Trong bối cảnh kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại, các chính sách hỗ trợ sẽ tác động mạnh đến việc khôi phục hoạt động, giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp. Báo Quảng Nam đã có các cuộc trao đổi với ông Ngô Bốn - Cục trưởng Cục Thuế tỉnh và ông Phạm Quốc Hùng - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh về vấn đề này.
Động lực từ chính sách thuế
Các chính sách hỗ trợ về thuế luôn có vai trò tác động trực tiếp đến việc khôi phục sản xuất của doanh nghiệp (DN). Nhiều chính sách đã triển khai và sẽ triển khai được kỳ vọng giúp DN có nhiều cơ hội khôi phục sản xuất.
* Thưa ông, các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh đang được hỗ trợ bởi những chính sách nào liên quan đến thuế?
Ông Ngô Bốn: Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 phức tạp, Nghị định 52 của Chính phủ được ban hành vào ngày 19.4.2021 hỗ trợ DN, cơ sở sản xuất kinh doanh gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất năm 2021.
Đến ngày 31.7 đã hết hạn nộp hồ sơ đề nghị gia hạn. Theo tính toán, toàn tỉnh gia hạn số tiền thuế hơn 622,8 tỷ đồng; trong số này, DN, cơ sở sản xuất kinh doanh đã nộp 75 tỷ đồng. Đối với hộ kinh doanh được hỗ trợ theo Nghị định 68, hộ kinh doanh có doanh thu hơn 100 triệu đồng/năm có khoảng 16.000 hộ sẽ được hỗ trợ về thuế.
Ngoài ra, Thông tư số 47/2021 của Bộ Tài chính quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Kể từ ngày 1.7.2021 đến ngày 31.12.2021, 30 loại phí, lệ phí được giảm so với mức thu trước đây, với nhiều mức giảm khác nhau tùy thuộc vào từng lĩnh vực, ngành nghề hoạt động.
* Đợt dịch Covid-19 mới nhất này phức tạp hơn nhiều, khiến hoạt động kinh tế, xã hội rất khó khăn. Vậy ngành thuế sẽ tiếp tục hỗ trợ như thế nào để DN, cơ sở sản xuất kinh doanh có thể trụ lại được?
Ông Ngô Bốn: Dịch bệnh ngày càng phức tạp khiến rất nhiều DN, cơ sở sản xuất kinh doanh gặp khó khăn chất chồng. Mọi sự hỗ trợ đều cần thiết vào lúc này, nhằm tiếp sức giúp DN, cơ sở sản xuất kinh doanh trụ lại được trong nền kinh tế.
Trong năm 2020, nhiều giải pháp hỗ trợ về gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất; miễn, giảm các khoản thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất. Các giải pháp đã kịp thời giúp cộng đồng DN tháo gỡ khó khăn, bước đầu ổn định, thích ứng với tình hình sản xuất, kinh doanh trong dịch bệnh, góp phần quan trọng cho sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Ngay từ đầu năm 2021, nhiều giải pháp hỗ trợ tiếp theo đã được ngành thuế tỉnh triển khai như tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất trên diện rộng đối với DN, người kinh doanh trong hầu hết lĩnh vực, ngành nghề năm 2021. Tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong năm 2021.
Các khoản chi ủng hộ, tài trợ của DN, tổ chức cho các hoạt động phòng chống dịch Covid-19 được trừ vào chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập DN, áp dụng trong năm 2020, 2021.
Nghiên cứu giảm thuế nhập khẩu đối với nhiều mặt hàng nhằm giảm chi phí đầu vào cho sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó còn có các giải pháp hỗ trợ chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cũng đã được triển khai thực hiện vừa qua theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ.
Đặc biệt, tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã ban hành Nghị quyếtsố 30/2021/QH15 ngày 28.7.2021, trong đó giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện một số giải pháp cấp bách ứng phó với diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19, bao gồm cả giải pháp về thuế. Dự thảo Nghị quyết mới nhất này đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến rộng rãi trong toàn quốc.
Theo dự thảo này, 4 giải pháp chủ yếu đang được quan tâm gồm: giảm 30% số thuế thu nhập DN phải nộp trong năm 2021 đối với DN, tổ chức như đã áp dụng trong năm 2020; giảm 50% số thuế phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng trong quý III và quý IV năm 2021 đối với các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong mọi lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn, hình thức khai thuế, nộp thuế; giảm 30% mức thuế giá trị gia tăng đối với DN, tổ chức hoạt động trong một số nhóm lĩnh vực, dịch vụ; miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và 2021 đối với DN, tổ chức phát sinh lỗ liên tục trong các năm 2018, 2019, 2020.
Cần thời gian dài hơn để phục hồi
* Các chính sách hỗ trợ đã thực hiện có đủ lực tác động để DN phục hồi sản xuất được hay không?
Ông Phạm Quốc Hùng: Việc gia hạn thuế nêu trên là cần thiết để các DN, cá nhân có thêm nguồn lực tài chính duy trì và khôi phục sản xuất, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2021 trong tình hình nền kinh tế quốc gia bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên trong thực tế, không nhiều DN tiếp cận được chính sách gia hạn thuế thu nhập DN do ngừng kinh doanh hoặc kinh doanh lỗ, không có thu nhập để được giảm thuế.
Thời gian gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất chỉ trong 3 tháng cũng chưa đủ để DN có thể phục hồi, khi dịch bệnh có thể kéo dài đến cuối năm 2021. Điều kiện để được gia hạn theo Nghị định 52 là DN phải hoàn thành nghĩa vụ thuế năm 2020, nên sẽ có rất ít DN đủ điều kiện nhận ưu đãi này bởi hầu hết DN đều gặp khó do dịch kéo dài hơn 1 năm qua.
Qua 4 đợt dịch Covid-19, nhiều DN đã thực sự kiệt quệ nên rất khó xoay xở hoàn thành nghĩa vụ thuế năm 2020 để đủ điều kiện được gia hạn thuế theo Nghị định 52. Dù Nghị định 52 giúp DN có dòng tiền để cầm cự, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, tuy nhiên, tiền thuế và tiền thuê đất chỉ được chậm nộp... 3 tháng chứ không phải được miễn.
Sau khi hết thời gian được gia hạn, DN sẽ phải nộp dồn trong những tháng cuối năm, gánh nặng tài chính ngày càng nặng nề. Hàng chục nghìn DN, đặc biệt là những DN khó khăn nhất, đang hấp hối, kiệt quệ vì dịch bệnh sẽ không được thụ hưởng chính sách này. Vì quy định DN được tạm hoãn tiền thuế giá trị gia tăng (VAT), nhưng trên thực tế phải đóng cửa vì giãn cách, doanh thu không phát sinh thì làm gì có VAT mà được giãn nộp...
Chính sách giãn thuế, BHXH, tiền thuê đất... đã giúp DN bớt khó khăn về thanh khoản, dòng tiền nhưng thời gian áp dụng ngắn, số lượng không lớn nên chưa thể giúp DN vượt qua khó khăn. Trong khi đó, các DN đang phải đối mặt với áp lực lớn là thiếu vốn và giá nguyên liệu tăng lên chưa biết điểm dừng, chi phí sản xuất tăng cao làm cho sức cạnh tranh thị trường giảm.
Nhiều DN muốn tái cấu trúc, chuyển đổi sản phẩm, ứng dụng công nghệ mới, chuyển đổi số đẩy mạnh mua bán online... nhưng đang kẹt về vốn. Các khoản nợ của DN được ngân hàng xem xét gia hạn, không chuyển nhóm nợ nhưng chưa được xem xét giảm lãi vay cho khoản nợ cũ.
Trong khi đó, lãi suất khoản vay mới có giảm nhưng không đáng kể, chưa kể DN muốn vay cũng phải có tài sản đảm bảo... Các chính sách hỗ trợ thuế cần mở rộng đến các đối tượng là hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, người làm công ăn lương... khi tình hình giá cả tiêu dùng đang dần tăng lên mà thu nhập lại theo chiều ngược lại vì dịch bệnh.
Sớm nhất phải đến quý I.2022, các hoạt động kinh doanh mới có thể trở lại trạng thái bình thường mới, DN sẽ dần khôi phục tình hình sản xuất, kinh doanh của mình. Do đó, để bảo đảm tính hiệu quả, ổn định và có hiệu lực thực tế của chính sách hỗ trợ, đề nghị điều chỉnh thời hạn áp dụng các biện pháp hỗ trợ đến hết tháng 6.2022.
* Trong bối cảnh này, các DN trên địa bàn tỉnh có những kiến nghị gì thêm đối với việc thực hiện các chính sách hỗ trợ DN từ nay đến cuối năm 2021, thưa ông?
Ông Phạm Quốc Hùng: Đối với chính sách thuế và chi phí, Hiệp hội DN tỉnh kiến nghị các cấp, bộ ngành cần thực hiện miễn thuế VAT trong năm 2021; giảm 50% thuế VAT trong 2 năm kế tiếp 2022, 2023; giảm 50% thuế thu nhập DN phải nộp của năm 2021 và giảm 30% thuế thu nhập DN 3 năm liền kể từ khi công bố hết dịch. Đồng thời cần xem xét chấp nhận tất cả chi phí phát sinh trong đại dịch mà DN phải bỏ ra gồm xét nghiệm, chi phí chống dịch và 3 tại chỗ.
Về chính sách tài chính, ngân hàng, DN đề nghị Chính phủ cấp nguồn cho vay hỗ trợ các DN trong vòng 24 tháng trong và sau dịch từ các nguồn đúng quy định. Cần hỗ trợ gói ưu đãi lãi suất cho DN tối thiểu 4% tương đương gói hỗ trợ năm 2018, 2019 từ ngày 1.8.2021 đến 12 tháng sau công bố hết dịch.
Cho phép thực hiện chính sách khoanh nợ, giãn nợ (cả gốc và lãi) đối với DN phải tạm ngừng hoạt động và gặp khó khăn không có khả năng thanh toán do đại dịch kéo dài. Khoanh nợ gốc và giảm lãi suất từ 2 - 3% kể từ 1.8.2021 đến 6 tháng sau khi Chính phủ công bố hết dịch đối với các DN còn lại.