Cần kiểm soát giá thịt heo

VIỆT NGUYỄN 13/04/2020 11:53

Giá thịt heo trên địa bàn tỉnh đang ở mức cao, rất cần giải pháp mạnh, kiểm soát, bình ổn giá để ổn định thị trường loại thực phẩm này.

Tiểu thương ở chợ Tam Kỳ cho biết giá thịt heo quá cao nên việc buôn bán ế ẩm. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Tiểu thương ở chợ Tam Kỳ cho biết giá thịt heo quá cao nên việc buôn bán ế ẩm. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Giá cao ngất ngưởng

Theo khảo sát của chúng tôi ở chợ Tam Kỳ vào cuối tuần qua, thịt heo ba chỉ có giá 170 nghìn đồng/kg, thịt vai giá 140 nghìn đồng/kg, thịt đùi được bán 150 nghìn đồng/kg, chân giò giá 160 nghìn đồng/kg. Các tiểu thương cho biết, giá thịt heo đang cao, nên người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang dùng hải sản, thịt bò hay các loại thực phẩm khác.

“Dự tính, với mỗi ký thịt heo, chúng tôi lãi vài nghìn đồng nhưng do sức mua yếu, hàng hóa ứ lại nên phải giảm giá đến vài nghìn đồng mỗi ký. Như vậy lỗ chi phí vận chuyển và tiền phí thuê mặt bằng” - bà Huỳnh Thị Phước, tiểu thương bán thịt heo ở chợ Tam Kỳ nói.

Theo bà Vũ Thị Thanh Nga - Trưởng ban Quản lý chợ Tam Kỳ, giá thịt heo tăng là do nguồn cung bán với giá cao. Có thể các công ty lớn chi phối giá thịt heo, rất cần cơ quan chức năng tham mưu UBND tỉnh kiến nghị các bộ, ngành có giải pháp mạnh để kiểm soát giá.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện tại trên thị trường, ngoài nguồn cung thịt heo trong nước đã có thịt heo ngoại nhập. Nhưng ở TP.Hội An, hiện không có thịt heo ngoại nhập ở chợ truyền thống hay siêu thị mini. Muốn mua được thịt heo này, người tiêu dùng phải “săn” trên mạng xã hội, có một số địa chỉ cung cấp thịt heo ngoại nhập từ Ba Lan, giá rẻ hơn thịt nội khoảng 15 nghìn đồng/kg.

“Thịt heo nội có giá quá cao còn thịt heo ngoại khan hiếm nên chúng tôi hạn chế mua” - chị Nguyễn Thị Minh (phường Cẩm Nam, TP.Hội An) cho biết. Trong khi đó, ở siêu thị Co.opMart Tam Kỳ, thịt heo Ba Lan với 2 loại là thịt ba rọi và thịt sườn đang được bán với nguồn hàng dồi dào nhưng lại ít người mua.

Bà Trần Thị Như Lai - Giám đốc Co.opMart Tam Kỳ cho biết, thịt heo Ba Lan được nhập về bán hơn 1 năm qua từ khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát. Thế nhưng, đến nay loại thịt này vẫn kén người tiêu dùng vì không phù hợp với ẩm thực người Việt.

“Nguồn hàng thịt heo nội duy nhất được bán ở Co.opMart Tam Kỳ do Hợp tác xã Nông nghiệp & kinh doanh dịch vụ tổng hợp Duy Đại Sơn (xã Duy Tân, Duy Xuyên) cung cấp. Doanh nghiệp này vẫn duy trì giá bán đầu vào cao nên chúng tôi không thể hạ giá bán đầu ra được” - bà Lai nói.

Cần giải pháp hữu hiệu

Theo tính toán của ngành chức năng, giá thịt heo cao có nguyên nhân do nhiều khâu trung gian. Để giảm tối đa khâu trung gian, cần tái cơ cấu mạnh mẽ hơn nữa ngành chăn nuôi heo theo hướng giảm số lượng cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, chuyển sang chăn nuôi quy mô lớn, giết mổ tập trung và tạo chuỗi cung ứng thịt heo sạch.

Ông Nguyễn Thành Nam - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi & thú y (Sở NN&PTNT) cho biết, tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh vào thời điểm này hơn 225 nghìn con, tăng 2% so với tháng trước nhưng lại giảm đến 48,7% so với cùng kỳ. Nguyên nhân khiến giá thịt heo tăng cao và không giảm trong thời gian dài là nguồn cung thịt heo giảm, thiếu nhiều so với nhu cầu tiêu dùng. Do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi nên việc tái đàn diễn ra rất chậm chạp.

“Qua theo dõi, chúng tôi được biết, thịt heo trên thị trường Quảng Nam hiện được cung cấp chủ yếu từ tỉnh Bình Định. Các doanh nghiệp này cũng như các tư thương Quảng Nam không khai báo giá đầu vào, đầu ra nên khó quản lý được giá cả” - ông Nam nói.

Giải pháp hữu hiệu để ổn định dần giá thịt heo, theo Chi cục Chăn nuôi & thú y là tích cực hỗ trợ bà con nông dân, chủ các trang trại tổ chức tái đàn heo theo hướng an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Cùng với đó, ngành chức năng hướng dẫn doanh nghiệp, cơ sở cung cấp heo giống tăng cường nhân giống, cung ứng heo giống chất lượng để người chăn nuôi, doanh nghiệp tái đàn thuận lợi.

Theo Sở Công Thương, có thực tế là việc nhập khẩu thịt heo để bổ sung cho nguồn cung thiếu hụt trong nước chưa bảo đảm đúng tiến độ, kế hoạch đề ra. Chính phủ đã có chỉ đạo bộ, ngành nhập khẩu 100 nghìn tấn thịt heo trong quý I. Tuy nhiên, lượng thịt heo nhập khẩu đến nay mới chỉ xấp xỉ 40 nghìn tấn.

Mới đây, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tìm giải pháp thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường kêu gọi các doanh nghiệp chăn nuôi, cung cấp thịt heo trong nước chủ động nguồn thịt heo ra thị trường, tuy nhiên một số doanh nghiệp cho rằng, lượng thịt heo không nhiều, chủ yếu cung cấp cho các bạn hàng quen biết. Còn việc giảm giá thì sẽ tìm cách, giảm dần.

Đến ngày 30.3, có 15 doanh nghiệp lớn chăn nuôi heo trên phạm vi cả nước đã cam kết giảm giá heo hơi xuống 70 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, 15 doanh nghiệp này chỉ chiếm chưa đến 40% thị phần chăn nuôi heo trong nước.

Ông Nguyễn Quang Lâm - Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương) cho rằng, giá thịt heo vẫn ở mức rất cao dù Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT vào cuộc quyết liệt. Bởi vậy, nên chăng cần áp dụng giải pháp mạnh và đưa mặt hàng thịt heo vào diện bình ổn giá. Theo đó, yêu cầu các doanh nghiệp phải kê khai giá bán thịt heo. Quan trọng là thực hiện áp giá trần, mỗi lần tăng giá doanh nghiệp bắt buộc phải báo giá để cơ quan chức năng quản lý chặt.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cần kiểm soát giá thịt heo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO