Cần những quy định ràng buộc với kinh doanh vận tải hành khách cá thể

TÂM ĐAN 04/10/2023 22:26

(QNO) - Đây là một trong những nội dung được góp ý tại hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đường bộ vào chiều nay 4/10 do Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam tổ chức.

 
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: TÂM ĐAN 

Các đại biểu Lê Văn Dũng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trường Đoàn ĐBQH tỉnh; Phan Thái Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; Dương Văn Phước - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì hội nghị. 

Dự thảo Luật Đường bộ được Chính phủ trình Quốc hội vào ngày 30/8/2023 gồm 92 điều; quy định về hoạt động đường bộ, bao gồm các quy định về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành khai thác, sử dụng, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ; vận tải đường bộ và quản lý nhà nước về hoạt động đường bộ.

Bỏ điều kiện kinh doanh vận tải hộ cá thể?

Tại hội nghị, các ý kiến bày tỏ thống nhất với việc cần thiết phải ban hành Luật Đường bộ. Bởi, sau 15 năm thực hiện, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã bộc lộ nhiều hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu trong công tác quản lý, nhất là trước sự phát triển của hạ tầng giao thông, sự gia tăng nhanh chóng của số lượng phương tiện...

Đại diện các sở, ngành, doanh nghiệp góp ý liên quan đến nhiều nội dung của dự thảo luật như quy định về đường bộ, kết cấu hạ tầng đường bộ và bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ; quy định về đầu tư, xây dựng, bảo trì, vận hành, khai thác công trình đường bộ; về hành lang an toàn đường bộ... Trong đó, nội dung về hoạt động kinh doanh vận tải (KDVT) nhận được nhiều ý kiến thảo luận, góp ý.

 
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TÂM ĐAN 

Đại diện Công ty TNHH Mai Linh Tam Kỳ cho biết, KDVT là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Nhưng hiện nay tiêu chí cấp phép vận tải cho hộ KDVT mỗi nơi xử lý một kiểu. Chẳng hạn, tại Đà Nẵng, khi một cá nhân muốn KDVT phải thông qua đơn vị (doanh nghiệp hoặc hợp tác xã); trong khi đó tại Quảng Nam cá nhân được cấp giấy phép KDVT mà không cần thông qua pháp nhân nào.

Theo đại diện Công ty TNHH Mai Linh, hiện nay, hộ, cá nhân KDVT hành khách quá nhiều. Cá nhân vừa là chủ, vừa là người lái, người bán hàng..., vì vậy việc kiểm soát an toàn và tuân thủ vấn đề pháp luật rất khó khăn.

 
Đại diện Hiệp hội Vận tải ô tô Quảng Nam góp ý kiến. Ảnh: TÂM ĐAN 

Chưa kể, hoạt động KDVT hộ cá thể cạnh tranh trực diện với doanh nghiệp có tổ chức bài bản và tuân thủ đúng điều kiện KDVT về giá, về quản trị con người. Vì vậy, đề nghị cấp phép. vận tải, cấp biển số kinh doanh phải là tổ chức chứ không thể hộ: hoặc cấp phép hộ KDVT phải tuân thủ đúng đủ điều kiện KDVT.

Đại diện Hiệp hội Vận tải ô tô Quảng Nam cho rằng, KDVT hành khách của hộ cá thể hiện nay đang gây "rối tung" cho hoạt động KDVT có điều kiện. Trong khi doanh nghiệp, HTX phải chịu ràng buộc nhiều quy định thì việc quản lý, cấp phép KDVT hộ cá thể còn lỏng lẻo. Do đó đề nghị bãi bỏ điều kiện KDVT hộ cá thể, vì không đảm bảo hoạt động.

Cần ràng buộc bởi những văn bản dưới luật

Góp ý kiến, Thượng tá Phan Thanh Hồng - Trưởng phòng CSGT tỉnh đề nghị bổ sung vào điểm 7 Điều 61 của dự thảo Luật Đường bộ loại hình KDVT hành khách bằng công nghệ thay vì chỉ viết là "loại hình KDVT hành khách mới theo quy định của Chính phủ".

 
Thượng tá Phan Thanh Hồng - Trưởng Phòng CSGT phát biểu. Ảnh: TÂM ĐAN 

Thượng tá Phan Thanh Hồng cũng cho rằng, KDVT là loại hình kinh doanh có điều kiện nhưng các điều kiện hiện còn lỏng lẻo, công tác quản lý còn nhiều vấn đề. Như loại hình KDVT hành khách bằng công nghệ hiện nay, chưa quản lý được. 

"Trên địa bàn tỉnh hiện nay, việc quản lý các xe có đăng ký doanh nghiệp rất dễ nhưng rất nhiều xe ô tô gia đình, lên mạng xã hội thành lập nhóm, nhận hợp đồng chở 5-7 người từ Tam Kỳ ra Đà Nẵng và ngược lại.

Hình thức kinh doanh này khiến Nhà nước "thất thu", tạo sự cạnh tranh không lành mạnh, khó quản lý về trật tự an toàn giao thông..., nhưng lại tạo ra thuận lợi cho người dân. Đây là vấn đề đặt ra khi ban hành luật" - ông Hồng chia sẻ.

 
Ông Văn Anh Tuấn - Giám đốc Sở GTVT tham gia góp ý. Ảnh: TÂM ĐAN

Ông Văn Anh Tuấn - Giám đốc Sở GTVT cho biết, hiện nay, chỉ KDVT đường bộ cho phép hộ kinh doanh cá thể, còn KDVT đường thủy nội địa bắt buộc phải là doanh nghiệp, HTX.

"Theo tôi, luật cứ quy định, nhưng sau này nghị định, thông tư dưới luật cần có những điều kiện ràng buộc chặt chẽ với hộ KDVT để Nhà nước vừa quản lý được nhưng đồng thời cũng để cho hộ kinh doanh cá thể hoạt động được và phục vụ cho xã hội. Phải đưa vào khuôn khổ, đóng thuế má đầy đủ thì mới cạnh tranh lành mạnh với những loại hình kinh doanh khác" - ông Tuấn nói.

Hoạt động KDVT đường bộ của hợp tác xã hiện nay gặp nhiều khó khăn. Trong ảnh: Xe buýt liên tỉnh liền kề của Quảng Nam đã tạm dừng vận tải khách đến Đà Nẵng từ ngày 13/5/2021. Ảnh: CÔNG TÚ
Hoạt động KDVT đường bộ của hợp tác xã hiện nay gặp nhiều khó khăn. Trong ảnh: Xe buýt liên tỉnh liền kề của Quảng Nam đã tạm dừng vận tải khách đến Đà Nẵng từ ngày 13/5/2021. Ảnh: CÔNG TÚ

Chia sẻ về nội dung góp ý của các đại biểu liên quan đến hoạt động KDVT đường bộ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng cho rằng, vấn đề quan trọng là ban hành những quy định ràng buộc để hộ KDVT cá thể làm theo quy định, chứ không thể cấm, chỉ để cho tập thể doanh nghiệp, HTX hoạt động KDVT đường bộ. 

Tiếp thu, cảm ơn những ý kiến góp ý tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng đề nghị các cơ quan chuyên môn như Sở GTVT, Phòng CSGT tỉnh và các cơ quan, đơn vị tiếp tục nghiên cứu từ thực tiễn cuộc sống, công tác để tiếp tục góp ý kiến đối với dự thảo Luật Đường bộ. Bởi vì thực tiễn luật này đặt ra nhiều vấn đề đáng bàn; khi luật có hiệu lực sẽ tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến mọi người. Dự kiến, ít nhất phải qua 3 kỳ họp nữa thì Quốc hội mới ban hành được Luật Đường bộ.   

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cần những quy định ràng buộc với kinh doanh vận tải hành khách cá thể
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO