Cần được chia sẻ, trợ giúp nhiều hơn

ANH ĐÔNG - VĂN VIỆT 10/08/2018 02:09

Với số lượng nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn cần trợ giúp khá lớn, nguồn kinh phí vận động xã hội hóa hàng năm của các cấp Hội nạn nhân chất độc da cam (CĐDC)/ dioxin trên địa bàn tỉnh hiện chỉ như “muối bỏ bể”, dù những người làm công tác hội đã có nhiều nỗ lực kêu gọi sự trợ giúp từ cộng đồng.

Chương trình gặp gỡ, giao lưu “Dưới mái nhà nhân ái” giữa đoàn Hội đồng hòa bình và hữu nghị Nhật - Việt tỉnh Saitama (Nhật Bản) với nạn nhân da cam Quảng Nam. Ảnh: VINH ANH
Chương trình gặp gỡ, giao lưu “Dưới mái nhà nhân ái” giữa đoàn Hội đồng hòa bình và hữu nghị Nhật - Việt tỉnh Saitama (Nhật Bản) với nạn nhân da cam Quảng Nam. Ảnh: VINH ANH

Theo báo cáo của Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh, toàn tỉnh có khoảng 35 nghìn người bị phơi nhiễm chất độc hóa học, đến nay gần 6.000 trường hợp được công nhận là nạn nhân CĐDC đang hưởng chế độ, trong đó thế hệ thứ 2 có 1.702 trường hợp, thế hệ thứ 3 có 366 trường hợp. Tổng số tiền ngân sách nhà nước chi trả chế độ CĐDC/dioxin trong tỉnh năm 2017 khoảng 88 tỷ đồng.

Nỗi đau dai dẳng

Năm 1964, ông Bùi Văn Nếu (trú xã Bình Triều, Thăng Bình) nhập ngũ, là bộ đội đặc công của tỉnh Quảng Nam chiến đấu trên chiến trường Khu 5. Sau giải phóng ông nhận lệnh tiếp tục lên đường sang chiến trường Campuchia. Chiến tranh đi qua, ông bình yên trở về nhà, những tưởng sẽ được hưởng cuộc sống yên ổn trong hòa bình. Nhưng nào ngờ, di chứng của chiến tranh, hậu quả của chất độc hóa học do Mỹ sử dụng đã không cho ông sự bình yên. Ông Nếu kể: “Đang yên, đang lành thì đến một ngày bỗng dưng cả vùng mặt của tôi bị sưng to, đau nhức. Đi khám thì giám định bị nhiễm CĐDC, sức khỏe suy giảm đến 81%”. Đến bây giờ, ngồi trò chuyện với chúng tôi, hai mắt ông Nếu bị sưng húp không còn nhìn thấy được gì. Sức khỏe của ông càng ngày yếu đi, biến chứng của CĐDC khiến hai tay ông bị co rút không thể cử động. Không đợi đến những khi trái gió trở trời, ngày nào cơ thể ông cũng đau nhức, cảm giác như bị cắn xé từng mảnh thịt, khúc xương. Mọi sinh hoạt hằng ngày đều do vợ ông chăm sóc, từ ăn uống cho đến các sinh hoạt cá nhân. “Nhiều lúc giữa đêm khuya, đang ngủ tôi phải bật dậy vì những cơ đau giằng xé, nên vợ tôi phải thường xuyên túc trực kề bên” - ông Nếu ngậm ngùi chia sẻ.

Hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhà neo người nên dù bệnh tật nhưng ông Nếu không dám nhập viện điều trị mà xin về nhà tự lo liệu. Ông phải tự mua thêm thuốc bên ngoài để chống chọi những cơn đau. Mơ ước lớn nhất cuộc đời ông là có được căn nhà kiên cố làm chỗ ăn ở an toàn những năm tháng cuối đời. Hiện nay vợ chồng ông đang ở chung với người con trai trong căn nhà cấp 4 chật chội.

Cần thêm sự chung tay

Qua thống kê số liệu từ các địa phương, toàn tỉnh hiện có khoảng 718 trường hợp nạn nhân CĐDC cần sự giúp đỡ để đi chữa bệnh; 279 trường hợp cần hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở; 219 trường hợp cần hỗ trợ học nghề, tìm việc làm; 557 gia đình nạn nhân CĐDC có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cần trợ giúp.

Nạn nhân CĐDC luôn nhận được sự sẻ chia từ xã hội và cộng đồng, tuy nhiên việc giúp đỡ vẫn còn khiêm tốn. Như tại Phú Ninh, số nạn nhân CĐDC được hưởng chế độ chính sách hiện nay là 327 người, trong đó nạn nhân là thế hệ thứ 2 có 76 trường hợp. Nạn nhân CĐDC đông nhưng do điều kiện khó khăn của một huyện mới chia tách nên công tác giúp đỡ, chăm sóc ở Phú Ninh vẫn còn hạn chế. Sáng 8.8 vừa rồi, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin huyện Phú Ninh tổ chức gặp mặt, tặng quà cho 32 nạn nhân CĐDC nhân 57 năm thảm họa da cam ở Việt Nam và Ngày vì nạn nhân CĐDC. Buổi sinh hoạt diễn ra ấm cúng, nhưng gặp chúng tôi sau đó, ông Nguyễn Văn Thung - Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin huyện Phú Ninh vẫn tỏ ra áy náy: “Nạn nhân đông, nói khó khăn thì ai cũng khó nhưng nguồn kinh phí có hạn nên huyện hội chỉ lo được 22 suất quà, số còn lại là từ tỉnh hội chuyển đến. Những người cần sẻ chia còn rất nhiều nhưng nguồn lực không có nên chúng tôi đành chịu. Với người làm công tác hội như chúng tôi, những dịp thế này chỉ mong sao có thêm đồng tiền để chia sẻ với hội viên”.

Nhân dịp kỷ niệm 57 năm thảm họa da cam năm nay, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh cũng đã trích nguồn vận động gần 90 triệu đồng phân bổ về các địa phương để hỗ trợ thăm hỏi, tặng quà nạn nhân da cam. Ngoài ra, hội phối hợp với các địa phương, đơn vị trao tặng 10 xe lăn, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 4 nhà ở cho nạn nhân. Ông Nguyễn Anh Cả - Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh cho biết, công tác vận động nguồn lực trong 6 tháng đầu năm 2018 được đánh giá là đạt và vượt chỉ tiêu với tổng trị giá hơn 4,5 tỷ đồng, trong đó tỉnh hội vận động hơn 400 triệu đồng. Tuy nhiên, so với số lượng nạn nhân cần trợ giúp, nguồn vận động ấy chỉ như “muối bỏ bể”. Số tiền vận động được, các cấp hội chủ yếu dành để giúp đỡ, sẻ chia với nạn nhân bằng việc trao quà nhân dịp 10.8 và Tết Nguyên đán. Các trường hợp được hỗ trợ để làm nhà ở, hỗ trợ chữa bệnh, trao sinh kế… vẫn còn khiêm tốn. Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin các cấp mong nhận được nhiều hơn sự sẻ chia cả về tinh thần lẫn vật chất của các tổ chức, cá nhân và cộng đồng xã hội để nạn nhân da cam có thêm động lực và nguồn lực vươn lên trong cuộc sống.

ANH ĐÔNG - VĂN VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cần được chia sẻ, trợ giúp nhiều hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO