Cần nâng pháp lệnh thành luật

L.VŨ 25/09/2013 09:12

Hôm qua 24.9, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số 2003 - 2013. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Thiện Nhân chủ trì hội nghị.

Báo cáo “Kết quả 10 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số” của Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) do Tổng cục trưởng - TS. Dương Quốc Trọng trình bày cho thấy, sau 10 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số, bức tranh dân số nước ta đã có nhiều thay đổi căn bản so với trước đây. Nếu như năm 2002, số con trung bình/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở nước ta là 2,28 con thì năm 2012 còn 2,05 con. Tỷ lệ gia tăng dân số cũng giảm từ 1,17% (2002) xuống còn 1,06% (2012). Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên đã giảm mạnh từ 21,7% (2002) xuống còn 14,2% (2012). Tỷ số giới tính khi sinh tính đến tháng 7.2013 là 110,9 bé trai/100 bé gái (cùng kỳ năm 2012 là 113,3/100). Quy mô dân số năm 2002 là 79,54 triệu người, đến 1.4.2012 là 88,78 triệu người, bình quân mỗi năm tăng thêm 924 nghìn người, như vậy chắc chắn sẽ đạt được mục tiêu Chiến lược Dân số và sức khỏe sinh sản của Chính phủ đặt ra đến năm 2015 (quy mô không vượt quá 93 triệu người)... Tuy nhiên, dù mức sinh đã giảm rõ rệt nhưng còn rất khác biệt giữa các vùng miền, tỉnh, thành; vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn tiếp tục gia tăng. Làm thế nào để tận dụng cơ hội cơ cấu “dân số vàng”, chăm sóc và phát huy người cao tuổi khi Việt Nam đang “già hóa dân số” rất nhanh; phân bố, quản lý dân cư; di cư và đô thị hóa diễn ra ngày càng mạnh như một quy luật tất yếu trong quá trình phát triển; nâng cao chất lượng dân số, hôn nhân đồng tính, mang thai hộ... là những vấn đề rất mới mà báo cáo nêu lên và đặt ra yêu cầu cần được điều chỉnh.

Tham dự hội nghị, GS-TS. Nguyễn Đình Cử (nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội, trường Đại học Kinh tế quốc dân) chỉ ra 4 điểm mạnh của Pháp lệnh Dân số, gồm: Một, lần đầu tiên đặt vấn đề điều chỉnh toàn diện và hệ thống các hành vi dân số, công tác dân số bằng luật pháp; hai, quy định quyền và nghĩa vụ của Nhà nước, đoàn thể xã hội, công dân đối với công tác dân số; ba, mở đường cho việc xây dựng hệ thống văn bản pháp luật từ trung ương đến các địa phương điều chỉnh hành vi dân số; bốn, nhạy bén điều chỉnh những hành vi dân số mới xuất hiện hoặc mới được quan tâm. Tuy nhiên, GS-TS. Nguyễn Đình Cử cũng chỉ rõ những hạn chế của Pháp lệnh ở một số điểm như phạm vi điều chỉnh quá rộng, bao gồm cả quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số, các biện pháp của công tác dân số và quản lý nhà nước về dân số. Điều đó dẫn đến việc điều chỉnh thiếu triệt để, Pháp lệnh mang nặng tính “luật ống, luật khung”…

Theo TS. Dương Quốc Trọng, với sự phát triển mạnh mẽ của đời sống kinh tế xã hội hiện nay, ý thức và hành vi của người dân về dân số đã có những thay đổi sâu sắc. Những tiến bộ về khoa học công nghệ nói chung, đặc biệt trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, y tế nói riêng đã tác động tới các quá trình dân số. Trong đó có thể kể đến các phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, sàng lọc và chẩn đoán trước sinh, lạm dụng tiến bộ khoa học công nghệ để lựa chọn giới tính trước sinh... Do đó đòi hỏi cần có sự điều chỉnh hợp lý của pháp luật, và việc nâng cấp từ Pháp lệnh Dân số lên Luật Dân số là hết sức cần thiết.

L.VŨ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cần nâng pháp lệnh thành luật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO