Phóng viên Báo Quảng Nam ghi nhận và tổng hợp ý kiến góp ý của đảng bộ các cấp trên địa bàn tỉnh.
Nhiệm vụ đổi mới chưa đồng bộ, thiếu toàn diện; chủ trương, chính sách đề ra đúng đắn nhưng việc quản lý, điều hành còn khá nhiều lúng túng; tầm nhìn chiến lược chưa sâu, thiếu sự liên kết giữa các vùng, miền và sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành liên quan… là những góp ý đầu tiên trong việc đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XI và nhìn lại 30 năm đổi mới. Nhiều ý kiến cho rằng, mức độ hội nhập của nền kinh tế, doanh nghiệp, hệ thống pháp luật… của nước ta sau khi gia nhập WTO vẫn còn quá chậm. Trong khi đó, đầu tư công còn dàn trải, yếu kém quản lý đầu tư xây dựng, có biểu hiện lợi ích nhóm. Về vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, theo một số ý kiến, không nên tiến hành cổ phần hóa đồng loạt doanh nghiệp nhà nước và cần thận trọng hơn với các nhà đầu tư nước ngoài khi thực tế chất lượng cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước với doanh nghiệp FDI còn thấp. Hội nhập ngày càng sâu rộng, Đảng phải nên đặt yếu tố chất lượng nguồn nhân lực lên hàng đầu. Từ đó đề ra những giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, bởi nguồn lực này quyết định đến sự phát triển.
Nóng nhất vẫn là chuyện giám sát và phản biện. Nhiều ý kiến cho rằng trước khi triển khai quy hoạch đô thị, các dự án lớn, cần có sự tham gia phản biện của các tổ chức, sự giám sát của người dân để tránh tình trạng “xuất hiện” nhiều dự án không phù hợp, gây bức xúc dư luận hoặc quá nhiều dự án “treo”. Cần cái nhìn tổng thể về việc cơ cấu lại nông nghiệp gắn với nông thôn mới, bảo đảm sự phát triển hài hòa giữa nông thôn, đô thị, không để nông dân bị động và thiệt hại trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Thực tế giá trị gia tăng và trình độ công nghệ của các ngành công nghiệp còn thấp, phần lớn ở dạng gia công, lắp ráp, chủ yếu dựa vào nguyên liệu nhập khẩu và các sản phẩm trung gian từ bên ngoài; chưa có sản phẩm chủ lực mang thương hiệu quốc gia, lao động thủ công chiếm 80%, vốn tích lũy nội bộ của nền kinh tế thấp, chủ yếu vay nước ngoài, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ giữa các vùng miền… Toàn bộ điều đó đã dẫn tới mục tiêu chiến lược và khâu đột phá chưa thể rõ nét. Rất cần giải pháp toàn diện, khả thi, lộ trình thực hiện các chỉ tiêu. Tránh phát triển ồ ạt, thiếu kế hoạch và các điều kiện cần thiết khác, cần có quy hoạch đào tạo lao động, có địa chỉ cụ thể rõ ràng và nhất là cơ chế sử dụng nguồn nhân lực đã qua đào tạo. Nhà nước cần có cơ chế xóa bỏ triệt để vấn đề độc quyền trong kinh doanh điện, xăng dầu nhằm bảo đảm công bằng xã hội, quyền lợi của người tiêu dùng và tạo động lực cho ngành này phát triển. Nhà nước chỉ quản lý nguồn năng lượng phục vụ cho quốc phòng, an ninh.
TRỊNH DŨNG - NGUYỄN SỰ (ghi)