Dự thảo Luật Đất đai 2023 tại Điều 227 đã quy định mới về thẩm quyền giải quyết tranh chấp. Theo đó các tranh chấp đất đai khi không hòa giải cơ sở được đều thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án. Quy định này xác lập một vấn đề mới so với quy định tại Điều 203 Luật Đất đai 2013.
Theo Dự thảo Luật Đất đai 2023, UBND các cấp có trách nhiệm cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất để làm căn cứ cho tòa án nhân dân giải quyết theo thẩm quyền khi được yêu cầu. Như vậy, về thẩm quyền giải quyết tranh chấp về đất đai thống nhất tòa án giải quyết là bước đi cần thiết, đảm bảo sự tập trung, đồng thời có cơ quan có chuyên môn, nghiệp vụ giải quyết tranh chấp thống nhất, giảm tải trách nhiệm cho các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến quản lý đất đai.
Tuy nhiên, qua thực tiễn cho thấy trong quá trình giải quyết tranh chấp đất đai thì cơ sở chứng cứ để giải quyết là các hồ sơ, tài liệu có liên quan cần thu thập kịp thời, đầy đủ để các cơ quan tiến hành tố tụng có cơ sở giải quyết hiệu quả các tranh chấp.
Thế nhưng, Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Đất đai hiện hành chưa có quy định cụ thể về mối quan hệ phối hợp trong quá trình giải quyết tranh chấp đất đai một cách cụ thể. Theo đó, chưa có các quy định về thời hạn tối đa mà các cơ quan quản lý hồ sơ, tài liệu phải cung cấp cho tòa án; chưa có quy định khi cung cấp hồ sơ thì cần cung cấp các hồ sơ gì; việc chế tài nếu cung cấp không đầy đủ hoặc không cung cấp sẽ được xử lý như thế nào, trách nhiệm các bên liên quan ra sao trong việc phối hợp.
Chúng tôi cho rằng, Luật Đất đai sửa đổi cần bổ sung các quy định về việc phối hợp giữa các bên trong quá trình giải quyết tranh chấp đất đai để đảm bảo hoạt động giải quyết tranh chấp đất đai được đảm bảo đúng thời hạn tố tụng, tránh việc tranh chấp bị kéo dài năm này qua năm khác ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.
Bên cạnh đó, giữa hoạt động giải quyết tranh chấp đất đai với các hoạt động quản lý đất đai có sự liên quan mật thiết đến việc thực hiện quyền của người sử dụng đất. Bởi lẽ, một khi quyền sử dụng đất trang trong tình trạng “đất đang có tranh chấp” thì người sử dụng đất không được thực hiện các quyền liên quan đến đất đai.
Tuy nhiên, khi tiếp nhận giải quyết các tranh chấp, hiện Luật Đất đai chưa có quy định các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp, cơ quan hòa giải tranh chấp có thông báo hoặc văn bản gửi các cơ quan có thẩm quyền quản lý đất đai biết, đồng thời với quy định về tình trạng “đất không có tranh chấp” hay “đất đang có tranh chấp” hiện nay chưa được làm rõ, dẫn đến nhiều hoạt động thực hiện quyền của người sử dụng đất vẫn diễn ra trong lúc trên thực tế “đất đang có tranh chấp”, điều này diễn ra ở nhiều nơi, không có hệ thống tương tác thông tin, làm cho nhiều giao dịch về quyền sử dụng đất vẫn xảy ra, gây tốn kém thời gian, gây thiệt hại tài sản của các bên liên quan ngay tình và có nhiều trượng hợp hậu quả pháp lý của các giao dịch về quyền sử dụng đất khi “đất đang có tranh chấp” không khắc phục được trên thực tế, tạo ra nhiều rủi ro cho các bên liên quan.
Việc làm rõ, thông tin liên thông và hợp tác với nhau giữa cơ quan quản lý đất đai và cơ quan tiến hành tố tụng một cách chủ động sẽ đảm bảo tốt hơn hoạt động quản lý nhà nước về đất đai cũng như đảm bảo việc giải quyết đất đai được hiệu quả hơn. Vì vậy, chúng tôi cho rằng, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cần quy định cụ thể các nội dung phối hợp, hợp tác giữa các bên trong hoạt động giải quyết tranh chấp cũng như trong hoạt động quản lý đất đai.
Như vậy, việc hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lần này có nhiều vấn đề khác nhau cần được nghiên cứu, rà soát, lấy ý kiến rộng rãi để đảm bảo chất lượng tốt nhất trước khi trình Quốc hội thông qua. Ở phương diện thực tiễn hành nghề, chúng tôi có nêu hai vấn đề liên quan đến hoạt động giải quyết tranh chấp đất đai như trên, rất mong nhận được sự tiếp thu của Ban soạn thảo Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.