Cần hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời, hiệu quả

TRỊNH DŨNG 06/05/2020 10:56

Đại dịch Covid-19 không biết bao giờ kết thúc. Những chính sách đã ban hành có thể giúp doanh nghiệp trụ lại thị trường hay không vẫn là câu chuyện được thảo luận gần đây. Phóng viên Báo Quảng Nam có cuộc trao đổi với ông Trần Quốc Bảo – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn VN Đà Thành chung quanh vấn đề này.

Ông Trần Quốc Bảo – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn VN Đà Thành. Ảnh: T.D
Ông Trần Quốc Bảo – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn VN Đà Thành. Ảnh: T.D

* PV:Thưa ông, tác động của đại dịch đến nền kinh tế sẽ kéo dài bao lâu? Cộng đồng doanh nghiệp Quảng Nam có đủ sức để trụ lại thị trường?

Đại dịch Covid-19 vẫn đang tiếp diễn. Nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ còn bị ảnh hưởng sâu rộng. Theo tôi, phải mất ít nhất 1 - 2 năm nền kinh tế nước ta mới có thể phục hồi.

Quảng Nam đang trong thời kỳ phát triển vượt bậc. Đại dịch này ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế địa phương, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp càng gặp nhiều khó khăn do vốn ít, tài sản đảm bảo không có, thị trường thì đóng băng, trì trệ. Nếu dịch kéo dài thêm 3 - 6 tháng nữa, các doanh nghiệp sẽ không có điều kiện để duy trì sản xuất, nguy cơ phá sản là rất cao.

* PV:Riêng VN Đà Thành và nhiều doanh nghiệp bất động sản khác ảnh hưởng thế nào bởi đại dịch?

Cũng chịu ảnh hưởng lớn từ đại dịch nhưng thực tế trong lĩnh vực bất động sản và xây dựng, vấn đề được quan tâm là cơ cấu thời hạn nợ gốc, lãi đến hạn trong thời kỳ ảnh hưởng Covid-19 dù doanh nghiệp đáp ứng được điều kiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01. VN Đà Thành đang nỗ lực duy trì sản xuất, kinh doanh, đảm bảo đời sống cho người lao động và chung tay phòng chống và kiểm soát dịch. VN Đà Thành đang gấp rút hoàn thành các dự án trì trệ do ảnh hưởng của dịch trong thời gian qua và sẽ sớm công bố, mở bán. Sau đó có thể sẽ xem xét đầu tư các dự án mới, đồng thời tranh thủ nắm bắt các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ và các cơ quan chức năng để có những kế hoạch phát triển phù hợp!

* PV:Những chính sách (tiền tệ, tài khóa) của Chính phủ có phải là phao cứu sinh cho doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch?

Trong tình thế hiện nay, những chính sách của Chính phủ như ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19 hay Thông tư số 01/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 (Thông tư 01) thực sự là phao cứu sinh cho các doanh nghiệp. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, cách thức hay số tiền hỗ trợ có thể không lớn, nhưng vô cùng kịp thời và cần thiết trong lúc này.

* PV:Nhưng xem ra doanh nghiệp không dễ với tới được? Chủ ý của ông về vấn đề này?

Vấn đề này tôi đã từng nêu trong buổi hội nghị Hội đồng Trung ương các Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam trực tuyến lần thứ II của VCCI diễn ra vào ngày 15.4.2020. Đối với Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, hiện tại việc triển khai của hệ thống tổ chức tín dụng chưa quyết liệt và đúng tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân chưa tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực hoạt động khác (ngoài các lĩnh vực được xem xét ưu tiên như sắt thép, xăng dầu, dầu khí, hàng không, ô tô, du lịch, vận tải, dệt may, giày da, lúa gạo, thủy sản, nông nghiệp, bán lẻ) nhưng cũng chịu ảnh hưởng lớn từ dịch Covid-19 như lĩnh vực bất động sản và xây dựng.

* PV:Hiệp hội đã làm gì cho doanh nghiệp, cộng đồng kể từ khi dịch bệnh xảy ra?

Trước mắt hiệp hội hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận các chính sách ứng phó với dịch Covid-19 của Chính phủ và tỉnh. Thực hiện chương trình “Hạt gạo yêu thương” – phát gạo miễn phí cho người dân trên địa bàn trong thời điểm khó khăn.

Với tư cách là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Nam, cá nhân tôi cũng chung tay đóng góp nhằm chia sẻ phần nào với các lực lượng chức năng thực hiện công tác phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh. Ngay khi dịch bệnh bùng phát, Tập đoàn VN Đà Thành triển khai đánh giá mức độ chịu ảnh hưởng trực tiếp của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tỉnh nhằm hỗ trợ kịp thời trong từng trường hợp. Cụ thể, tập đoàn quyết định hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp vay vốn lãi suất 0% đến cuối năm 2020 với tổng số tiền 3 tỷ đồng trích từ Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo của tập đoàn.

* PV:Nếu có thể, ông kiến nghị gì với Chính phủ?

Chính sách đã ban hành, phải đảm bảo việc thực thi nhanh chóng và hiệu quả nhất. Đồng thời kiểm tra, giám sát công tác thực hiện đảm bảo minh bạch, công bằng, đúng đối tượng.

Đối với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, xem xét cắt giảm thủ tục hành chính, điều chỉnh chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ tối đa nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tập trung giải quyết khó khăn, duy trì sản xuất.

* PV:Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cần hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời, hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO