Mặc dù Bộ Y tế đã có hướng dẫn trong trường hợp lớp học có F0 thì chỉ có F0 và F1 nghỉ học, các trường hợp khác vẫn đến trường, nhưng nhiều phụ huynh - nhất là phụ huynh tiểu học vẫn lo lắng.
Tính đến nay có hàng nghìn cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành GD-ĐT và học sinh F0. Có lớp học sinh F0, F1 nhiều hơn số học sinh còn lại. Dù vậy, theo quy định, học sinh không phải là F0, F1 vẫn đến trường học trực tiếp.
Trong khi đó, phụ huynh đề nghị nên học trực tuyến nếu số lượng học sinh là F0, F1 tăng cao, để giảm nguy cơ lây nhiễm trong trường học; giáo viên đỡ phải vất vả khi vừa dạy trực tiếp vừa giao bài cho những học sinh không đến lớp được. Còn theo chuyên gia y tế nhận định về sự cần thiết cho học sinh tới trường vì học sinh nghỉ học kéo dài gây hệ lụy rất lớn.
Tuy nhiên, trong tình hình số ca F0 ở Quảng Nam tăng cao như hiện nay, trong đó có nhiều giáo viên, học sinh; có lớp học sinh nghỉ học gần 50% do có liên quan đến Covid-19 thì việc cho học sinh học trực tiếp là vấn đề cần cân nhắc. Trong các nhóm lớp, nhiều phụ huynh kiến nghị cho học sinh học trực tuyến.
Có phụ huynh tiểu học bày tỏ: “Dù biết học trực tuyến không hiệu quả như trực tiếp nhưng trong tình hình hiện nay là cần thiết”. Một phụ huynh có con là F1, phải nghỉ học 7 ngày theo quy định trong khi các bạn cùng lớp vẫn đi học, đã tỏ ra lo lắng vì sợ con mình không thể theo kịp chương trình, bởi các em chỉ được học theo tài liệu, bài học do cô giáo gửi về nhà.
Theo quy định, chỉ có trường hợp F0, F1 không học trực tiếp, các trường hợp còn lại vẫn phải đến trường nhưng số lượng học sinh F0, F1 quá nhiều khiến việc dạy và học trở nên khó khăn. Có trường hợp giáo viên THCS, THPT một buổi tiết 1 dạy trực tuyến lớp A, tiết 2 dạy trực tiếp lớp B, tiết 3 trực tuyến lớp C…
Lại có trường hợp học sinh học môn Toán, Lý trực tiếp, đến môn tiếng Anh phải học trực tuyến do giáo viên tiếng Anh là F1, không thể dạy trực tiếp. Và như vậy, buổi sáng cô giáo chủ nhiệm vừa phải đến lớp dạy cho các học sinh học trực tiếp tại trường, vừa phải gửi bài giảng và bài làm để học sinh học tại nhà; đến chiều cô lại phải gửi đáp án để những học sinh học tại nhà tự kiểm tra bài làm của mình. Rất vất vả cho cả cô lẫn trò, và cả phụ huynh.
Bộ Y tế đã quy định chỉ có F0, F1 mới ở nhà, các trường hợp còn lại vẫn đến trường. Nhưng nên chăng, nếu số lượng học sinh F0, F1 tăng lên quá cao, ngành giáo dục cần linh hoạt cân nhắc quyết định dạy trực tiếp hay trực tuyến, nhất là ở cấp tiểu học, để làm sao đó vừa đảm bảo hiệu quả phòng chống dịch, vừa đảm bảo chất lượng giáo dục, đảm bảo sự “công bằng” trong tiếp nhận giáo dục giữa học sinh là F0, F1 với học sinh bình thường. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên, học sinh và phụ huynh; dù biết rằng, để giải quyết trọn vẹn vấn đề này trong tình hình dịch bệnh là vô cùng khó.