Một số khu vực tiềm ẩn nguy cơ trở thành “điểm đen” giao thông như nút giao lộ ngã ba Đại Hiệp với quốc lộ (QL) 14B (Đại Lộc) đi Ái Nghĩa và TP.Đà Nẵng; hay nút giao lộ giữa cầu Giao Thủy và tuyến tránh đường ĐT 611 nối từ khu vực Kiểm Lâm đi Mỹ Sơn (Duy Xuyên) và Đại Lộc, khi vẫn chưa được lắp đặt đèn tín hiệu giao thông...
Đường hẻm nguy hiểm ngay ngã tư đoạn qua Kiểm Lâm (Duy Xuyên). Ảnh: NHAN PHƯƠNG |
Bùng binh bất hợp lý
Kể từ khi cầu Giao Thủy khánh thành tới nay, một bùng binh nối giao lộ từ cầu Giao Thủy, vùng giáp ranh giữa Đại Hòa (Đại Lộc) và Duy Hòa (Duy Xuyên) với tuyến tránh đường ĐT 611 từ ngã ba Nam Phước - Kiểm Lâm đi Mỹ Sơn, Đại Lộc và tuyến đường ĐT 610 từ Nông Sơn đi Mỹ Sơn và ngã tư Kiểm Lâm được hình thành. Khu vực ngã ba giao lộ ngày càng đông đúc với lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông tăng lên đáng kể khi có sự kết nối vùng. Không chỉ vậy, tình trạng lưu thông của các loại ô tô, xe tải chở cát sạn, vật liệu xây dựng, hàng hóa qua lại Duy Xuyên, Đại Lộc, Nông Sơn cũng phức tạp. Theo nhiều người dân xã Duy Hòa sống lân cận ngã ba giao lộ, tình hình lưu thông ở đây rối ren một phần do không có đèn tín hiệu giao thông, một phần do bùng binh được thiết kế không hợp lý, thiếu biển báo giao thông, biển chỉ dẫn hướng lưu thông và tên đường. Nhiều người và phương tiện đi tới bùng binh này hay đi sai luật, vi phạm an toàn giao thông cũng vì một phần mất phương hướng, không biết lưu thông theo hướng nào; việc giảm tốc độ đột ngột cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn. Bà Nguyễn Thị Phú (thôn La Tháp Tây, xã Duy Hòa) cho biết: “Bùng binh nơi ngã ba chưa hợp lý khiến nhiều người vô tình vi phạm an toàn giao thông bởi lẽ con đường tránh từ ngã tư Kiểm Lâm và đường từ Mỹ Sơn qua đều khá nhỏ, nhưng bùng binh lại chiếm diện tích quá lớn. Cần thiết kế lại bùng binh, lắp đặt các biển báo giao thông, đèn tín hiệu giao thông...”.
Khu vực Duy Xuyên có nhiều nhà máy, xí nghiệp, lượng du khách đến và đi từ Mỹ Sơn rất lớn nhưng ngã ba giao lộ này lại xuất hiện một con đường hẻm rất nguy hiểm. “Nhiều xe trong hẻm đột nhiên chạy ra, người đi đường khó lường được. Đã từng có trường hợp xe máy chạy từ hẻm ra đụng phải xe lớn khiến người rớt xuống hố. Đèn đường bật quá trễ, gần 7 giờ tối mới có” - bà Phú cho biết thêm. Anh Trần Văn Tân (trú cùng thôn) chia sẻ, cần thiết kế lại bùng binh và thiết lập lại hệ thống tín hiệu giao thông ở “điểm đen” này, bởi người dân ở đây thì có thể điều chỉnh được nhưng du khách và người từ các nơi khác đến khó có thể lường được rủi ro.
Ngã ba nguy hiểm
Ngã ba Đại Hiệp là giao lộ “nguy hiểm” theo cách gọi của nhiều người dân nơi đây. Đây là giao lộ nối liền giữa tuyến QL 14B và đường ĐT 609B đi Ái Nghĩa và Đà Nẵng. Giao lộ có mật độ lưu thông của người và phương tiện, các loại xe cơ giới khác như xe khách, xe tải, xe ben, xe đầu kéo lớn. Lượng xe lưu thông từ Đại Lộc ra TP.Đà Nẵng và từ Kon Tum theo đường QL 14B về hướng Đà Nẵng và Đại Lộc khiến khu vực này đông đúc, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao. Song, cả chục năm qua, giao lộ này lại chưa hề được lắp đặt đèn tín hiệu giao thông, biển báo chỉ dẫn. Con đường dẫn từ QL 14B ra giao lộ lòng đường hẹp, không có lề đường, nhà dân đông đúc khiến nhiều người lưu thông qua đây và người dân sống ở khu vực bất an, lo lắng.
Chị Văn Thị Thảo My (thôn Đông Phú, Đại Hiệp), sống tại ngã ba này bức xúc: “Xe cộ đông đúc tới mức nhiều khi tôi ở đây mà muốn qua đường phải đứng đợi rất lâu, không dám qua đường ngay tại ngã ba. Sợ nhất là xe lớn chạy từ Kon Tum ra. Đi lại mệt mỏi, khó khăn quá nên chỉ khi thật cần thiết mới đi, hoặc mua dự trữ, tránh đi lại nhiều lần vì mất an toàn”. Ông Phạm Minh Phú (thôn Đông Phú) chia sẻ, tuy chưa có vụ tai nạn chết người nhưng số vụ bị thương từ nhẹ tới nặng thì rất nhiều. Khu vực ngã ba giao lộ này bị khuất bởi nhà dân nên mức độ rủi ro, nguy hiểm càng gia tăng. “Đáng lo nhất là xe tải, xe khách từ hướng Kon Tum ra vào nơi đây, nhiều xe chạy ẩu, chạy nhanh. Khu vực này cũng có nhiều cụm công nghiệp, công ty hoạt động nên hiểm họa càng lớn. Ngay cả người và xe lưu thông từ Đà Nẵng về Đại Hiệp mà qua đoạn này cũng cần phải tránh né xe lớn từ QL 14B ra bất ngờ vì đường nhỏ bị che khuất tầm nhìn” - ông Phú nói.
Thiết nghĩ, trước nguy cơ rủi ro từ các “điểm đen” ngã ba giao lộ, Sở Giao thông vận tải và các đơn vị liên quan cần có giải pháp cấp thiết nhằm tránh để xảy ra sự cố đáng tiếc; đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông và người dân sống lân cận.
TR.NHAN - P.PHƯƠNG