Cần "làm mới" chợ truyền thống

NGUYỄN QUANG 30/06/2023 09:13

Trước áp lực cạnh tranh của thương mại điện tử, kênh phân phối mới gồm siêu thị, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini đòi hỏi hệ thống chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh phải thay đổi để phát triển.

Hoạt động ở chợ truyền thống giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội Quảng Nam. Ảnh: NGUYỄN QUANG
Hoạt động ở chợ truyền thống giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội Quảng Nam. Ảnh: NGUYỄN QUANG

Nhiều thách thức

Chợ Bắc Trà My hiện có 310 tiểu thương kinh doanh buôn bán các mặt hàng thiết yếu, văn phòng phẩm..., thu hút đông đúc người tiêu dùng. Nhìn chung hàng hóa ở chợ Bắc Trà My phong phú chủng loại, đa dạng mẫu mã.

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Giám đốc Hợp tác xã Thương mại - dịch vụ Bắc Trà My (đơn vị quản lý chợ) cho biết, hoạt động ở chợ ổn định. Giao thương hàng hóa từ Tam Kỳ lên chợ và tỏa đi các hướng trong huyện, lên Nam Trà My khá thông suốt.

Theo thống kê, Quảng Nam hiện có 159 chợ, trong đó có 2 chợ hạng 1, 13 chợ hạng 2 và 144 chợ hạng 3. Khu vực thành thị 21 chợ, khu vực nông thôn 118 chợ, khu vực miền núi 20 chợ. Tổng số hộ kinh doanh qua mạng lưới chợ hiện nay hơn 23.000 hộ, bao gồm 14.000 hộ kinh doanh cố định và 9.000 hộ kinh doanh không thường xuyên. Các chợ được đầu tư xây dựng từng bước giải quyết tình trạng chợ tạm, chợ cóc gây mất an toàn giao thông và hệ lụy môi trường.

Chợ truyền thống từ xưa đến nay là địa điểm mua bán ưa thích của người dân. Tuy vậy khi khuynh hướng mua sắm của người dân thay đổi theo hướng hiện đại, hoạt động của chợ truyền thống đối diện không ít khó khăn. Hầu hết tiểu thương buôn bán các mặt hàng thời trang, giày dép, mỹ phẩm, quần áo ở chợ hạng 1 là Tam Kỳ lo lắng khi hàng hóa tiêu thụ kém, doanh thu giảm.

“Từ một năm nay tôi không còn thói quen mua sắm ở chợ truyền thống. Tôi chỉ cần dùng điện thoại vào các quầy kinh doanh online như tiki, sendo thì thấy muôn hình vạn trạng hàng hóa lại có thêm nhiều khuyến mãi rất dễ lựa chọn mua hàng. Mình ngồi nhà, không tốn công đi lại, hàng hóa được chuyển đến miễn phí nên rất tiện lợi” - chị Hồ Quỳnh Như (phường Hòa Thuận, Tam Kỳ) nói.

Ở Tam Kỳ, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini mọc lên như nấm sau mưa, là địa điểm mua sắm ngày càng quen thuộc với người tiêu dùng đô thị.

Theo ước tính hiện nay lượng hàng hóa được mua bán, lưu thông qua hệ thống chợ truyền thống khoảng 40% ở đô thị, hơn 90% ở nông thôn. Rõ ràng chợ truyền thống vẫn giữ vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.

Nhìn bao quát có thể thấy hệ thống chợ truyền thống nói chung của tỉnh còn nhiều hạn chế về cơ sở vật chất kỹ thuật, khả năng bảo đảm an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường. Điều này đặt ra yêu cầu bức thiết về việc đầu tư cải tạo, nâng cấp hoặc xây mới các chợ để bảo đảm điều kiện tốt hơn cho hoạt động mua bán.

Thay đổi và tồn tại

Đa dạng các loại hình buôn bán bên cạnh chợ truyền thống sẽ thuận lợi cho người tiêu dùng và tạo sự cạnh tranh lành mạnh cho các loại hình phân phối truyền thống và hiện đại.

Tuy nhiên, với những hạn chế hiện nay, chợ truyền thống cần thay đổi để tồn tại, phát triển với tầm quy hoạch dài hạn, đầu tư bài bản về hạ tầng. Nhất là khi hội nhập sâu rộng, hàng hóa nhập khẩu tràn lan, chợ truyền thống càng phải nhanh chóng giải quyết bất cập về vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, phát huy thế mạnh các mặt hàng tươi sống.

Ðứng trước thực trạng chợ đang dần bị các kênh bán lẻ hiện đại lấn át, nhiều ý kiến cho rằng rất cần có những cơ chế, chính sách thỏa đáng. Sau khi cải tạo và xây dựng chợ, có bộ máy tổ chức mạnh, đủ các quy chế để có thể tự chủ trong việc hạch toán, quản lý chi phí duy trì chợ.

Về nguồn gốc hàng hóa ở chợ cần truy xuất nguồn gốc. Việc bán hàng hóa ở chợ phải niêm yết giá và bán hàng theo giá niêm yết. Đặc biệt, xây dựng văn hóa kinh doanh ở chợ để nâng cao năng lực cạnh tranh với các kênh bán lẻ.

Theo ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Sở Công Thương, một trong những hình thức đang được triển khai hiệu quả để phát triển chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh là UBND tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với sở, ngành liên quan chuyển đổi mô hình quản lý chợ.

Hiện toàn tỉnh có 3 doanh nghiệp và 7 hợp tác xã quản lý chợ; Trung tâm Khai thác quỹ đất huyện Nam Giang quản lý chợ Thạnh Mỹ. Để đảm bảo hoạt động mua bán tại chợ truyền thống, ngành công thương tham mưu UBND tỉnh bố trí ngân sách đầu tư xây dựng các chợ dân sinh hạng 3, đồng thời tiếp tục thu hút đầu tư, quản lý chợ hạng 1, 2 từ nguồn vốn xã hội hóa.

Quảng Nam xem xét bổ sung một số cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút các đơn vị đầu tư xây dựng chợ, đặc biệt là đối với các chợ tại vùng nông thôn, miền núi nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu mua sắm của người dân, du khách.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cần "làm mới" chợ truyền thống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO