Báo cáo mức độ hấp dẫn điểm đến Đà Nẵng vừa được thực hiện và công bố một lần nữa cho thấy sự bức thiết của các hoạt động này để việc định vị điểm đến du lịch thực chất cũng như hiệu quả hơn.
Báo cáo được Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng công bố ngày 27/10 được thực hiện trong quý III-2023, thuộc dự án “Đo lường chỉ số hấp dẫn điểm đến Đà Nẵng”. Kết quả này dựa trên phản hồi từ hai nhóm chủ thể chính là khách du lịch trong nước, quốc tế và doanh nghiệp du lịch.
Dự án này sẽ định kỳ đánh giá 3 tháng/lần đến cuối năm 2025 nhằm giúp các điểm đến và doanh nghiệp kịp thời cập nhật, theo dõi những dự báo và xu hướng từ báo cáo để thích ứng với sự chuyển động liên tục của ngành du lịch.
Sở dĩ ngành du lịch rất cần thêm những khảo sát đo lường theo chủ đề bởi lâu nay vẫn có thực trạng vênh nhau giữa các báo cáo, thống kê với “sức khỏe” thực tế của hoạt động du lịch.
Đơn cử như với Quảng Nam, các thông số về lượng khách của năm 2023 ở mọi thời điểm luôn ấn tượng, vượt chỉ tiêu đề ra. Đến hết tháng 9/2023, thống kê về thu nhập xã hội đã đạt hơn 15,4 nghìn tỷ đồng, vượt mốc cả năm 2019 nhưng hoạt động kinh tế du lịch vẫn vấp phải rất nhiều khó khăn, nhiều cơ sở lưu trú phải tạm ngưng hoạt động hoặc rao bán để trả nợ. Chi tiêu của du khách được cơ quan quản lý nhìn nhận là giảm sút đáng kể, chưa phục hồi như thời điểm trước COVID-19.
Thời gian qua, một số tổ chức quốc tế cũng đã cung cấp cho ngành du lịch địa phương các thống kê, khảo sát chi tiết nhiều thông tin, xu hướng du lịch của du khách hậu COVID-19. Đây cũng là cơ sở giá trị để ngành du lịch tham khảo trước khi thực hiện các chính sách kích cầu, hỗ trợ du lịch.
Cũng theo các chuyên gia, chỉ số đo lường về du lịch không chỉ quan trọng trong quá trình vận hành điểm đến mà còn có ý nghĩa lớn nếu nó được triển khai ngay trong quá trình xây dựng điểm đến.
Cụ thể, mọi điểm đến cần được khảo sát, đánh giá xã hội học để có được thông tin tổng quan về nguồn tài nguyên văn hóa, tài nguyên du lịch, sức tải điểm đến… Từ đó mới có thể đưa ra chiến lược phát triển điểm đến bài bản, đúng hướng ngay ban đầu.
Ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho rằng, du lịch Quảng Nam rất cần định kỳ thực hiện các khảo sát, có thể về thông tin thị trường khách, nhu cầu khách cũng như chi tiêu của khách. Bởi khi có được tổng thể những con số định lượng thì các chính sách, giải pháp hỗ trợ du lịch, thúc đẩy điểm đến mới thực sự hiệu quả.
Được biết, trong danh mục nhiệm vụ trọng tâm thực hiện Nghị quyết số 82 của Chính phủ, UBND tỉnh Quảng Nam đã giao nhiệm vụ định kỳ 2 năm một lần thực hiện công tác điều tra thông tin về khách du lịch theo Chương trình điều tra thống kê quốc gia; triển khai áp dụng tài khoản vệ tinh du lịch theo khuyến nghị của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) để đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp, bền vững.