Cần nâng cao ý thức giao thông trong giới trẻ

HỒ QUÂN 05/12/2023 09:55

(QNO) - Tai nạn giao thông (TNGT) là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở lứa tuổi thanh thiếu niên từ 15-27 tuổi, đang trở thành vấn đề nhức nhối trong xã hội hiện nay.

Một số học sinh lái xe máy trên 50 phân khối đi học. Ảnh: H.Q
Một số học sinh lái xe máy trên 50 phân khối đi học. Ảnh: H.Q

Những vụ việc đau lòng

Tròn một năm kể từ ngày đứa con trai đầu Hồ Văn N. (SN 2003) mất do TNGT, nỗi đau dường như chưa thể nguôi ngoai trong lòng bà Hồ Thị Ngôi - thôn 3, xã Phước Mỹ (Phước Sơn). Bà kể, N. học hết lớp 9 rồi nghỉ, ở nhà theo thanh niên địa phương lên rẫy làm keo. Được thời gian ngắn thì em không may bị tai nạn xe trong một lần đi rẫy. Hậu quả là em bị gãy chân, nằm viện mấy tháng liền.

“Ra viện, N. đòi ba mẹ mua xe máy để đi làm. Đời sống khó khăn, vợ chồng tôi chủ yếu làm thuê, không đủ nuôi 5 đứa con, nhưng lo cho N. đành phải cố gắng. Hai vợ chồng tôi vay mượn khắp nơi mua cho N. chiếc xe máy” – bà Ngôi kể.

Theo lời bà Ngôi, N. chạy xe không chấp hành các quy định về an toàn giao thông (ATGT) và không nghe lời ba mẹ khuyên răn. Em còn mua nhiều phụ tùng trên mạng về độ, chế xe. Nhiều đêm đã uống bia rượu nhưng N. vẫn chạy xe rất nhanh trên các đoạn đường núi hiểm trở. Và rồi, một đêm mưa lạnh cuối năm 2022, trên đường đi làm về, em bị tai nạn và tử vong.

“Chúng tôi đã dặn dò rất nhiều nhưng con không nghe. Thật sự rất đau lòng. Chưa kể, xe hư hỏng nặng, bán chỉ được 2 triệu đồng. Hai vợ chồng tôi giờ phải gồng gánh để trở khoản nợ mà con để lại… Đây cũng là bài học cho chúng tôi và các em của N.” – bà Ngôi nói.

Nhiều học sinh bị lực lượng CSGT xử phạt vì vi phạm các quy định về an toàn giao thông đường bộ. Ảnh: H.Q
Nhiều học sinh bị CSGT xử phạt vì vi phạm các quy định về an toàn giao thông đường bộ. Ảnh: H.Q

Trường hợp đau lòng của N. là hệ quả từ sự bồng bột, chưa nắm vững quy tắc lái xe an toàn, thiếu kinh nghiệm xử lý tình huống bất ngờ trên đường. Đây cũng nguyên nhân chủ yếu của các vụ TNGT ở lứa tuổi thanh thiếu niên từ 15-27 tuổi.

Theo báo cáo của Ủy ban ATGT quốc gia, trong 11 tháng đầu năm 2023, toàn quốc xảy ra 11.779 vụ TNGT, làm 6.381 người chết, 4.816 người bị thương nặng và 3.672 người bị thương nhẹ. Trung bình mỗi ngày cả nước xảy ra 35 vụ tai nạn giao thông, làm 19 người chết, 25 người bị thương.

Đáng chú ý, TNGT liên quan đến độ tuổi thanh, thiếu niên chiếm khoảng 10%.

“Hệ lụy của những vụ TNGT là mất mát về tinh thần khó bù đắp đối với người thân. Nhiều thanh thiếu niên không còn tuổi trẻ để học tập và lao động; cha mẹ già không còn nơi nương tựa. Cá biệt có một số vụ việc, gia đình phải bán tài sản để trang trải chi phí điều trị. Nhiều bạn trẻ phải mang thương tật suốt đời, trở thành gánh nặng của gia đình” - ông Phan Đức Tiễn - Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết.

Xây dựng văn hóa giao thông cho học sinh

Học sinh đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm. Ảnh: H.Q
Học sinh đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm. Ảnh: H.Q

Dù công tác tuyên truyền đã được phổ biến rộng rãi, lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát liên tục, song tình trạng học sinh vi phạm giao thông vẫn xảy ra. Từ nông thôn đến thành thị, không khó để bắt gặp hình ảnh học sinh điều khiển xe đạp điện lưu thông trên đường nhưng không đội mũ bảo hiểm, đi xe sai làn, ngược chiều. Một số trường hợp không nhường đường, qua đường không bật xi-nhan, không giảm tốc độ khi gặp các ngã rẽ, tạt đầu các phương tiện khác…

Nguy hiểm hơn, loại phương tiện này không có tiếng động nên khi vượt lên, phương tiện lưu thông cùng chiều rất khó phát hiện nhất là vào buổi tối và ở nơi khuất tầm nhìn.

[VIDEO] - Một số trường hợp học sinh vi phạm các quy định về an toàn giao thông đường bộ:

Theo quy định, dù người điều khiển xe đạp điện, xe máy điện không yêu cầu bằng lái, song phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Một số phụ huynh dường như chưa ý thức được những nguy hiểm tiềm ẩn và không nhắc nhở con em kịp thời. Và thời gian qua, nhiều vụ té ngã, va chạm đã xảy ra, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Hiện nay hơn 50% học sinh THPT đến trường bằng xe máy điện, xe đạp điện. Đây là phương tiện chiếm 90% các vụ TNGT giao thông liên quan đến học sinh trong độ tuổi từ 15 đến dưới 18.

Ông Phan Đức Tiễn - Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết, cùng với tình trạng học sinh điều khiển xe đạp điện, xe máy điện vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ thì cá biệt một số học sinh THPT điều khiển xe máy trên 50 phân khối khi chưa đủ điều kiện tham gia giao thông. Đây là biểu hiện của tâm lý thích thể hiện của giới trẻ, bởi việc điều khiển xe máy sẽ thích thú hơn so với đi xe đạp.

“Năm nay, số người chết và bị thương do TNGT trên địa bàn tỉnh tăng cao so với cùng kỳ năm 2022. Để giảm thiểu TNGT, nhất là số vụ tai nạn và thương vong ở độ tuổi thanh thiếu niên, phụ huynh và giáo viên phải nâng cao trách nhiệm, thường xuyên nhắc nhở, cảnh báo và là những tấm gương mẫu mực về thực thi quy định pháp luật về ATGT và xây dựng văn hoá giao thông. Trong đó, nhà trường đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về an toàn giao thông, nâng cao kiến thức, kỹ năng điều khiển các phương tiện; thực hiện các cam kết với phụ huynh không giao phương tiện giao thông không phù hợp với độ tuổi con em” - ông Tiễn cho biết.

[VIDEO] - ông Phan Đức Tiễn - Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh chia sẻ các giải pháp giảm thiểu tình trạng học sinh vi phạm giao thông: 

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cần nâng cao ý thức giao thông trong giới trẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO