(QNO) - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh vừa chủ trì buổi làm việc nhằm đánh giá, rút kinh nghiệm việc triển khai phần mềm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ do UBND tỉnh giao cũng như thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) của tỉnh.
Đẩy mạnh ứng dụng CNTT sẽ rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính. Trong ảnh: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư tỉnh vào tháng 3.2017. Ảnh: H.L |
Theo báo cáo của Văn phòng UBND tỉnh, từ ngày 1.9 - 13.12.2017, UBND tỉnh giao các sở, ngành, địa phương triển khai 556 nhiệm vụ. Trong đó, có 249 nhiệm vụ đã hoàn thành (đúng hạn 81 nhiệm vụ, chiếm 32,53%; quá hạn 168 nhiệm vụ, chiếm 67,47%); 307 nhiệm vụ chưa hoàn thành (177 nhiệm vụ trong hạn, chiếm 57,65%; quá hạn 130 nhiệm vụ, chiếm 42,35%). Đến nay, sau 3,5 tháng đi vào hoạt động, phần mềm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ do UBND tỉnh giao (http://tbkl.vpubnd.quangnam.vn) được các sở ngành, địa phương quan tâm, chủ động truy cập và sử dụng thành thạo, hiệu quả, kể đến như các Sở: Kế hoạch - đầu tư, Tài chính, NN&PTNT, Công thương, LĐ-TB&XH…
Tuy nhiên, theo Văn phòng UBND tỉnh, bên cạnh kết quả đạt được, phần mềm vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, vẫn còn xảy ra lỗi hệ thống. Việc thống kê nhiệm vụ trên tin nhắn SMS gửi cho thủ trưởng, chánh văn phòng các sở ngành, địa phương còn sai lệch với thống kê thực tế, gây khó khăn cho việc theo dõi, thống kê và báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ cho lãnh đạo các đơn vị theo dõi, chỉ đạo. Nhiệm vụ triển khai trên phần mềm thường xuyên trễ hạn, tốc độ truy cập hệ thống còn chậm… Tại cuộc họp, nhiều sở ngành và địa phương đề xuất, cần chỉnh sửa, nâng cấp hệ thống sao cho phù hợp với thực tế. Nhiều đơn vị kiến nghị nên tích hợp phần mềm quản lý văn bản (Q-Office) và phần mềm theo dõi nhiệm vụ được giao vào hệ thống để tạo sự đồng bộ trong triển khai, thực hiện, tránh tình trạng mỗi nơi sử dụng mỗi phần mềm rất bất cập…
Ông Phạm Hồng Quảng - Giám đốc Sở TT&TT chia sẻ, do mới đi vào vận hành thí điểm, những hạn chế, khuyết điểm của hệ thống sẽ được Sở TT&TT chỉ đạo khắc phục trong thời gian tới. Cũng theo ông Quảng, việc nâng cấp hệ thống phần mềm là cần thiết, đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương, song đây là bài toán đòi hỏi có nguồn lực đầu tư lớn, sự đồng bộ về hệ thống văn bản và các dịch vụ công. Riêng những vấn đề liên quan tới kỹ thuật, cần phải có thời gian và sự đầu tư xứng đáng. Ông Quảng nhìn nhận, hệ thống phần mềm của tỉnh còn chạy quá chậm, kể cả Q-Office, do hệ thống hạ tầng serve (data center) của tỉnh đã quá tải. Trong khi việc ứng dụng CNTT, lưu trữ dữ liệu của cả tỉnh đều nằm trên hệ thống này. Do vậy, cần nâng cấp hệ thống serve của tỉnh, nâng cấp hạ tầng phần mềm lưu trữ dữ liệu, đảm bảo cho sự phát triển...
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh thông tin, năm 2017, chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT của tỉnh đứng thứ 35, nằm ở nhóm giữa, so với năm 2015, tụt 10 bậc. Song tỉnh lại có tốc độ phát triển kinh tế thuộc top dẫn đầu. Điều đó chứng tỏ việc ứng dụng CNTT chưa theo kịp tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chỉ đạo, thời gian tới, tỉnh cần rà soát, xây dựng quy chế triển khai đồng bộ hệ thống phần mềm theo dõi, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ UBND tỉnh giao. “Kể từ ngày 1.1.2018, phần mềm chính thức đi vào hoạt động. Đây là cơ sở đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, đánh giá tiêu chí năng lực cạnh tranh giữa các đơn vị, địa phương. Việc đánh giá thủ trưởng căn cứ vào tiêu chí mức độ giải quyết thủ tục ở trung tâm hành chính công. Sở TT&TT cần khẩn trương xây trục tích hợp liên thông với các phương án cụ thể. Tham mưu UBND tỉnh xây dựng hệ thống data center theo lộ trình, khả năng mở rộng hệ thống hạ tầng ra sao, ứng dụng CNTT thế nào, khả năng mở rộng, đáp ứng nhu cầu tương lai ở cấp xã, phường ra sao để có hướng đầu tư đồng bộ, hợp lý” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.
HOÀNG LIÊN