(QNO) - Sáng 22/6, thảo luận tại hội trường Quốc hội về dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi), Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam - Dương Văn Phước thống nhất cao với Báo cáo giải trình, tiếp thu của Bộ TT-TT đối với các ý kiến của đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án luật này.
Đại biểu Dương Văn Phước cho rằng, dự thảo luật chỉ mới giải thích cụm từ “đại lý dịch vụ viễn thông” mà chưa có định nghĩa rõ điểm cung cấp dịch vụ viễn thông, mặc dù nội dung này được nhắc tới nhiều lần trong dự thảo luật. Đồng thời, tại Quyết định số 316 ngày 9/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa dịch vụ có giá trị nhỏ, có quy định về sự lựa chọn và quản lý các điểm kinh doanh.
Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo bổ sung, giải thích rõ cụm từ “điểm cung cấp dịch vụ viễn thông” để thống nhất với việc áp dụng đối với các doanh nghiệp trong việc cung cấp dịch vụ viễn thông.
Trước tình trạng sim rác, sim nặc danh được sử dụng tràn lan, thiếu sự quản lý và ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người dân và tổ chức, doanh nghiệp, đại biểu Dương Văn Phước đề nghị bổ sung quy định về quyền các dịch vụ viễn thông tại khoản 1 Điều 14 được phép kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an để phục vụ cho công tác chuẩn hóa thông tin thuê bao phù hợp với tình hình thực tế hiện nay mà Bộ Công an, Bộ TT-TT đang phối hợp triển khai.
Tại điểm c khoản 2 Điều 18, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung nội dung “trừ trường hợp phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, giáo dục, y tế” để đảm bảo các nội dung ưu tiên truyền qua mạng viễn thông phục vụ cho nhu cầu thiết yếu, cấp bách, đảm bảo quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội.
Về phân bổ sử dụng, hoàn trả kho số viễn thông, tài nguyên internet, đại biểu đề nghị bổ sung điểm đ khoản 1 Điều 51 nội dung quy định hoạt động đảm bảo quốc phòng, an ninh để ưu tiên phân bổ kho số viễn thông, tài nguyên internet và phù hợp với các nội dung được ưu tiên truyền qua mạng viễn thông quy định tại Điều 7.
Đại biểu Dương Văn Phước phản ánh nhiều ý kiến của cử tri về tình trạng dây cáp viễn thông, truyền hình cáp internet bố trí chằng chịt trên các tuyến đường, nhất là ở các đô thị gây mất mỹ quan đô thị và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Nguyên nhân chủ yếu là các nhà cung cấp mạng thiếu trách nhiệm, không thu hồi dây cáp không còn sử dụng, dẫn đến dây cáp vô chủ tràn lan, việc thi công lắp đặt các dây cáp này không đảm bảo kỹ thuật mỹ quan đô thị.
Thông qua lần sửa đổi Luật Viễn thông lần này, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung thêm 1 khoản quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp viễn thông phải thu hồi các công trình viễn thông bao gồm cả hạ tầng kỹ thuật viễn thông và thiết bị mạng khi không còn sử dụng và có chế tài để quản lý nghiêm trường hợp doanh nghiệp viễn thông không thu hồi.
Một vấn đề nữa đại biểu quan tâm là hiện nay dịch vụ Mobile Money chưa có hành lang pháp lý, mới chỉ được Thủ tướng Chính phủ đồng ý triển khai thí điểm trong thời gian 2 năm. Do vậy, đề nghị Chính phủ tổng kết, đánh giá thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán, từ đó quyết định các chính sách quản lý phù hợp đối với dịch vụ này. Nếu đánh giá sử dụng hiệu quả thì nên quy định tại luật này để thống nhất tổ chức thực hiện trong tương lai.