Cần hỗ trợ lao động đi xuất khẩu

LÊ DIỄM 19/09/2018 02:57

Đề án về một số cơ chế, chính sách hỗ trợ lao động (LĐ) của tỉnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đang được xem xét trình HĐND tỉnh trong kỳ họp sắp tới. Hỗ trợ cho LĐ đủ điều kiện đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) là cần thiết, nhằm giúp LĐ khắc phục những khó khăn ban đầu khi tham gia vào con đường này.

Lao động của tỉnh có nhu cầu đi xuất khẩu lao động ngày càng nhiều nhưng vẫn còn gặp những khó khăn về tài chính cần được hỗ trợ. Ảnh: L.D
Lao động của tỉnh có nhu cầu đi xuất khẩu lao động ngày càng nhiều nhưng vẫn còn gặp những khó khăn về tài chính cần được hỗ trợ. Ảnh: L.D

Hiệu quả

Cuối năm 2016, trở về từ Hàn Quốc, chị Bùi Thị Trinh (quê Phú Ninh) đã nộp hồ sơ lại để tiếp tục được đi XKLĐ ở thị trường này. Chị Trinh cho biết, chị nộp hồ sơ vào một công ty khác chứ không đi lại công ty cũ đã làm việc, bởi chị muốn làm việc ở một môi trường mới. Cũng là thị trường Hàn Quốc, nhưng mỗi công ty có mỗi cách làm việc khác nhau. Chị Trinh nói: “Khi đi làm việc ở Hàn Quốc, trong môi trường làm việc công nghiệp hiện đại, tôi hoàn toàn trở thành một con người khác trong phong cách làm việc. Qua đó, tôi học hỏi được nhiều điều từ tiếng Hàn, cách sống hòa đồng, tương trợ lẫn nhau của người Việt ở nơi xứ người, cách làm việc năng động từ những người cùng làm việc trong công ty đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới. LĐ các nước làm việc rất chăm chỉ, chịu khó học hỏi nên mình cũng phải học theo, làm việc theo nhịp độ chung, phấn đấu không để thua kém LĐ các nước. Tôi có nguồn thu nhập bình quân hoảng 30 triệu đồng/tháng, khi làm việc tăng ca thì thu nhập cao hơn. Đi làm việc trong năm đầu, tôi đã trả được nợ vay khi đi XKLĐ, sau đó tích cóp để trở về lập nghiệp”. Về quê, chưa xác định được làm việc gì hiệu quả, chị Trinh lại tiếp tục nộp hồ sơ để được đi XKLĐ tiếp ở Hàn Quốc.

Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, số người đi XKLĐ từ năm 2015 đến nay tăng đều qua từng năm. Cụ thể, năm 2015 có 160 người, năm 2016 có 541 người, 2017 có 794 người, 6 tháng đầu năm 2018 có 578 người. Đặc biệt, LĐ thường chọn các thị trường chất lượng cao như Nhật Bản hay Hàn Quốc. Các thị trường này tuy khó tính trong tuyển chọn LĐ, nhưng lại uy tín, thu nhập tốt và LĐ trở về học hỏi được kỹ năng làm việc công nghiệp, tạo được nguồn LĐ chất lượng cho tỉnh. Ông Lê Tôn Tưởng - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh nhìn nhận: “Hiệu quả từ công tác XKLĐ có thể đo đếm được, LĐ có nguồn thu nhập chuyển về bình quân khoảng 260 triệu đồng/năm; số LĐ của tỉnh hiện đang làm việc ở nước ngoài khoảng 2.200 người, ước tính mỗi năm gửi thu nhập về nước trên 500 tỷ đồng.  LĐ trở về có thu nhập mở công ty riêng, nhà hàng, đại lý bán buôn, trang trại... hiệu quả. Phong trào lan tỏa mạnh, nhiều nơi có những gia đình có đến 2 - 3 người đi XKLĐ. Thị trường ở các nước Nhật Bản, Hàn Quốc đang mở rộng đối với LĐ của tỉnh”.

Cần được hỗ trợ

Theo Sở LĐ-TB&XH, đề án hỗ trợ LĐ đi XKLĐ cần thiết được ban hành, nhằm giúp LĐ khắc phục những khó khăn về nghề, ngoại ngữ, kinh phí đi XKLĐ. Ông Nguyễn Thùy - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh cho biết: “Số lượng LĐ tham gia XKLĐ hàng năm vẫn thấp so với tiềm năng về nguồn LĐ của tỉnh. Nguồn vốn cho vay còn hạn chế, LĐ khó tiếp cận, không đủ điều kiện kinh phí để đi XKLĐ. Thời gian qua đã có những chính sách hỗ trợ LĐ đi XKLĐ của Trung ương và tỉnh, nhưng chỉ được thực hiện trên một nhóm như LĐ thuộc hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số, thân nhân có công với cách mạng, bị mất đất sản xuất. Trong khi đó, có nhiều LĐ không thuộc diện chính sách có nhu cầu, nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài chưa được hỗ trợ các chi phí đào tạo nghề, học ngoại ngữ…, chưa tiếp cận được nguồn vốn vay có lãi suất ưu đãi để trang trải các chi phí đi làm việc ở nước ngoài. Sự hỗ trợ của chính sách sẽ tạo được động lực giúp LĐ yên tâm đi làm việc ở nước ngoài, mang lại hiệu quả tốt trong giảm nghèo, tạo nguồn nhân lực chất lượng cho tỉnh”.

Theo đề án, các chính sách hỗ trợ tập trung vào đào tạo nghề, ngoại ngữ và vay vốn. Chi phí học nghề chi theo thực tế đào tạo, tối đa không quá 2 triệu đồng/người/khóa học, đối với việc học ngoại ngữ cũng tương tự. Chi phí cho vay vốn đi XKLĐ, LĐ có nhu cầu được vay vốn từ nguồn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng CSXH tỉnh. Mức vay tối đa 100 triệu đồng không cần thế chấp tài sản đối hai thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản; các thị trường còn lại mức vay trên 50 triệu đồng phải thế chấp tài sản. Thời hạn vay tối đa 36 tháng, lãi suất vay bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo. Các chính sách này được thực hiện sẽ góp phần giảm thực trạng khó khăn về tài chính cho LĐ khi đi XKLĐ, đồng thời thúc đẩy phong trào XKLĐ của tỉnh chuyển biến tích cực hơn.

LÊ DIỄM

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cần hỗ trợ lao động đi xuất khẩu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO