Cần đổi mới xúc tiến thương mại

VIỆT NGUYỄN 17/04/2020 10:34

Dịch Covid-19 đã khiến cho hoạt động kinh doanh của các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Bởi vậy, đổi mới xúc tiến thương mại cần giải quyết thỏa đáng.

Từ nhiều năm trước Công ty TNHH Yến sào Đất Quảng đã chú trọng hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Từ nhiều năm trước Công ty TNHH Yến sào Đất Quảng đã chú trọng hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Vai trò quan trọng

Cơ sở điêu khắc - đúc tượng composite mỹ nghệ Quảng Đà (thôn Thanh Ly 2, xã Bình Nguyên, Thăng Bình) khá nổi tiếng với nhiều sản phẩm tượng Phật, đồ trang trí nội thất. Ông Võ Văn Dũng - chủ cơ sở này cho biết, kể từ khi dịch Covid-19 diễn ra đến nay, sản xuất gặp nhiều khó khăn do các đơn mua hàng thưa vắng. Hệ lụy là quy mô sản xuất của cơ sở đang giảm dần.

“Doanh thu của chúng tôi sụt giảm đến một nửa. Chỉ mong dịch Covid-19 nhanh chóng qua đi để chúng tôi ổn định lại sản xuất. Với tình cảnh hiện tại, rất khó giữ chân lao động cũng như cầm cự sản xuất” - ông Dũng nói.

Để vượt qua khó khăn, ông Dũng cho rằng cần đổi mới cách thức xúc tiến thương mại để có thể bán được nhiều hàng hóa hơn. Trong thời gian qua, Cơ sở điêu khắc - đúc tượng composite mỹ nghệ Quảng Đà tích cực tham gia hoạt động khảo sát thị trường, tham dự hội chợ, triển lãm chuyên ngành để nắm bắt nhu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, cơ sở này vẫn loay hoay, chưa xây dựng được chiến lược xúc tiến thương mại hiện đại, thâm nhập sâu thị trường, dù sản xuất sản phẩm chất lượng.

Cũng ở Thăng Bình, ông Trần Hữu Long - Giám đốc Công ty TNHH Yến sào Đất Quảng (thôn Trà Đóa, xã Bình Đào) cho biết, doanh thu của doanh nghiệp không chịu tác động nhiều từ dịch Covid-19, bởi đã chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó. Công ty vẫn duy trì 6 lao động thường xuyên để thu hoạch yến và chế biến các sản phẩm yến sào. Đối với đơn hàng trong tỉnh, doanh nghiệp bố trí xe giao hàng tận nơi; với đơn hàng ở xa, tùy tình hình có thể gửi hàng qua bưu điện hoặc vận chuyển bằng xe.

“Từ đầu năm đến nay, chúng tôi duy trì quy mô sản xuất và doanh thu ở mức hơn 300 triệu đồng mỗi tháng. Chi phí sản xuất không nhiều vì sau khi xây nhà nuôi yến chỉ tốn công sức chế biến sản phẩm chứ không phải mua nguyên liệu” - ông Long nói.

Theo doanh nghiệp này, xúc tiến thương mại là yếu tố quyết định thành bại của hoạt động sản xuất, kinh doanh nên luôn chú trọng thực hiện. Bên cạnh các hoạt động mang tính truyền thống như tham gia hội chợ, triển lãm, Công ty TNHH Yến sào Đất Quảng còn thực hiện nhiều chương trình kết nối trực tiếp giữa doanh nghiệp với người mua hàng trong và ngoài tỉnh; có các chuyến tham quan, tìm hiểu thông tin và kết nối với thị trường.

Cần đổi mới phương thức

Các doanh nghiệp của nước ta nói chung, Quảng Nam nói riêng đang đứng trước nhiều cơ hội mở rộng xuất khẩu khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực. Đồng thời cũng phải đối mặt với nhiều thách thức do áp lực cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ. Ngoài việc chuẩn bị các điều kiện để tận dụng cơ hội mà CPTPP mang lại, rất cần đa dạng hóa hoạt động xúc tiến thương mại, hướng tới các thị trường mới, có nhu cầu hàng hóa phù hợp với năng lực sản xuất của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Theo Sở Công Thương, để tận dụng và phát huy lợi thế cũng như cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, doanh nghiệp cần chủ động thích ứng, đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng lực sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cần thay đổi căn bản về xúc tiến thương mại theo hướng thiết thực và hiệu quả hơn. Theo đó, cần xúc tiến thương mại thông qua nền tảng số, trên môi trường thương mại điện tử, khai thác các ứng dụng công nghệ thông tin.

Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp là rất lớn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ông Đinh Văn Phúc - Giám đốc Trung tâm Khuyến công - xúc tiến thương mại & quản lý cửa khẩu (Sở Công Thương) cho rằng, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh cần đẩy nhanh tiến độ hoạt động thông tin, truyền thông, quảng bá sản phẩm, kết nối giao thương trực tuyến. Trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành, xúc tiến thương mại cần phù hợp hơn, gọn nhẹ, khả thi, mang lại hiệu quả sớm. Về hướng đổi mới xúc tiến thương mại trong thời gian đến, ngành chức năng nghiên cứu, hỗ trợ, ưu tiên đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, bởi doanh nghiệp lớn với tiềm lực tài chính lớn có thể thuê chuyên gia để tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cần đổi mới xúc tiến thương mại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO