Sản xuất tập trung trên diện tích lớn, giao quyền sử dụng đất cho người dân, hoàn thiện đầu tư hạ tầng sẽ là bước phát triển bền vững nghề nuôi tôm Quảng Nam.
Dở dang các vùng nuôi tập trung
Nhiều hộ nuôi tôm ở thôn Diêm Trà (xã Tam Tiến, Núi Thành) đang thắc thỏm do tôm nuôi sinh trưởng, phát triển chậm, nguy cơ cao nhiễm bệnh. Khu vực này trước đây là vùng nuôi tôm tập trung, Nhà nước đầu tư nhiều hạng mục hạ tầng nhưng dở dang do người dân phản đổi dự án.
Ông Nguyễn Xuân Luận - Chủ tịch UBND xã Tam Tiến nói: “Nuôi tôm tập trung có hạ tầng đồng bộ, phân định khu vực nuôi thương phẩm, khu ương tôm giống, khu xử lý nước lắng, khu xử lý nước thải, công nghệ, quy trình nuôi tôm khoa học là cơ sở để sản xuất thành công. Do khu vực Diêm Trà dang dở, các hộ dân mạnh ai nấy nuôi tôm trên quy mô nhỏ lẻ nên tiềm ẩn dịch bệnh”.
Quảng Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, diện tích nuôi tôm tập trung ở vùng Đông là 1.677ha, trong đó có 600ha được nâng cấp nuôi tôm thẻ lót bạt thâm canh. Kỳ vọng ở các vùng nuôi tập trung, sản phẩm tôm thương phẩm được chứng nhận VietGAP. Sản lượng nuôi tôm nước lợ ở các vùng tập trung đạt 8.000 tấn.
Vừa nuôi tôm vừa lo bị thu hồi đất là tình trạng của không ít hộ nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh. Do đầu tư xây dựng cầu Tam Hòa (Núi Thành), ngành chức năng thu hồi 4ha diện tích nuôi tôm lót bạt của ông Trần Công Thành (thôn Hòa An, xã Tam Hòa).
“Tôi nuôi tôm tập trung ở Tam Hòa hàng chục năm nay, vốn liếng đổ vào đã lên đến hàng chục tỷ đồng. Nay Nhà nước thu hồi đất, tôi kiến nghị cơ quan chức năng bố trí diện tích đất ở khu vực khác để tiếp tục nuôi tôm nhưng được trả lời là không thể do quỹ đất đã hết” - ông Thành nói.
Khi đầu tư nuôi tôm ở Quảng Nam, Công ty CP Thủy sản Dương Hùng (thôn Phương Tân, xã Bình Nam, Thăng Bình) đặt rất nhiều kỳ vọng. Sau khi thành công sản xuất tôm giống để phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, ông Dương Văn Hùng - Chủ tịch HĐQT công ty đề xuất UBND tỉnh đầu tư nuôi tôm thương phẩm tập trung trên 10ha ở Vũng Lắm (xã Tam Anh Bắc, Núi Thành).
Qua nhiều lần làm việc, nguyện vọng của ông Hùng không thực hiện được do quỹ đất ở Vũng Lắm (Ban Quản lý các Khu kinh tế & khu công nghiệp tỉnh quản lý) quy hoạch để phát triển đô thị.
Hướng đi nào?
Quảng Nam đã quy hoạch 36 vùng nuôi tôm tập trung ở 5 địa phương ven biển nhưng đến nay đều chưa rõ hình hài. Các khu vực nuôi tôm vẫn nham nhở, không có kênh cấp, kênh thoát nước rõ ràng, người dân nuôi tôm tự phát. Hệ lụy là ô nhiễm môi trường và người nuôi tôm bị thiệt hại do tôm chết vì dịch bệnh.
Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, chủ trương của tỉnh là xây dựng các vùng tập trung nuôi tôm với diện tích từ 10ha trở lên rồi áp dụng các cơ chế chính sách hiện có để đầu tư đồng bộ hạ tầng, tạo cú hích nuôi tôm lâu dài.
Tuy nhiên, đến nay, hầu hết khu vực nuôi tôm tập trung chồng lấn với diện tích do Ban Quản lý các Khu kinh tế & khu công nghiệp quản lý nên chưa thể đầu tư đến nơi đến chốn.
Trước mắt vẫn duy trì nuôi tôm nhưng khi nào có dự án thì nông hộ phải nhường đất để triển khai. Do vậy, nuôi tôm Quảng Nam chủ yếu vẫn là quy mô nhỏ, manh mún, không kiểm soát được dịch bệnh, “nghẽn” trong phát triển ổn định lâu dài.
Hiện nay, cơ sở hạ tầng nuôi tôm Quảng Nam chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, đặc biệt là hệ thống thủy lợi, cấp, thoát nước, điện, giao thông. Do vậy, dù rất khuyến khích đầu tư ở một số khu vực nhưng doanh nghiệp không mặn mà đầu tư nuôi tôm công nghệ cao, nuôi tôm thâm canh theo hướng hàng hóa lớn.
Ông Võ Văn Long - Chi cục trưởng chi cục Thủy sản cho rằng, cần nhất là có quy hoạch tổng thể, chi tiết về nuôi tôm tập trung. Từ đó, bằng nhiều nguồn lực (vốn nhà nước, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác…) đầu tư hạ tầng đồng bộ phục vụ nuôi tôm bền vững.
Cùng với đó, kiện toàn các yếu tố dịch vụ hậu cần tại vùng nuôi tập trung gắn với nâng cấp đê bao, cống chính, khu vực xử lý nước thải, ao nuôi theo quy chuẩn, kênh mương cấp thoát nước đúng quy trình...
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu, trong khi chờ quyết sách lớn về nuôi tôm tập trung, ngành thủy sản và các địa phương ven biển cần khuyến khích người dân chuyển đổi đất hoang hóa, đất trồng lúa tại các vùng nhiễm mặn, năng suất thấp sang nuôi tôm thẻ chân trắng gắn với nâng cấp công trình, lót bạt các ao nuôi tôm để tăng năng suất, sản lượng, nâng cao hiệu quả kinh tế. Khuyến khích nuôi tôm hiện đại với quy trình tiên tiến.