Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2020 - 2021 vừa kết thúc với 91 dự án đoạt giải thưởng trên tổng số 141 dự án dự thi; trong đó có 12 giải nhất, 19 giải nhì, 26 giải ba và 34 giải tư; bên cạnh đó, Ban tổ chức trao tặng 30 giải triển vọng.
Sau lễ trao giải, có nhiều ý kiến trái chiều nổi lên, tựu trung các vấn đề là: nội dung của cuộc thi quá lớn, quá sức đối với học sinh trung học; có đề tài giống các kỳ thi trước; cách tổ chức thực hiện từ cơ sở đến cấp quốc gia không phù hợp,… rồi đề nghị nên dừng cuộc thi này.
Thật ra đây là cuộc thi có mục đích tốt đẹp của Bộ GD-ĐT, nhằm hình thành một phương pháp dạy học thông qua thực hành. Có thể đề tài chưa đạt yêu cầu nhưng thông qua cuộc thi này các em được trải nghiệm thực tế, được tự tay thao tác trên sản phẩm, từ đó nắm được kiến thức khoa học, tập nghiên cứu khoa học.
Rõ ràng mục đích của cuộc thi là tốt đẹp, nhằm phát huy tính sáng tạo của học sinh thông qua cuộc sống và giải quyết vấn đề thực tiễn của cuộc sống đang đặt ra. Tuy nhiên, với những lùm xùm của cuộc thi vừa qua, nhiều người không đồng tình, thậm chí có người đề nghị dừng cuộc thi.
Thật ra những ý kiến phản đối đó không phải là không có lý. Tôi từng chứng kiến cách làm ở cơ sở và cách tổ chức ở cấp huyện. Trong đó, một số ý tưởng của dự án và làm sản phẩm đều là của thầy cô giáo chứ không phải của học sinh rồi gắn lên đó là dự án của học sinh còn tên thầy, cô là người hướng dẫn.
Có nhiều sản phẩm dự thi xong là vứt vì không có tính sáng tạo, không đáp ứng được với nhu cầu thực tiễn, đem áp dụng không hiệu quả, trong thực tiễn đã có những thiết bị ứng dụng khác hay hơn. Sản phẩm tạo ra bỏ xó nên rất lãng phí.
Các sản phẩm đoạt giải nhất, nhì cấp huyện chưa chắc ứng dụng được vào thực tế chứ nói chi đến giải ba, giải khuyến khích. Trên thực tế đây là các giải để động viên phong trào thi đua. Thật ra như thế này là quá lao tâm, lao lực, hao tổn sức khỏe, thời gian, tiền bạc...
Kết quả như thế nhưng tại sao họ lại làm? Đó là do các thầy cô chạy theo thành tích, hy vọng bản thân có nhiều thành tích để đạt các danh hiệu thi đua. Cán bộ quản lý cũng thích trường mình có thành tích trong nghiên cứu sáng tạo khoa học kỹ thuật.
Thứ nữa, gần đây dư luận cho rằng các dự án khoa học quá sức đối với học sinh, như các dự án về chữa bệnh ung thư, các dự án liên quan đến tế bào sinh học, phân tử… Đúng như vậy, các nội dung này quả thật là quá tầm đối với học sinh phổ thông. Rồi việc tổ chức chấm thi có khi cũng gây ra hiểu nhầm không tốt…
Theo ý kiến cá nhân, Bộ GD- ĐT vẫn nên duy trì cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học nhằm phát huy tinh thần nghiên cứu khoa học, sáng tạo của các em, nhưng các trường không nên chạy theo thành tích vì tiêu chí thi đua.
Từ trường đến các cấp phòng, sở, Bộ GD-ĐT cần tổ chức, hướng dẫn cuộc thi, chấm thi chính xác, nghiêm túc, công bằng. Người chấm thi phải có trí tuệ, thông minh, không những am hiểu kiến thức về lĩnh lực mình chấm mà còn phải biết trong thực tế có những sản phẩm tương tự hay giống như vậy không, để biết và hiểu tính sáng tạo của sản phẩm.
Còn ở cấp cơ sở trường học, hiệu trưởng cần chỉ đạo thành lập ban tổ chức cuộc thi, tổ hỗ trợ kiến thức, hướng dẫn cho học sinh. Tổ chức chọn dự án tốt có tính sáng tạo mới cho thực hiện và duyệt kinh phí. Còn dự án nào nghèo nàn ý tưởng, không sáng tạo thì dứt khoát không cho thực hiện dù đơn vị mình “ trắng” sản phẩm dự thi.