Hơn một năm nay, việc thực hiện thí điểm mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm - chuỗi sản phẩm thịt heo sạch bước đầu mang lại kết quả khả quan. Tuy nhiên, để sớm nhân rộng mô hình này, thời gian tới còn rất nhiều việc phải làm, nhất là Nhà nước cần tạo cơ chế phù hợp để khuyến khích doanh nghiệp tăng cường liên kết với nông dân…
Hơn một năm nay, cửa hàng cung ứng sản phẩm heo sạch trước cổng chợ Hà Lam (Thăng Bình) đã bán ra thị trường 10,3 tấn thịt. Ảnh: NHÃ PHƯƠNG |
Kết quả bước đầu
Ông Nguyễn Văn Thành - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản (Sở NN&PTNT) cho biết, tháng 4.2016 đơn vị triển khai thí điểm mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm - chuỗi sản phẩm thịt heo trên địa bàn huyện Thăng Bình. Bước đầu đơn vị phối hợp với các ngành liên quan của huyện Thăng Bình khảo sát thực tế tại 3 xã Bình Phú, Bình Chánh, Bình Định Nam. Sau khi đánh giá thực trạng về điều kiện chăn nuôi và tiến hành lấy mẫu nước phân tích những chỉ tiêu theo QCVN 01 39:2011/BNNPTNT, đơn vị quyết định chọn 17 hộ dân ở 3 địa phương vừa nêu để hỗ trợ tham gia chương trình. “Số hộ dân được lựa chọn này có quy mô thả nuôi mỗi lứa hơn 30 con heo và cơ bản đáp ứng các yêu cầu về vị trí, nguồn nước, trang thiết bị, con giống, thức ăn, công tác tiêm phòng. Tuy nhiên, nhằm đảm bảo các điều kiện về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường…, Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản và ngành nông nghiệp Thăng Bình đã hỗ trợ mỗi hộ gần 2,8 triệu đồng để cùng với nguồn vốn tự có đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất” - ông Thành nói.
Bên cạnh việc hỗ trợ cải tạo cơ sở vật chất, các cơ quan chức năng cũng tổ chức nhiều khóa tập huấn cho 17 hộ dân tham gia chuỗi sản xuất. Theo đó, ngoài việc phổ biến những kiến thức chung về an toàn thực phẩm, phân tích các mối nguy gây mất an toàn thực phẩm thì ngành chuyên môn còn tập trung hướng dẫn người dân áp dụng quy trình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP. Để việc thực hiện mô hình đạt kết quả cao, Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản đã thành lập tổ công tác và thường xuyên phối hợp với Trạm Chăn nuôi & thú y Thăng Bình trực tiếp tới các hộ chăn nuôi giám sát việc tuân thủ các quy định, quy trình kỹ thuật nhằm kịp thời hướng dẫn khắc phục những tồn tại, các lỗi phát sinh trong quá trình sản xuất. Cùng với việc lựa chọn 17 hộ dân tham gia chuỗi sản xuất, Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản cũng phối hợp với chính quyền huyện Thăng Bình tiến hành khảo sát thực tế, kiểm tra các điều kiện cần thiết và quyết định chọn Công ty TNHH Sản xuất - chế biến thực phẩm Quảng Nam đóng tại xã Bình Phục làm đầu mối trong việc thu mua, giết mổ, xây dựng cửa hàng kinh doanh sản phẩm thịt heo sạch trước cổng chợ Hà Lam.
Từ tháng 4.2016 đến cuối tháng 6 năm nay, 17 hộ dân tham gia chuỗi sản xuất ở 3 xã Bình Phú, Bình Chánh, Bình Định Nam đã nuôi và xuất bán ra thị trường 1.550 con heo thịt đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh với tổng trọng lượng hơn 116 tấn heo hơi. Trong đó, cung cấp cho Công ty TNHH Sản xuất - chế biến thực phẩm Quảng Nam 274 con với trọng lượng gần 20,6 tấn heo hơi để giết mổ bán sản phẩm sạch cho người tiêu dùng (khoảng 10,3 tấn thịt) tại cửa hàng trước cổng chợ Hà Lam. Ông Nguyễn Văn Thành cho hay, ngoài việc duy trì mô hình tại Thăng Bình, năm 2017 này đơn vị tiếp tục phối hợp với Phòng Kinh tế TP.Tam Kỳ tiến hành kiểm tra các bước và hỗ trợ 7 hộ dân ở xã Tam Phú thực hiện chuỗi sản xuất thịt heo sạch. Đặc biệt, mới đây các ngành liên quan đã chọn thêm Hợp tác xã Nông nghiệp & dịch vụ kinh doanh tổng hợp Duy Đại Sơn làm đầu mối sản xuất, giết mổ và xây dựng cửa hàng cung cấp sản phẩm thịt heo sạch Bảo Khang tại địa chỉ 12A Nguyễn Dục (Tam Kỳ). Theo ông Võ Ngọc Sơn - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp & dịch vụ kinh doanh tổng hợp Duy Đại Sơn, cửa hàng thịt heo sạch Bảo Khang khai trương vào ngày 3.8.2017. Từ đó đến nay, mỗi ngày cửa hàng tiêu thụ 4 con heo với khoảng 200kg thịt và đáng mừng là đã ký kết hợp đồng cung cấp sản phẩm với các bếp ăn tập thể lớn trên địa bàn Tam Kỳ như Công ty May Trường Giang, các Trường Mầm non Thánh Gióng, Hoa Hồng, Hoa Mặt Trời... “Ngoài địa bàn Tam Kỳ, hiện chúng tôi đã mở 5 cửa hàng kinh doanh thịt heo sạch tại Đà Nẵng với mức tiêu thụ 2 con/ngày/cửa hàng. Đồng thời ký kết hợp đồng cung cấp sản phẩm với nhiều doanh nghiệp và bếp ăn tập thể tại thành phố này” - ông Sơn chia sẻ thêm.
Cần quan tâm nhiều khâu
Kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp Để nâng cao chất lượng sản phẩm chuỗi thịt heo sạch, Hợp tác xã Nông nghiệp & dịch vụ kinh doanh tổng hợp Duy Đại Sơn đầu tư khu giết mổ tập trung khang trang, hiện đại. Trong tất cả quy trình giết mổ đều được kiểm soát đầu vào từ con giống để cho ra sản phẩm đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn VietGAP. Sản phẩm có bao bì đảm bảo, tem nhãn địa chỉ sản xuất, do đó thuận tiện khách hàng có thể truy xuất nguồn gốc xuất xứ dễ dàng. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn khi giá thị trường giảm sâu trong thời gian qua nhưng HTX vẫn trụ vững nhờ có sự quan tâm hỗ trợ kịp thời của UBND tỉnh, của các cấp hội nông dân. Ông Võ Ngọc Sơn - Giám đốc HTX Duy Đại Sơn cho biết: “Nhận được sự quan tâm kịp thời của UBND tỉnh, của tổ chức hội nông dân đã giúp HTX duy trì việc chăn nuôi, tập trung cho hướng đi của mình là cung cấp sản phẩm thịt heo sạch, an toàn cho người tiêu dùng”. Ông Vũ Văn Thẩm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: “Số tiền mà hội nông dân vừa cho vay hỗ trợ 1 tỷ đồng so với nguồn vốn đầu tư của HTX không nhiều nhưng đó cũng là sự hỗ trợ kịp thời trong giai đoạn khó khăn của thị trường. Nhất là sự hỗ trợ đó ý nghĩa hơn bởi họ làm ăn có trách nhiệm với cộng đồng”.(THÁI BÌNH) |
Ông Nguyễn Bảy ở thôn Hưng Lộc (xã Bình Định Nam, Thăng Bình) – một hộ tham gia mô hình cho biết, mặc dù Công ty TNHH Sản xuất - chế biến thực phẩm Quảng Nam rất cố gắng trong việc giải quyết đầu ra sản phẩm cho các hộ chăn nuôi nhưng do đây là mô hình mới, phần lớn người tiêu dùng chưa có thói quen sử dụng sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng nên việc tiêu thụ bước đầu còn gặp nhiều khó khăn. Một số ý kiến khác cho rằng, kinh phí hỗ trợ cho các tác nhân tham gia chuỗi còn hạn chế nên ít nhiều đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai mô hình. Khi sản xuất theo chuỗi đòi hỏi phải đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất từ chuồng trại chăn nuôi, cơ sở giết mổ đến các điểm bán hàng nên giá thành sản phẩm cao hơn so với sản xuất bình thường, dẫn đến sản phẩm của mô hình khó cạnh tranh nếu như không có sự hỗ trợ từ phía Nhà nước. Trong khi đó, vấn đề an toàn thực phẩm được phân cho 3 ngành quản lý là nông nghiệp, công thương, y tế nên việc giải quyết đầu ra cho sản phẩm được sản xuất theo chuỗi còn nhiều trở ngại… Theo ông Nguyễn Văn Thành, việc nhân rộng mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm - chuỗi sản phẩm thịt heo là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, để mang lại thành công, nhất thiết phải có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các ngành liên quan ở tỉnh, chính quyền các cấp và những tác nhân trực tiếp tham gia chuỗi. Đồng thời tập trung đẩy mạnh việc liên kết giữa các doanh nghiệp thu mua, giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm với các hộ chăn nuôi heo an toàn dịch bệnh thông qua công tác tuyên truyền, xúc tiến thương mại.
Mới đây, tại cuộc hội thảo bàn các giải pháp nhân rộng mô hình trên, nhiều đại biểu cho rằng cần tăng cường khâu kết nối giữa cơ sở giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm với vùng chăn nuôi nhằm tăng giá trị sản phẩm, giảm chênh lệch giữa giá bán của người sản xuất và các nơi tiêu thụ. Cạnh đó, cũng nên tăng cường mối liên kết giữa người sản xuất với các đơn vị cung ứng vật tư, thức ăn, thuốc thú y và những đầu mối tiêu thụ để tạo ra các sản phẩm an toàn, có nguồn gốc rõ ràng nhưng vẫn có giá cạnh tranh. Đặc biệt, tỉnh cần sớm ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù để tạo điều kiện thuận lợi cho những hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ dân tham gia chuỗi thực hiện mô hình. Về lâu dài, cần xây dựng thương hiệu và lập hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho các sản phẩm chăn nuôi của chuỗi.
Ngoài những vấn đề trên, nhiều ý kiến cũng đề nghị các cơ quan chức năng được phân công quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm phải tăng cường việc kiểm tra, kiểm soát nguyên liệu đầu vào tại những nhà hàng, bếp ăn tập thể có số lượng suất ăn nhiều nhằm hạn chế thực phẩm không an toàn. Đồng thời xử phạt nghiêm các cơ sở thu mua, chế biến sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, có như vậy thì chuỗi sản phẩm an toàn mới được duy trì và nhân rộng...
NHÃ PHƯƠNG