Cần lắm một cây cầu

CÔNG TÚ 09/06/2020 12:58

Suốt mấy chục năm qua, người dân vùng Gò Nổi (Điện Bàn) khao khát có một cây cầu vững chãi ở phía tây, bắc qua sông Thu Bồn để thay thế đò ngang Ông Đốc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Đò ngang Ông Đốc cần được thay thế bằng một cây cầu vững chãi. Ảnh: C.T
Đò ngang Ông Đốc cần được thay thế bằng một cây cầu vững chãi. Ảnh: C.T

Bất tiện đủ đường  

Do ảnh hưởng của dòng chảy lũ lụt, ngày 16.11.2010, một số nhịp của cầu Đen (cầu Gò Nổi) trên tuyến ĐT610B bị gãy, rơi xuống sông. Sự cố xảy ra địa bàn Duy Xuyên, nhưng nhân dân vùng Gò Nổi (3 xã Điện Phong, Điện Trung, Điện Quang) của Điện Bàn bị ảnh hưởng nặng nề, khi lưu thông bằng xe cơ giới bị bế tắc.

Do vậy, hàng hóa đưa về phải trung chuyển nên giá cả tăng chóng mặt. Tâm trạng người dân bất an lỡ có bệnh nhân đau nặng phải chuyển viện cấp cứu thì xe cứu thương không thể tiếp cận. Bởi vì, ĐT610B là tuyến giao thông huyết mạch về Gò Nổi, mà cầu Đen là con đường duy nhất xe cơ giới có thể qua lại. Nếu không, người dân khu vực này phải dùng xe máy lên đò ngang Ông Đốc nằm cuối tuyến ĐT610B, hay chạy trên cầu phụ bên cầu đường sắt Kỳ Lam, Chiêm Sơn của tuyến đường sắt Bắc - Nam rộng chừng 1m.

Từ thực tế trên, nhân dân Gò Nổi ước ao có một cây cầu kiên cố bắc qua sông Thu Bồn từ phía tây, nối liền với xã Điện Hồng (Điện Bàn) và huyện Đại Lộc để đi lại thuận tiện hơn.

Mặc dù ngày 4.9.2013, cầu Gò Nổi mới được khánh thành “thay thế” nhiệm vụ cho cầu Đen nhưng người dân vẫn khát khao có một cây cầu ở phía tây. Riêng ở lĩnh vực kinh tế, giao thông thuận lợi không chỉ giúp hàng hóa thông thương, mà còn góp phần mở ra triển vọng phát triển du lịch.

Điện Quang là nơi sản sinh nhiều danh nhân chí sĩ, anh hùng ghi vào sử sách như Hoàng Diệu, Lê Đình Đỉnh, Trần Cao Vân, Phan Thành Tài, Lê Đình Dương, Trần Thị Lý, Trần Thị Vân… Nhiều người muốn tìm hiểu các giá trị lịch sử về đất và người cũng khó thực hiện.

“Với mong muốn tìm hiểu vùng đất sản sinh ra nhiều người con ưu tú, tôi chọn xe máy để dễ di chuyển. Thế nhưng cầu phụ đường sắt Kỳ Lam quá nhỏ, cảm giác va vào thành cầu hoặc rơi xuống sông khiến tôi bất an” - một du khách cho hay.

Lưu thông bằng đò ngang Ông Đốc bất tiện không kém. Do phải “di động” mỗi khi nước lớn nước ròng, lúc khô hạn hoặc trời mưa, cầu đò không thể xây dựng kiên cố nên phải làm bằng tre cùng mấy tấm ván. Ai chưa quen rất sợ dắt xe máy lên đò, chưa kể đường dẫn xuống bến vênh khá sâu so với đường chính.

Mong mỏi chính đáng

Cầu Điện Quang (vị trí đò Ông Đốc) nằm trong quy hoạch phát triển giao thông vận tải Quảng Nam đã được duyệt, là trục ngang chiến lược kết nối liên vùng Duy Xuyên - Điện Bàn - Đại Lộc - Nam Giang. Theo đó, ĐT610B nối dài bắt đầu từ QL1 (Duy Xuyên), qua 3 xã Gò Nổi, cầu Điện Quang, xã Điện Hồng (Điện Bàn), cắt ngang ĐT609B, trùng với tuyến ĐH3.ĐL, giáp vào QL14B (Đại Lộc). Có ý kiến cho rằng, cần khảo sát, nghiên cứu đầu tư cầu Điện Quang theo hướng kết nối từ ĐT605 nối dài, vượt sông Thu Bồn đến ĐT610B. Tuy nhiên, nếu làm theo hướng mới sẽ không đúng quy hoạch, ảnh hưởng lớn đến bồi thường, giải phóng mặt bằng (nhất là ngã 3 Cẩm Lý, giao nhau giữa ĐT609 - ĐT605) làm tăng chi phí đầu tư. Đặc biệt, công trình tiếp tục tác động vào dòng chảy con sông sau khi phía hạ lưu gần đó đã có cầu Kỳ Lam (đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi), cầu Kỳ Lam (đường sắt Bắc - Nam), ngược lại đò ngang Ông Đốc vẫn chưa thể xóa.

Gần 70 tuổi đời, bà Lê Thị Thương (trú thôn Vân Ly, xã Điện Hồng) từng có gần 60 năm lái đò. Trong chiến tranh, bà cùng gia đình vừa đưa đò, vừa vận chuyển lương thực, vũ khí phục vụ cách mạng. Sau ngày giải phóng đến nay, bà lại cùng người con trai út lái đò đưa khách sang bờ Điện Quang hoặc bờ Điện Hồng. Gia đình sắm được 3 phương tiện có công suất 5CV, 16,5CV và 15CV để phục vụ tùy thời điểm lượng khách nhiều hay ít.

Bình thường vào cao điểm buổi sáng hoặc chiều, con trai bà dùng ghe lớn nhất công suất 15CV vận chuyển khoảng hơn 50 công nhân ở Điện Hồng và các xã lân cận thuộc huyện Đại Lộc qua, lại làm việc ở một nhà máy tại Điện Quang.

Dẫu có thêm thu nhập, nhưng bà Lê Thị Thương nhiều lần bộc bạch, rằng đã đến lúc cần kết thúc sứ mệnh của đò ngang bằng một cây cầu vì sự phát triển chung. Đó là chưa nói, luồng sông đưa đò vào mùa nắng một số chỗ bị cạn phải vất vả nạo vét thủ công; còn mưa bão phải nghỉ để đảm bảo an toàn.

Từng nhiều lần qua đò Ông Đốc, ông Lê Văn Tuấn (trú xã Đại Hòa, Đại Lộc) cho rằng việc xây dựng cầu để thay thế đò ngang này là hoàn toàn xác đáng. Bởi lẽ, đò chỉ đưa được người và xe máy qua lại vào mùa nắng, độ an toàn không cao. Muốn qua Gò Nổi không cần đò ngang, người dân ở Đại Lộc, Nam Giang, Nông Sơn, cánh tây Duy Xuyên… phải đi vòng xuống quốc lộ 1 rồi quay ngược lên xa hơn 20km.

Bà Trần Kim Thoa - Chủ tịch UBND xã Điện Quang cho biết, các diễn đàn tiếp xúc của cử tri với Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, HĐND các cấp, nhân dân đều đề đạt nguyện vọng này lên cấp có thẩm quyền. Địa phương cũng nhiều lần đề xuất về vấn đề nêu trên và đang chờ phản hồi khả quan hơn.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cần lắm một cây cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO