Do tác động của môi trường, con sông Mùi và các dòng suối tại xã Tam Trà (Núi Thành) chuyển dòng chảy làm xói lở hàng chục héc ta đất ruộng khiến người dân địa phương lo lắng...
Sạt lở đất ở phía đông do chệch dòng suối ở Tam Trà. Ảnh: VĂN PHIN |
Chúng tôi ngược dòng sông Mùi đến suối bà Nuông ở thôn Thuận Tân, nơi có nhiều bà con đồng bào Co sinh sống. Tại đây, dòng suối đã chệch về phía đông nam, gây xói lở, tạo nên những hục sâu hoắm với chiều dài khoảng 100m và khoét sâu vào bờ độ 30m. Đây mới chỉ là một trong nhiều điểm sạt lở do suối chệch dòng chảy gây ra. Tại nà Thù Đủ, nà Bòng, đồng ông Khát, ông Cả... ở thôn Phú Đức mức độ sạt lở càng nghiêm trọng hơn. Ông Đặng Văn Phú, người dân thôn Phú Đức than thở: “Dòng suối nơi đây chảy vào sông Mùi bị chệch dòng thời gian qua đã làm sạt lở mất 4 sào lúa nước của gia đình tôi, hiện tại, tình trạng sạt lở vẫn đang tiếp diễn, rất mong các cấp có biện pháp kè chống, khai thông dòng suối nhằm chống sạt lở đất sản xuất”.
Không chỉ gia đình ông Phú mà nhiều hộ dân khác ở xã miền núi Tam Trà cũng có đất sản xuất bị sạt lở do suối chệch dòng như gia đình ông Đinh Ngọc Bông bị sạt lở 3 sào, ông Trần Văn Anh, đồng bào dân tộc Co mất trên 2 sào... Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Quyền - cán bộ địa chính xã Tam Trà cho hay: “Do mưa lũ và một số tác động của môi trường, những năm gần đây, con sông Mùi và các dòng suối chệch dòng gây sạt lở diện tích đất sản xuất lúa nước của bà con. Từ suối bà Nuông bắt nguồn từ đỉnh Núi Chúa chảy vào sông Mùi dẫn ra hồ Phú Ninh dài hàng chục cây số có nhiều nơi dòng chảy bị chệch gây xói lở đất sản xuất trên địa bàn Tam Trà ước tính hơn 10ha thuộc các thôn Thuận Tân, Phú Đức, Xuân Thọ, Tứ Mỹ... Mất đất sản xuất, đời sống người dân, nhất là đồng bào dân tộc Co, bị gây ảnh hưởng không nhỏ”. Xã Tam Trà có 186ha đất trồng lúa nước, những năm gần đây, nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và các biện pháp đầu tư thâm canh nên năng suất cây lúa ngày càng nâng cao. Tuy nhiên, do diện tích đất sản xuất bị xói lở bởi các dòng suối chệch dòng, nặng nhất là tại nà Thù Đủ (khu vực cầu sông Mùi) bị xói lở hơn 4ha.
Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND xã Tam Trà chia sẻ: “Thực tế cho thấy, do biến đổi khí hậu, mưa lũ lớn những năm gần đây cộng với độ dốc cao đã gây tình trạng xói lở đất ven bờ và gây chệch dòng sông suối. Để khắc phục tình trạng này, chúng tôi đề nghị các cơ quan chuyên môn và chính quyền cấp trên khảo sát thực tế và có giải pháp nắn thông dòng suối và xây dựng kè chống xói lở phù hợp”. Là xã miền núi nằm ở phía tây huyện Núi Thành, Tam Trà có 8 thôn với 871 hộ, 3.140 nhân khẩu, trong đó có hơn 300 hộ đồng bào dân tộc Co, chiếm 30% tổng số hộ dân toàn xã. Hiện đời sống một bộ phận không nhỏ người dân còn gặp không ít khó khăn lại thêm tình trạng sạt lở đất sản xuất đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống bà con. “Chúng tôi đã khảo sát thực tế, tìm hiểu nguyên nhân và có tờ trình đề xuất với cấp trên giải pháp khắc phục tình trạng sạt lở đất do các dòng suối chệch dòng gây ra để người dân an tâm” - ông Nguyễn Thanh Bình cho biết.
VĂN PHIN