Không phải ai cũng có đủ tiền để mua sắm những vật dụng thiết yếu từ đồ gia dụng, xe máy, điện thoại… Để có thể mua sắm những vật dụng này, nhiều người đã tiếp cận các gói tín dụng của các công ty tài chính. Mạng lưới hoạt động của các công ty này có mặt hầu hết trên thị trường tiêu dùng, cho vay với ưu điểm là xét duyệt nhanh chóng, không quá phức tạp như các ngân hàng, nhưng cũng kèm theo nhiều hệ lụy. Thông thường, sau khi thẩm định, tùy theo đánh giá mức độ rủi ro của từng khách hàng mà các công ty này sẽ đưa ra lãi suất khác nhau. Thấp thì khoảng 2 - 3%/tháng nhưng cao có thể lên 5%/tháng. Không ít người đã bị “sập bẫy” lãi suất và lâm vào tình trạng nợ nần.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã phát đi Thông tư 43, theo đó kể từ ngày 15.3.2017 trở đi, một khuôn khổ pháp lý tài chính tiêu dùng khá minh bạch bước đầu sẽ được thiết lập. Khách hàng vay tiền có cơ hội thoát khỏi “bẫy nợ nần”. Nhiều chuyên gia cho rằng Thông tư 43 có vẻ như đã nâng vị thế người vay tiêu dùng so với trước đây và sẽ được bảo vệ tốt hơn. Tuy nhiên, khi nhìn vào những quy định xử lý lãi suất vẫn thấy còn khoảng trống. Theo thông tư này, các công ty tài chính chỉ có trách nhiệm công bố mức lãi suất cao nhất hoặc thấp nhất đối với từng sản phẩm cho vay tiêu dùng mà không bị bất cứ giới hạn nào về việc ấn định mức lãi suất với khách hàng. Trong khi luật quy định giới hạn lãi suất thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm. Vì vậy, có thể hiểu các công ty tài chính sẽ vận dụng lãi suất có lợi nhất, không chạm đến ngưỡng 100%/năm (mức định danh cho vay nặng lãi) thì hoàn toàn có thể yên tâm tiến hành những hợp đồng mua bán, cho vay. Như vậy, từ lý thuyết so với thực tiễn vẫn còn khá xa. Chưa chắc người tiêu dùng sẽ được lợi. Vì thế lời khuyên của các chuyên gia tài chính cũng cần được tham khảo. Thông tư mới nhất của Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa thể tạo được sự yên tâm cho người tiếp cận tín dụng từ kênh này. Vì vậy, nếu như không vì nhu cầu sử dụng cho chi tiêu quá bức thiết thì không nên vay làm gì. Ngược lại, nếu vì quá cần để thỏa mãn nhu cầu thì việc đầu tiên là nghiên cứu, khảo sát, tính toán cụ thể phương thức, mức lãi suất, kỳ hạn vay hợp lý. Không nên dễ dàng đặt bút ký vay tiền… dù thủ tục có quá dễ dàng hay nhanh và gọn!
Có thể hiểu rằng, nếu các ngân hàng hỗ trợ trực tiếp dòng vốn cho sản xuất, kinh doanh doanh nghiệp thì các công ty tài chính có vai trò gián tiếp thúc đẩy vòng quay, chu chuyển đồng vốn xã hội. Nếu họ cứ viện dẫn lý do cho vay tiêu dùng có độ rủi ro thì không bao giờ gỡ bỏ được ấn tượng không tốt trong xã hội khi bị đánh đồng với tệ nạn cho vay “cắt cổ” hoặc xem đó là kênh tín dụng cạnh tranh thiếu lành mạnh với hệ thống ngân hàng. Một thị phần đa dạng, rộng lớn, nhất là tầng lớp trung lưu, thị dân, công nhân, sinh viên, học sinh… đang rộng mở, chào đón sẽ là điều hấp dẫn cho các công ty tài chính tiếp cận bền vững hơn là lợi nhuận cao bằng mọi giá, hay nới rộng biên độ lãi suất lớn. Giải quyết được điều này, chắc chắn sẽ bớt dần những “ngộ nhận”.
NHẬT PHONG