Năm nay, xuất khẩu lao động (XKLĐ) của tỉnh đã có bước chuyển hướng đến thị trường chất lượng cao; tuy nhiên, cần phải có một đòn bẩy mạnh hơn nữa mới hy vọng đạt được chỉ tiêu đề ra.
Một doanh nghiệp đến từ Nhật Bản trực tiếp tuyển dụng xuất khẩu lao động. Ảnh: D.L |
Thế khó ở cơ sở
Đối với người lao động (LĐ) việc đi XKLĐ không những có hiệu quả thiết thực về kinh tế, mà còn có điều kiện rèn luyện tay nghề, tác phong công nghiệp. Do kinh tế còn hạn chế, nhiều LĐ dù muốn cũng không dám chọn con đường đi XKLĐ. Ông Phùng Văn Huy - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho biết: “Trên địa bàn huyện có nhiều LĐ muốn được XKLĐ nhưng lại gặp rào cản về chi phí đi. Chính sách cho vay XKLĐ được hỗ trợ lãi suất ở Ngân hàng CSXH chỉ hỗ trợ người diện hộ nghèo, cận nghèo, hộ chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số. Trong khi đó, lực lượng bộ đội xuất ngũ không thuộc các diện trên là lực lượng có thể đi XKLĐ rất hiệu quả lại không được vay tiền ở Ngân hàng CSXH. Vì thế, nhiều gia đình gặp khó khi có người muốn đi XKLĐ”. Ông Huy cho rằng, thủ tục cho vay của Ngân hàng CSXH còn rườm rà, gây khó cho người LĐ. Cụ thể là vướng mắc ở điều kiện hợp đồng giữa đơn vị đưa người đi XKLĐ với người đi XKLĐ. Hợp đồng phải ghi rõ ràng số chi phí đi XKLĐ thì LĐ mới vay tiền được, nhưng một số công ty không ghi rõ số tiền. Hơn nữa, hợp đồng chỉ được ký kết trước khi LĐ phải xuất cảnh trong thời gian còn 2 đến 3 ngày, nhiều người không thể vay kịp nếu có vướng mắc phát sinh.
Ông Võ Văn Trung - Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Quế Sơn cho rằng các doanh nghiệp (DN) cần phối hợp với địa phương đi thực tế ở cơ sở, gặp gỡ LĐ để tạo sự yên tâm. Thông tin không đến được với LĐ từ chính DN sẽ gây khó cho cả người làm công tác tuyển dụng và người LĐ, nhất là khi có nhiều thông tin về việc lừa đảo đi XKLĐ, hay làm không đúng ngành nghề ghi trong hợp đồng. Dù Quế Sơn đã có nhiều LĐ đi XKLĐ so với toàn tỉnh nhưng vẫn chưa là bao so với lực lượng LĐ có tiềm năng. Ông Trung cho biết: “Địa phương sẵn sàng tạo điều kiện cho DN nếu có nhu cầu đặt văn phòng tư vấn tại huyện để tư vấn cụ thể cho LĐ có nhu cầu. Bộ đội xuất ngũ là một lực lượng tốt, có thể tư vấn ngay sau khi họ xuất ngũ. XKLĐ là cách để giảm nghèo, giải quyết việc làm nhưng kinh phí cho công tác này không có, gây khó khăn cho người làm công tác tuyên truyền, vận động, nhất là đội ngũ cán bộ xã, thôn ở gần người LĐ”.
Doanh nghiệp hiến kế
Đối với nhiều DN có mối quan hệ lâu dài trong tuyển dụng LĐ đi XKLĐ với tỉnh cũng gặp khó về chi phí để LĐ đi làm ở nước ngoài. Ông Nguyễn Duy Hiền - Phó Tổng Giám đốc Công ty Hải Phong nói: “Nhiều đợt LĐ Quảng Nam đi XKLĐ qua kênh của công ty, vướng mắc lớn nhất chính là chi phí đi. Nhiều LĐ đến phút cuối không vay được tiền đành chấp nhận bỏ cuộc, hoặc phải vay nóng ở bên ngoài rồi qua bên đó làm được một tháng thì vay mượn những người cùng đi làm với họ để gom tiền gửi về cho gia đình trả nợ. Công ty có khoản tiền cho LĐ có hoàn cảnh khó khăn vay để đi XKLĐ với mức 30 triệu đồng/người, chỉ giải quyết được một phần, nếu đi XKLĐ ở Nhật Bản hay Hàn Quốc thì không đủ. Các tỉnh ngoài Bắc họ đi được, đi nhiều vì họ có các quỹ tín dụng ủy thác, chỉ cần có chứng từ là LĐ không phân biệt nghèo hay không nghèo đều được vay để đi XKLĐ. Nếu chính sách vay vốn cho người LĐ đi XKLĐ của tỉnh thoáng hơn về thủ tục, mở rộng đối tượng, dám đảm bảo những người đi XKLĐ ở Hàn Quốc hay Nhật Bản, họ chỉ cần làm việc trong vòng từ 3 - 5 tháng là có thể trả được ngay vốn vay”.
Ông Lê Minh Đức - Trưởng đại diện Công ty Hoàng Long tại Đà Nẵng cho biết đối với LĐ của Quảng Nam, công ty tuyển dụng không hạn chế vì đơn hàng rất nhiều. Ông Đức cho biết: “Quảng Nam đặt ra mục tiêu hơn 1.000 người đi XKLĐ trong năm thì quá ít. Thanh Hóa XKLĐ hơn 10 nghìn người/ năm. Tỉnh cần có sự thống kê cụ thể LĐ thất nghiệp là bao nhiêu, ai có nguyện vọng đi XKLĐ, trên cơ sở đó ngành LĐ-TB&XH cung cấp cho các DN, họ đi cơ sở phối hợp với địa phương tuyển dụng trực tiếp”. Ông Đức cho rằng, hầu hết LĐ hàng ngày truy cập website, có tài khoản trên mạng xã hội, tại sao không tận dụng điều này để tuyên truyền mạnh mẽ trên website hay facebook. Tất cả DN khi liên kết với các trang này, hàng tháng gửi thông tin tuyển dụng đến, LĐ chỉ cần vào đó xem và lựa chọn. Các DN sẽ được Sở LĐ-TB&XH tỉnh thẩm tra kỹ càng trước khi cho phép liên kết với các trang này. Các huyện cũng nên tổ chức hội nghị chuyên về XKLĐ, mời gia đình có con em đi XKLĐ và những người có nhu cầu đi XKLĐ để tuyên truyền sẽ hiệu quả hơn. “Thông tin tuyên truyền chưa đến được với LĐ theo tôi là do chưa đến được nơi gần dân nhất, đó là những cán bộ ở thôn. Người dân tin vào trưởng thôn hơn là DN có chức năng XKLĐ” - ông Đức nói.
Cần minh bạch ngay từ đầu
Vấn đề khó khăn khi vay vốn, ông Lê Hùng Lam - Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh cho biết: “Khi cho vay ngân hàng dựa trên quy định chung, DN đưa phụ lục cho LĐ không có chi phí cụ thể, như thế khi cho vay không biết cho vay bao nhiêu. Các DN cần phải làm việc và thống nhất với tỉnh về phụ lục chi phí cho vay. Hiện nay, ngân hàng cho vay 100% phí đối với nhóm đối tượng ưu tiên. LĐ các nhóm khác, UBND tỉnh cũng ủy thác nguồn vốn để ngân hàng cho vay 50 triệu đồng có thế chấp theo quy định. Có điều thủ tục thế chấp lâu hơn vì cán bộ tín dụng phải kiểm tra thực tế nên gây khó khăn cho LĐ khi đi vay vốn. Tôi cũng đã kiến nghị đối với nguồn ngân sách tỉnh cho vay, cần mạnh dạn đề xuất lên mức 100 triệu đồng, không sợ LĐ không trả được vì các thị trường chất lượng cao như Hàn Quốc, Nhật Bản... LĐ trả nợ vay rất tốt, không có nợ xấu ở nguồn vốn cho vay đối với LĐ đi XKLĐ ở các thị trường này”.
Ở góc độ của cơ quan quản lý nhà nước, ông Huỳnh Tấn Triều - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh nhận định, những khó khăn mà LĐ hay địa phương đang gặp trong công tác XKLĐ là có thật. Tỉnh đã cố gắng kết nối địa phương và DN bằng các hội nghị, các đợt tuyên truyền nhưng sự kết nối đó vẫn có hiệu quả. Theo ông Triều, hiện các DN có xây dựng mạng lưới cộng tác viên XKLĐ ở cơ sở nên gây nhiễu loạn thông tin nếu không kiểm soát được đội ngũ này. Chính vì cách làm không minh bạch ngay từ đầu về chi phí đi, công việc sẽ làm sau xuất cảnh... đã gây ra tình trạng đi làm không đúng công việc như đã đăng ký, chi phí đi cũng cao hơn. Ngành LĐ-TB&XH sẽ phối hợp với các địa phương chấn chỉnh lại thực trạng này, đặc biệt là thẩm định năng lực của đơn vị đưa người đi XKLĐ. Đối với việc kiểm tra thực tế điều kiện làm việc của LĐ ở nước ngoài, do kinh phí không có nên ngành LĐ-TB&XH chưa thể làm được việc này. Vì thế mới xảy ra thực trạng LĐ làm việc không đúng với hợp đồng, sau tuyển dụng nhượng lại LĐ cho DN khác... Ông Triều nói: “Quan điểm của tỉnh là đẩy mạnh XKLĐ, việc phối hợp chặt chẽ giữa các bên rất quan trọng. Làm tốt điều đó mới có thể đạt được mục tiêu đưa hơn 1.000 người đi XKLĐ. Các DN đến Quảng Nam tuyển dụng LĐ đi XKLĐ cần phải minh bạch ngay từ đầu về tài chính, công việc LĐ sẽ làm sau xuất cảnh”.
LÊ DIỄM