Năm 2013, Quỹ khám chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) vượt chi hơn 87 tỷ đồng, tăng gần 11 lần so với năm 2012, dẫn đến nhiều khó khăn cho công tác quản lý, cân đối quỹ.
Gánh nặng bội chi
Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh Phạm Văn Lại cho biết, tổng chi phí KCB BHYT năm 2013 là hơn 768 tỷ đồng, trong đó chi phí KCB đối với bệnh nhân chuyển viện ra ngoài tỉnh đến gần 205 tỷ đồng. Theo ông Lại, vượt chi quỹ BHYT do nhiều nguyên nhân; trong đó cơ bản là tình trạng tăng đột biến số lượt người KCB, tăng giá dịch vụ y tế, tăng số lượt và chi phí KCB đối với bệnh nhân chuyển viện ra ngoài tỉnh. Song song với đó công tác kiểm tra thẻ BHYT chưa chặt chẽ; việc định danh, áp giá thanh toán một số dịch vụ chưa đúng quy định; một số bệnh viện tuyến tỉnh chỉ định sử dụng thuốc còn rộng rãi, có tính chất điều trị dự phòng… Bà Nguyễn Thị Liên - Phó Giám đốc Sở Y tế nhận định: “Số người tham gia BHYT tăng theo từng năm là điều không thể phủ nhận, tuy nhiên vẫn chưa đạt tỷ lệ cần có để cân đối nguồn quỹ. Nhu cầu KCB ngày càng tăng lên, nhiều dịch vụ y tế kỹ thuật cao được áp dụng, trong khi mức bảo hiểm vẫn được thực hiện theo quy định cũ. Cân đối nguồn quỹ đòi hỏi cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, và cần làm ngay”.
Nhiều giải pháp được đưa ra tại buổi làm việc của UBND tỉnh với các bên liên quan để cân đối nguồn quỹ BHYT. Ảnh: PHƯƠNG GIANG |
Bội chi BHYT không chỉ ảnh hưởng đến nguồn ngân sách mà còn tác động ngược lại đến công tác KCB ở các cơ sở y tế. Việc giải ngân chi phí KCB từ BHYT cho các bệnh viện luôn bị chậm trễ, có bệnh viện phải chờ từ 3 - 6 tháng mới được giải ngân, ảnh hưởng đến việc thanh toán đấu thầu thuốc, chi trả các dịch vụ y tế xã hội hóa… Bác sĩ Phạm Ngọc Ẩn - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, trong năm 2013, kinh phí KCB BHYT tạm ứng không đúng tiến độ và tỷ lệ, thấp hơn số đề nghị quyết toán của bệnh viện, chưa kể mức giá viện phí đã được điều chỉnh nhưng quy định suất và trần tuyến 2 của BHYT chưa xác định lại cho phù hợp. Đây cũng là kiến nghị của nhiều bệnh viện liên quan đến việc chi trả BHYT, trong bối cảnh bội chi quỹ BHYT đang là gánh nặng…
Cần giải pháp đồng bộ
Theo thống kê, đầu quý I.2014 số người tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh tăng gần 1.136 người, tăng 14% so với năm 2012 và tăng 2,78% so với cùng kỳ năm 2013, với tổng số 35/35 cơ sở KCB ký kết hợp đồng KCB, gồm 1 bệnh viện trung ương; 9 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa và trung tâm chuyên khoa tuyến tỉnh; 18 trung tâm y tế huyện, thành phố; 1 phòng khám đa khoa công lập; 4 bệnh viện và 2 phòng khám đa khoa ngoài công lập. Ngoài ra, việc KCB BHYT cũng đã được triển khai tại 236/244 trạm y tế xã, phường, thị trấn; thực hiện hợp đồng thanh toán định suất với 11/31 cơ sở KCB BHYT có đầu thẻ đăng ký KCB, chiếm tỷ lệ 35,48%. |
Để hạn chế mất cân đối Quỹ KCB BHYT năm 2014 và những năm tiếp theo, ông Phạm Văn Lại khẳng định, thời gian tới tiếp tục tăng cường phối hợp với Sở Y tế trong việc chỉ đạo, điều hành công tác KCB BHYT, cùng với Sở Y tế giám sát việc thực hiện quy chế bệnh viện, quy chế kê đơn cấp thuốc, chỉ định sử dụng dịch vụ kỹ thuật cận lâm sàng, thuốc men tại các cơ sở KCB BHYT theo đúng quy định của Bộ Y tế. Trong khi đó, bác sĩ Phạm Công Vân - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Núi Thành cho rằng, cần thắt chặt việc sử dụng BHYT bằng cách sử dụng thẻ BHYT có dán ảnh, xử lý nghiêm các trường hợp mượn thẻ, sử dụng thẻ sai mục đích để tránh lạm dụng quỹ. Để giảm bớt chi phí “chảy” từ nguồn quỹ BHYT cho việc chuyển viện, bà Nguyễn Thị Liên nêu kiến nghị, tỉnh cần có chính sách triển khai đầu tư, nâng cao năng lực KCB tại các cơ sở y tế để hạn chế vượt tuyến, chuyển viện ồ ạt gây thất thoát nguồn quỹ.
Hướng tới giải quyết những khó khăn liên quan đến việc cân đối quỹ BHYT hiện tại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn yêu cầu cơ quan Bảo hiểm Xã hội phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế trong việc điều hành công tác KCB BHYT, nâng cao công tác thông tin tuyên truyền về BHYT để các ngành, địa phương nhận thức đúng và đầy đủ về bản chất của chính sách BHYT, hướng tới phát triển đối tượng tham gia BHYT. Đồng thời giao cho các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm phân bổ hợp lý thẻ BHYT trên cơ sở năng lực của từng cơ sở, kiểm soát chặt chẽ việc giám định chi phí đa tuyến. “Đối với các cơ sở KCB BHYT, Sở Y tế và Bảo hiểm Xã hội tỉnh cần tăng cường kiểm tra việc sử dụng thẻ BHYT của người bệnh, phát hiện và phối hợp cơ quan BHYT xử lý kịp thời tình trạng mượn thẻ BHYT. Các cơ sở KCB BHYT phải chủ động thường xuyên theo dõi kinh phí KCB BHYT của đơn vị mình, giải quyết tình trạng sử dụng các chi phí không hợp lý và phải có biện pháp tích cực rà soát, kiểm tra chặt chẽ việc chỉ định, sử dụng các dịch vụ kỹ thuật cận lâm sàng hợp lý và đúng quy định của Bộ Y tế” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn nói.
PHƯƠNG GIANG