Cần phương án bảo tồn giếng vuông Chăm

KIỀU MAILY 11/04/2021 06:14

Khi nhắc đến văn hóa văn minh Chăm, nhiều nhà nghiên cứu chỉ nhấn vào nền kiến trúc và điêu khắc của Chămpa, mà ít đề cập hệ thống giếng vuông. Từ đó giếng Chăm ngày càng bị lãng quên.

Giếng Chăm tại Cù Lao Chàm.
Giếng Chăm tại Cù Lao Chàm.

Giếng xưa còn đó

Có tư liệu lịch sử đã ghi “trên quãng đường dài từ Kra Isthmus (nam Thái Lan, bắc Mã Lai ngày nay) đến Canton (Quảng Châu - Trung Quốc), chỉ có một trạm dừng chân duy nhất là Chiêm cảng - Cù Lao Chàm, nơi có thể nghỉ ngơi, tích trữ lương thảo, nước ngọt và buôn bán, trao đổi hàng hóa... trước khi dong buồm thẳng sang Trung Quốc mà không cần phải ghé vào một số cảng ở miền Bắc Việt Nam. Thư tịch cổ của người Ả Rập thế kỷ IX (851 - 852) cho biết những thuyền buôn từ Tây Á sang Trung Quốc và ngược lại, thường ghé qua Cù Lao Chàm của Chămpa để lấy nước ngọt và trầm hương”.

Không chỉ ở cửa ngõ tiêu biểu là Cù Lao Chàm, người Chăm từ sớm đã biết đào giếng nước dọc cồn cát ven biển để “xuất khẩu nước lã cho các thương thuyền quốc tế đi vào biển Chămpa” (Lâm Thị Mỹ Dung, 2012, “Cù Lao Chàm, chiều dày lịch sử và văn hóa”, vntimes.com.vn.)

Giếng vuông được xem như một trong những biểu tượng đặc trưng của dân tộc Chăm. Suốt duyên hải miền Trung, các dấu vết giếng cổ Chăm hiện diện khắp nơi. Miền Trung nắng hạn lắm mưa lũ nhiều, không được thiên nhiên ưu đãi nhất là về nguồn nước, nên người Chăm đã biết cách tự lực cánh sinh. Người Chăm xưa giỏi về việc tìm mạch nước, cho dù bất cứ nơi đâu, giữa lòng biển hay ở vùng đất cát, họ đều tìm được mạch nước ngọt. 

Trong các thứ hàng hóa giao thương buôn bán cho các thương thuyền trên Biển Đông thời đó thì ngoài trầm hương, ngà voi, không thể thiếu nước ngọt. Bán nước ngọt cho tàu thuyền lớn trở thành nghề phát triển của một thời Chămpa thịnh vượng. Cạnh đó nước ngọt cung ứng cho đời sống cộng đồng cư dân cả khu vực. Hiện nay người dân các nơi cả người Việt lẫn người Chăm vẫn còn sử dụng nước giếng để sinh hoạt hay tưới tiêu. Như cặp giếng vuông Chăm ở làng Thành Tín, tỉnh Ninh Thuận, khi không còn dùng vào sinh hoạt thì nước vẫn đủ tưới cho 30 mẫu ruộng làng này. 

Cần có phương án bảo tồn

Đến nay, rất nhiều loại hình giếng Chăm được nhà khảo cổ phát hiện. Nhìn tổng thể, đó là loại giếng phần lớn hình vuông, làm bằng gạch và gỗ, không sâu nhưng giếng không bao giờ cạn nước. Đặc biệt hơn nữa là mặc dù ở sát biển, có giếng chỉ cách khoảng trăm thước, nhưng nước rất ngọt. Từ Quảng Bình đến Bình Thuận, giếng Chăm như là một biểu tượng của nguồn sống Chăm, ẩn mình giữa ruộng lúa hay bãi cát, giữa các làng chài hay trong vườn rau…

Để làm thành một cái giếng chuẩn, người Chăm xưa biết vận dụng những gì có thể để giếng thích ứng với môi trường tự nhiên. Như thành giếng là gạch hoặc loại đá ong, có nơi thành giếng làm hoàn toàn bằng đá, còn dưới đáy giếng phải có một khung gỗ không thể mục nát. Giếng Chăm tại các vùng Quảng Bình - Quảng Trị thường được xây bằng chất liệu chủ yếu là gạch xếp và đá sa thạch. Theo thống kê, riêng tại Quảng Nam, nhất là khu vực Hội An có khoảng hơn 70 giếng cổ Chăm.

Giếng Chăm tại làng Chăm Thành Tín - Ninh Thuận. Ảnh: KIỀU MAILY
Giếng Chăm tại làng Chăm Thành Tín - Ninh Thuận. Ảnh: KIỀU MAILY

Từ 20 năm trở lại, đây mặc dù giếng Chăm đã được nhiều người biết đến nhưng phần lớn là ở giới nghiên cứu hay người tò mò muốn khám phá và chưa được quan tâm đúng mực. Ông Yến Thọ - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo Tồn di tích & danh thắng Quảng Trị, người làm công tác nghiên cứu nhiều năm cho biết: “Do các giếng vuông và cả những giếng tròn thường không tập trung nên việc lập hồ sơ pháp lý (khoanh vùng đất đai bảo vệ) gặp nhiều khó khăn. Nếu các địa phương tích cực hơn trong công tác điều tra, nhận diện, thống kê, đánh giá... và lập hồ sơ xếp hạng sẽ rất khả thi”.

Cùng với tháp Chăm, giếng vuông Chăm là di sản cần được nhìn nhận đúng mức tầm quan trọng. Giếng Chăm vẫn còn đó, tồn tại trên suốt dải đất miền Trung Việt Nam là một di tích vô cùng quan trọng của người Chăm, cũng là một phần không thể thiếu trong sinh hoạt đời sống ông bà ngày xưa. Hệ thống giếng Chăm xứng đáng được bảo tồn một cách nghiêm túc, bài bản.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cần phương án bảo tồn giếng vuông Chăm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO