Cần điều chỉnh một số chính sách, cơ chế quản lý

Minh Đức 20/05/2013 08:57

Trước kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam đã có đợt tiếp xúc cử tri nhằm nắm bắt kịp thời tâm tư nguyện vọng, kiến nghị của nhân dân về tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Đợt tiếp xúc đã thu hút khoảng 1.800 lượt cử tri tham gia, trong đó nổi lên vấn đề chính sách phát triển miền núi, cơ chế điều hành, hướng dẫn thi hành các văn bản pháp luật…  

Đầu tư mạnh cho miền núi

Thời gian qua, các loại hàng hóa, nông sản, vật nuôi nhập khẩu vào nước ta bằng nhiều con đường, trong đó nhiều loại hàng hóa có chứa chất độc hại, dịch bệnh có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng và nguy cơ lây lan dịch bệnh cho gia súc, gia cầm. Cử tri trên địa bàn tỉnh kiến nghị Chính phủ có biện pháp ngăn chặn để tránh lây lan dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe người dân, đồng thời không nhập khẩu những nông sản mà trong nước sản xuất và chăn nuôi được để bảo vệ ngành nông nghiệp trong nước. Cử tri trên địa bàn tỉnh cũng kiến nghị, hiện nay suất đầu tư và tiến độ cấp vốn cho đề án phát triển kinh tế - xã hội các địa phương vùng đặc biệt khó khăn theo Nghị quyết 30a của Chính phủ còn quá thấp, không đủ tiến độ, mục tiêu mà nghị quyết đề ra, đề nghị Chính phủ tăng mức đầu tư để đảm bảo thực hiện nghị quyết này.

Nhiều cử tri kiến nghị cần có chính sách phù hợp phát triển miền núi.  Trong ảnh: Người dân khu tái định cư thủy điện thiếu đất sản xuất.                       Ảnh: M.Đ
Nhiều cử tri kiến nghị cần có chính sách phù hợp phát triển miền núi. Trong ảnh: Người dân khu tái định cư thủy điện thiếu đất sản xuất. Ảnh: M.Đ

Liên quan đến vấn đề phát triển kinh tế - xã hội miền núi, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, nhiều cử tri kiến nghị hiện nay kinh phí giao khoán bảo vệ và chăm sóc rừng với mức 200 nghìn đồng/ha là quá thấp, không đủ bù đắp chi phí. Cử tri đề nghị Chính phủ xem xét, điều chỉnh nâng lên mức 500 nghìn đồng/ha để khuyến khích người dân tham gia bảo vệ rừng và sống được nhờ rừng. Ngoài ra, các dự án tái định cư thủy điện trên địa bàn tỉnh thiếu đất sản xuất, điều kiện sinh kế của đồng bào thiếu bền vững, đề nghị Chính phủ có chính sách nâng mức trả phí dịch vụ môi trường rừng ở những khu vực này để đồng bào có điều kiện nâng cao đời sống. Cử tri cũng đề nghị Chính phủ tăng kinh phí đầu tư để xây dựng hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng cho Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang nhằm phát huy hiệu quả khai thác, thúc đẩy hợp tác, giao thương hàng hóa với nước bạn Lào và các nước trong hành lang kinh tế Đông – Tây. Bên cạnh đó, đề nghị có cơ chế để lại nguồn thu từ khu kinh tế này cho địa phương đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng…

Cần điều hành, quản lý có hiệu quả

Theo nhiều cử tri, hiện nay ở một số cơ quan bộ máy thành lập nhiều thêm, cồng kềnh, hoạt động kém hiệu quả, trái với chủ trương về cải cách hành chính, tinh giản bộ máy, gây lãng phí, đề nghị Chính phủ có biện pháp chấn chỉnh tình trạng này. Cử tri phản ánh, Quốc hội thông qua các luật, pháp lệnh nhưng việc thực hiện hướng dẫn của Chính phủ, bộ ngành quá chậm trễ làm ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện. Đề nghị Quốc hội nên quy định thời gian cụ thể cho việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh để nhanh chóng đưa pháp luật vào cuộc sống.

Cần có một đầu mối về triển khai thực hiện chính sách phát triển miền núi
Ông Trần Xuân Vinh - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cho biết, trong đợt tiếp xúc cử tri vừa qua, nhân dân đã kiến nghị, phản ánh những vấn đề hết sức bức xúc, thiết thực. Xâu chuỗi lại các ý kiến có thể nhận thấy nổi lên vấn đề cần kịp thời kiến nghị trước diễn đàn Quốc hội là hiện nay các chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở miền núi rất phân tán, mỗi cơ quan, đơn vị, bộ ngành cùng đồng thời thực hiện nên khó phát huy hiệu quả. “Nhiều chương trình, chính sách, đề án phát triển miền núi trên các lĩnh vực y tế, giáo dục, hạ tầng cơ sở, kinh tế đời sống đều được các bộ ngành khác nhau thực hiện nên khó thống nhất, chưa đem lại hiệu quả cao. Vì vậy cần tập hợp lại một đầu mối để phát huy hiệu quả, đặc biệt là phát huy tối đa năng lực cộng đồng trong việc tham gia thực hiện, góp phần nâng cao hiệu quả các chính sách này” - ông Vinh nói.

Theo nhiều cử tri, Luật Khoáng sản (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1.7.2011, song các văn bản hướng dẫn thi hành vừa chậm lại vừa có nhiều điểm thiếu thống nhất, chồng chéo, khó thực hiện. Đặc biệt Điều 5 của Luật Khoáng sản quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp hoạt động khoáng sản phải có nghĩa vụ đóng góp ngân sách, đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nơi doanh nghiệp hoạt động, cho đến nay vẫn chưa có hướng dẫn thi hành. Vì vậy hầu hết doanh nghiệp nơi hoạt động khoáng sản đều không thực hiện, gây khó khăn cho địa phương nhưng không có chế tài xử lý. Đề nghị Chính phủ sớm ban hành văn bản hướng dẫn Điều 5 của Luật Khoáng sản. Bên cạnh đó, đề nghị Bộ Tài nguyên - môi trường công bố khoanh định khu vực có khoáng sản phân tán nhỏ lẻ để UBND tỉnh cấp giấy phép và gia hạn giấy phép thăm dò, khai thác, vận chuyển khoáng sản theo quy định tại khoản 2, Điều 82 của Luật Khoáng sản. Cử tri cũng kiến nghị, Nghị định 116/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách đối với cán bộ, công chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn tồn tại nhiều bất cập, thiếu công bằng. Cụ thể, cùng trên một địa bàn công tác nhưng có đối tượng được hưởng, có đối tượng không được hưởng. Đa số các đối tượng được hưởng chính sách này thuộc các ngành do trung ương quản lý như TAND, VKSND, quân đội, thi hành án, công an… Còn các đối tượng do địa phương quản lý thì lại không được hưởng. Đề nghị Chính phủ điều chỉnh để tạo công bằng cho các đối tượng.

Đặc biệt, cử tri phản ánh, mặc dù Chính phủ đã có chủ trương phân cấp cho các địa phương nhưng trong quá trình thực hiện, tình trạng xin cho giữa địa phương và  bộ ngành trung ương có xu hướng tăng, đặc biệt trên lĩnh vực xây dựng cơ bản, chương trình mục tiêu quốc gia, quy trình phân bổ ngân sách…, gây tốn kém thời gian và ngân sách cho địa phương. Cử tri đề nghị Chính phủ kiểm tra, tăng cường công tác quản lý, điều hành để chấn chỉnh tình trạng này. Bên cạnh đó, cần mạnh dạn phân cấp để địa phương chủ động trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và giảm bớt tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực.

Minh Đức

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cần điều chỉnh một số chính sách, cơ chế quản lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO