Cần đo lường kết quả thực thi cơ chế chính sách

TRỊNH DŨNG 27/06/2021 10:01

Không phải ban hành nhiều hay ít văn bản, chính sách, cơ chế mà đo lường được kết quả tác động của chính sách, quyết định, cơ chế đến người dân, doanh nghiệp trên thực tế mới là điều quan trọng bậc nhất, tháo gỡ điểm nghẽn môi trường đầu tư. Nội dung này được đề cập nhiều lần bởi ông Trần Quốc Bảo - Chủ tịch Tập đoàn VN Đà Thành, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân (HHDN) Quảng Nam.

Cùng với việc ban hành các quyết định về trình tự thủ tục lựa chọn nhà đầu tư thì một tổ công tác do chính chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng đến hiện trường giải quyết khó khăn cho các dự án đầu tư kể từ đầu năm 2021 sẽ cải thiện hình ảnh Quảng Nam, hy vọng gia tăng chỉ số PCI cho địa phương.
Cùng với việc ban hành các quyết định về trình tự thủ tục lựa chọn nhà đầu tư thì một tổ công tác do chính chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng đến hiện trường giải quyết khó khăn cho các dự án đầu tư kể từ đầu năm 2021 sẽ cải thiện hình ảnh Quảng Nam, hy vọng gia tăng chỉ số PCI cho địa phương.

Không để doanh nghiệp tự bơi

* Thưa ông, có bất ngờ không khi Quảng Nam bị rớt điểm, tụt hạng PCI năm 2020?

Ông Trần Quốc Bảo - Chủ tịch Tập đoàn VN Đà Thành, Chủ tịch HHDN Quảng Nam.
Ông Trần Quốc Bảo - Chủ tịch Tập đoàn VN Đà Thành, Chủ tịch HHDN Quảng Nam.

- Ông Trần Quốc Bảo: Cộng đồng doanh nghiệp đã đánh giá cao sự năng động của chính quyền Quảng Nam khi đưa ra những sáng kiến, áp dụng nhiều mô hình mới trong cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp. Liên tiếp 5 năm lọt vào nhóm 10 tỉnh thành (năm 2019 xếp thứ 6/10) có thứ hạng PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) cao nhất nước lại rớt điểm, tụt hạng xuống quá (7 bậc), kể ra cũng “nóng mặt” thật. Nhưng đó là sự thật, chất lượng thực thi các chính sách, chủ trương yếu.

Theo phân tích của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện có 71% doanh nghiệp cho rằng có những sáng kiến hay ở cấp tỉnh, nhưng chưa được thực thi tốt ở cấp sở, ngành, 64% doanh nghiệp cho rằng những chủ trương, chính sách đúng đắn của lãnh đạo tỉnh không được thực thi tốt ở cấp huyện, thị, thành phố.

* Theo ông, điểm nghẽn lớn nhất là gì?

- Ông Trần Quốc Bảo: Điểm nghẽn lớn nhất vẫn thuộc về chuyện tiếp cận đất đai. Khó khăn về bồi thường, giải phóng mặt bằng đã khiến nhiều dự án đầu tư bị bế tắc nhiều năm nay. Không có mặt bằng, không thể thực hiện dự án. Mọi thứ gần như trì trệ, từ cam kết đến tiến độ dự án. Các trung tâm phát triển quỹ đất thiếu nhân lực (chất lẫn lượng) để có thể tham gia đầy đủ, xuyên suốt các dự án vốn có quá nhiều tại Quảng Nam.

Các cơ quan nhà nước địa phương thiếu quyết liệt khi ban hành các thủ tục thu hồi đất, quản lý hiện trạng, xử lý các hộ dân vùng dự án. Xây dựng trái phép, lấn chiếm đang là điểm nóng. Không ít trường hợp xây dựng trái phép vùng dự án dù đã lập biên bản vẫn không chịu xử lý dứt điểm, để tái diễn dẫn đến tư tưởng ỷ lại. Chính quyền sở tại sợ đụng chạm, sợ ồn ào… Các yếu tố đó khiến nhiều dự án kéo dài từ năm này đến năm khác, kéo theo tình trạng giá đất tăng đột biến và chi phí đầu tư dự án lên rất cao.

* Cách gì tháo gỡ những vướng mắc này?

- Ông Trần Quốc Bảo: Theo tôi thì không khó để tháo gỡ điểm nghẽn này. Sẽ phải tăng cường năng lực các trung tâm phát triển quỹ đất. Nâng cao quy trình thu hồi đất, giải tỏa bồi thường thỏa đáng, đúng luật, kiên quyết không ngại đụng chạm, ảnh hưởng. Mọi phương án đầu tư, bồi thường… đều phải được niêm yết cụ thể.

Mời, đối thoại dân vùng dự án nhiều lần. Nếu không chấp nhận thì rà soát các quy định, thủ tục đúng luật, ra quyết định cưỡng chế. Một khi có quyết định hành chính của chính quyền, doanh nghiệp sẽ có điều kiện thương thuyết với người dân thuận lợi hơn. Không phải đưa ra phương án rồi để doanh nghiệp tự bơi thì không thể nào giải quyết được.

Có thể nói khu vực dự án thường là những vùng đất nghèo khó. Nhưng khi doanh nghiệp vào đầu tư, người dân cứ nghĩ doanh nghiệp lấy đất của dân đế bán với giá trên trời. Thực chất, khi thu hồi đất, doanh nghiệp chỉ khai thác 30 - 40% thôi. Với vai trò chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp và một nhà đầu tư, tôi mong muốn tỉnh có những cơ chế quyết liệt trong việc thực thi giải phóng mặt bằng.

Việc bồi thường được thỏa thuận theo giá thị trường. Những cuộc đàm phán kéo dài, nhưng cho đến phút cuối, người ta vẫn không đồng ý, kéo dài từ năm này sang năm khác kéo theo đột biến giá đất. Có thể hình dung nếu như bồi thường một dự án kéo dài trong nhiều năm thì chi phí đầu tư sẽ lên rất cao. Đây là mấu chốt cho sự bế tắc, trì trệ của các dự án đầu tư tại Quảng Nam.

Nâng cao năng lực thực thi chính sách, chủ trương

* Vậy ông thấy gì qua các quyết định về đầu tư mới được ban hành?

- Ông Trần Quốc Bảo: Quảng Nam đã ban hành những quyết định kịp thời. Sẽ giao đất từng phần, triển khai giấy phép xây dựng từng giai đoạn theo phần đất đã giải tỏa xong. Hy vọng sẽ chấm dứt chuyện dân vùng dự án tái lấn chiếm, dẫn đến chuyện doanh nghiệp mệt mỏi. Chính quyền đã thay đổi quan điểm đầu tư, nâng cao chỉ số PCI. Đó là tư tưởng tiến bộ.

Việc thành lập tổ công tác (chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng và giám đốc sở, ngành (không được ủy quyền cấp phó) làm thành viên), ít nhất 2 tuần/lần xuống địa phương để giải quyết từng vấn đề cụ thể của doanh nghiệp. Nếu thực hiện được thì đây là điều tuyệt vời. Nghĩa là sự quan tâm của lãnh đạo thực chất và quyết liệt.

Cuối năm 2020, chính quyền đã ban hành một quyết định chuẩn hóa quy định tất cả trình tự thủ tục, lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án trên địa bàn Quảng Nam. Đây là bước tiên phong (vì không nhiều địa phương ban hành quyết định này) trong việc cải cách hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính để hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư…

* Các quyết định này có thỏa mãn doanh nghiệp không?

- Ông Trần Quốc Bảo: Hệ thống hóa lại tất cả quy trình đầu tư để chuyển tới một mô hình một cửa thuận lợi, rút ngắn thời gian (dù vẫn còn chồng chéo giữa các ngành với nhau) thì quy trình này như mô hình mới, có những cải thiện nhất định. Nghĩa là cũng vẫn dựa trên nền tảng luật cũ, nhưng rút ngắn thời gian cho doanh nghiệp đã là điều quý giá nhất.

Mỗi doanh nghiệp phải chịu sự chi phối bởi các quy định pháp luật hiện hành. Việc miễn giảm thuế hay những gì thuộc về chính sách hiện vẫn chưa nhất thiết phải có. Cái cần nhất của doanh nghiệp là giảm chi phí thời gian, giảm thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian đầu tư là chuyện quan trọng hàng đầu. Bởi, khi đầu tư một dự án mà chỉ cần chậm một năm thôi thì với cơ chế, chính sách lãi suất như hiện tại doanh nghiệp phải trả rất nhiều tiền. Quảng Nam đã giải tỏa áp lực này cho doanh nghiệp là điều đáng quý. Một sáng kiến cải thiện môi trường đầu tư đáng kể.

Cần sự quyết liệt

* Chính quyền Quảng Nam hướng đến năm 2025 lọt vào TOP 5; liệu kế hoạch này có dễ dàng đạt được?

- Ông Trần Quốc Bảo: Khi đưa ra những quyết định mới mẻ này, lãnh đạo Quảng Nam đã nhìn thấy rõ những ách tắc. Điều đó sẽ là một trong những bước đệm để giải quyết triệt để những khó khăn, vướng mắc của các dự án đầu tư trong tương lai. Nếu giải quyết được chuyện này thì không chỉ doanh nghiệp đang đầu tư mà ngay cả những nhà đầu tư tương lai cũng sẽ hoan nghênh.

Cộng đồng doanh nghiệp cần là sự quyết liệt của chính quyền. Họ mong muốn được nhìn thấy thực tế được triển khai từ chính các kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam hơn là lời nói, kế hoạch. Quảng Nam có đủ cơ hội, năng lực để cải thiện hình ảnh, tạo dựng thương hiệu địa phương thông qua năng lực cạnh tranh, hấp dẫn các nhà đầu tư. Dư địa cải thiện còn nhiều. Tuy nhiên, phải nhận diện được điểm nghẽn, ách tắc để gỡ bỏ.

Không phải ban hành văn bản này, quyết định nọ, công văn kia nhưng vẫn làm như kiểu cũ sẽ không giải quyết được chuyện gì triệt để. Không phải nhiều hay ít văn bản, chính sách, cơ chế, quan trọng là chuyện thực thi các quyết định đã ban hành, có thể đo lường được kết quả tác động đến doanh nghiệp, dân chúng trên thực tế.

Cộng đồng doanh nghiệp cần, sự quyết liệt, có thêm những cơ chế mạnh mẽ hơn của chính quyền. Ngay như tiếp xúc doanh nghiệp định kỳ là sáng kiến khi giải quyết kiến nghị của từng doanh nghiệp, thiết thực, không chung chung. Nhưng, một khi lãnh đạo tỉnh đã kết luận, thì các sở, ngành, địa phương thực hiện cần ấn định thời gian, hiệu quả công việc cụ thể. Nếu kết luận xong rồi để đó thì vô nghĩa. Cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp (cũng là hỗ trợ) vẫn là giải pháp quan trọng.

Doanh nghiệp kỳ vọng chuyện giám sát triển khai thực hiện những cải cách hiệu quả. Một khi khó khăn, doanh nghiệp mới tìm đến chính quyền, cơ quan quản lý. Khi có niềm tin về các giải quyết kiến nghị thì họ sẽ tìm đến ngày càng nhiều hơn. Vận dụng cơ chế linh hoạt trong thẩm quyền địa phương, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp (không mất nhiều chi phí) cũng sẽ định vị được hình ảnh một Quảng Nam năng động, cầu thị trong mắt các nhà đầu tư, doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cần đo lường kết quả thực thi cơ chế chính sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO