Cần điều chỉnh quy hoạch rừng

TRẦN HỮU 12/12/2016 09:23

Tại Kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh khóa IX diễn ra vào tuần qua, phần lớn ý kiến đại biểu thống nhất với tờ trình của UBND tỉnh về điều chỉnh quy hoạch và phát triển rừng đến năm 2020 theo hướng tăng diện tích rừng đặc dụng và rừng sản xuất, giảm diện tích rừng phòng hộ ít xung yếu.

Vấn đề phát triển kinh tế rừng tiếp tục đem ra mổ xẻ tại Kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh khóa IX. Ảnh: T.H
Vấn đề phát triển kinh tế rừng tiếp tục đem ra mổ xẻ tại Kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh khóa IX. Ảnh: T.H

Chồng lấn đất

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng ở vùng tây của tỉnh thời gian qua có sự chồng lấn giữa đất sản xuất lâm nghiệp với đất canh tác nông nghiệp. Cho nên, sắp tới sẽ bóc tách diện tích đất sản xuất nông nghiệp đưa ra khỏi đất lâm nghiệp và bổ sung vào đất lâm nghiệp những diện tích ngoài quy hoạch 3 loại rừng (phòng hộ, đặc dụng và sản xuất) nhưng có tiềm năng để trồng rừng. Thêm vào đó, thực hiện chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, sẽ tiến hành rà soát rừng phòng hộ ít xung yếu chuyển sang rừng sản xuất. Theo đó, đến năm 2020, dự kiến đất lâm nghiệp của tỉnh có diện tích 729.756ha (tăng 9.834ha so với Nghị quyết 87/NQ-HĐND đã ban hành trước đó). Đáng chú ý, điều chỉnh rừng đặc dụng lên 139.895ha, tăng 6.349ha; rừng sản xuất 274.048ha, tăng hơn 15.315ha so với Nghị quyết 87/NQ-HĐND.  Về nhiệm vụ phát triển rừng, theo UBND tỉnh, đến năm 2020 sẽ khoanh nuôi tái sinh 25.200 lượt héc ta; thiết lập các vùng sản xuất lâm nghiệp tập trung với quy mô 100 nghìn héc ta trên địa bàn các huyện vùng núi và gò đồi. Ngoài ra, trồng rừng mới 26.313ha; trồng lại rừng sau khai thác 79.125ha.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Thanh - Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh cho rằng, việc điều chỉnh giảm diện tích rừng phòng hộ và tăng diện tích rừng đặc dụng là cần thiết để bảo vệ nghiêm ngặt, phát huy chức năng phòng hộ, bảo tồn đa dạng sinh học rừng tự nhiên. Đồng thời vừa khai thác, sử dụng hợp lý mục đích phát triển kinh tế rừng, giải quyết ổn định đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, theo bà Thanh, việc bình quân mỗi năm nâng độ che phủ rừng không quá 1% là quá thấp, không phù hợp với mục tiêu Nghị quyết 06-NQ/TU của Tỉnh ủy khóa XXI đề ra là phấn đấu đến năm 2020 nâng độ che phủ rừng đạt 60%.

Ngoài ra, báo cáo của ngành nông nghiệp tỉnh cũng cho thấy, diện tích đất có rừng nằm ngoài quy hoạch còn khá lớn với 74.312ha. Việc rà soát, xác định ranh giới 3 loại rừng có sự chồng lấn các loại đất sản xuất nông nghiệp, đất thổ cư trong đất lâm nghiệp, giữa diện tích đất rừng với quy hoạch cơ sở hạ tầng của các địa phương, ngành. Cạnh đó, tình hình sử dụng đất và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhiều biến động do chuyển đổi mục đích sử dụng.

Giải pháp phát triển rừng

Để người dân an tâm giữ rừng, hầu hết ý kiến đều đề xuất tiếp tục triển khai công tác giao khoán bảo vệ rừng theo Nghị định 99/2010/NĐ-CP về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; thực hiện các chính sách hỗ trợ của Nhà nước có bảo vệ, phát triển rừng, chế biến lâm sản, phát triển lâm sản ngoài gỗ. Hiện nay, Sở Tài nguyên và môi trường phối hợp với Sở NN&PTNT thực hiện giao rừng, cho thuê rừng và giao đất lâm nghiệp, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Đặc biệt, ưu tiên giao đất cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân các diện tích đất lâm nghiệp gần khu dân cư, có điều kiện phát triển trang trại lâm nghiệp cộng đồng.

Rào cản lớn nhất hiện nay trong phát triển kinh tế rừng ở miền núi, trung du chính là thiếu các cơ sở cung cấp giống chất lượng, đạt năng suất cao. Theo Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang, để chuyển dịch một cách mạnh mẽ kinh tế lâm nghiệp, nhất thiết phải điều chỉnh cơ cấu, cải thiện giống cây trồng bằng cách ứng dụng tiến bộ công nghệ, khoa học kỹ thuật tiên tiến. Đồng thời tăng cường khuyến lâm, chuyển giao kỹ thuật các mô hình trồng rừng nguyên liệu thâm canh, mô hình trồng rừng gỗ lớn. “Các địa phương cần xây dựng chương trình, dự án quản lý rừng bền vững theo cộng đồng thôn; hỗ trợ ngành chế biến gỗ trong ứng dụng công nghệ cao. Nhanh chóng thực hiện các chính sách, cơ chế để hỗ trợ lâm nghiệp phát triển hợp lý, nâng cao năng suất thâm canh cũng như giá trị thu nhập từ sản phẩm rừng” - Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang nói.

Với góc nhìn từ cơ sở, lãnh đạo chính quyền các địa phương miền núi kiến nghị Nhà nước cần bố trí vốn để cắm mốc ranh giới loại rừng, mốc giới giữa các chủ rừng; giải quyết kịp thời tình trạng thiếu đất sản xuất khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý bảo vệ rừng. Tháng 11.2016, Sở NN&PTNT đã quyết định hợp nhất hạt kiểm lâm của 4 địa phương (Núi Thành, Tiên Phước, Phú Ninh, TP.Tam Kỳ) để thành lập Hạt Kiểm lâm Nam Quảng Nam. Ông Huỳnh Tấn Đức - Giám đốc Sở NN&PTNT khẳng định, việc tinh gọn bộ máy bảo vệ, quản lý rừng là xu thế tất yếu, sau này lần lượt các khu vực khác cũng sẽ hợp nhất tương tự. Cơ quan kiểm lâm chỉ có chức năng giữ rừng tự nhiên, đặc dụng và phòng hộ; còn phòng nông nghiệp sẽ được giao nhiệm vụ phát triển rừng sản xuất. Lúc đó trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng sẽ rõ ràng hơn.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cần điều chỉnh quy hoạch rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO