Cần giám sát trồng rừng thay thế

TRẦN HỮU 16/05/2017 08:19

Thời điểm này, chủ đầu tư lẫn các địa phương trong tỉnh đã cơ bản hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch trồng rừng thay thế (TRTT). Điều đáng quan tâm là khâu hậu kiểm cần triển khai đồng bộ.

Đến cuối năm 2016, Quảng Nam đã trồng được 1.750ha (đạt gần 97% kế hoạch). Phần lớn các đơn vị đã trả nợ xong rừng. Tuy nhiên, theo lãnh đạo huyện Phú Ninh, ở khu vực mỏ vàng Bồng Miêu (thuộc xã Tam Lãnh), Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu đã khai thác hàng trăm héc ta đất để lấy quặng, nhưng đến nay còn khoảng 20ha đất bỏ hoang nhiều năm, vẫn chưa TRTT. Đối với các dự án phát triển kinh tế dân sinh, trong quá trình xây dựng dự án lại không có nguồn vốn cho việc TRTT. Theo Sở NN&PTNT, TRTT chuyển mục đích sử dụng để xây dựng các công trình thủy điện từ năm 2010 – 2015 trên địa bàn tỉnh có nhiều khâu thực hiện tốt. Về kỹ thuật thi công trồng rừng, các giải pháp kỹ thuật lâm sinh được chủ đầu tư và đơn vị thi công tổ chức triển khai cơ bản đảm bảo đúng theo hồ sơ thiết kế, phê duyệt. Tỷ lệ cây sống sót đều rất cao.

Các địa phương đã cơ bản đạt kế hoạch trồng rừng thay thế. Ảnh: T.H
Các địa phương đã cơ bản đạt kế hoạch trồng rừng thay thế. Ảnh: T.H

Các đơn vị chủ đầu tư đã thực hiện các hạng mục chăm sóc rừng trồng hàng năm theo đúng hồ sơ thiết kế kỹ thuật đã được phê duyệt. Về hồ sơ, tài liệu liên quan đến công trình trồng rừng như trình tự, thủ tục lựa chọn nhà thầu được thực hiện công khai, minh bạch. Tuy vậy, do đơn vị tư vấn thiết kế điều tra, khảo sát các yếu tố tự nhiên ngoài hiện trường trồng rừng chưa chính xác, nên nhiều lô thiết kế trồng rừng trên đất nương rẫy của người dân. Riêng rừng trồng năm 2015 có tỷ lệ sống thấp do ảnh hưởng của thời tiết khô hạn (tỷ lệ cây sống năm này chỉ đạt gần 80%). Một số loài cây bố trí không phù hợp với thổ nhưỡng nên tỷ lệ sống rất thấp, điển hình có cây bời lời đỏ, cây chò chỉ, cây lim xanh... Trong khi đó, một số diện tích TRTT còn tình trạng người dân chăn thả trâu bò ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của rừng trồng. Việc tập hợp hồ sơ, chứng từ để thanh quyết toán đối với công trình trồng rừng, chăm sóc rừng hoàn thành chậm trễ.

Theo đánh giá của ngành chức năng, thời gian qua các dự án gặp khó khăn trong việc TRTT do không bố trí được quỹ đất trong khi nếu doanh nghiệp đóng tiền để TRTT cũng chỉ thực hiện trên diện tích đất lâm nghiệp có rừng bị phá, chứ không trồng trên diện tích đất mới để bù đắp diện tích rừng đã mất.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cần giám sát trồng rừng thay thế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO