến công.
ĐĂNG QUANG