(QNO) - Trong phiên thảo luận toàn thể về dự án Luật Đường bộ tại hội trường Quốc hội sáng 24/11, đại biểu Dương Văn Phước - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam đề xuất nhiều nội dung nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý trên lĩnh vực này.
Từ những khó khăn, bất cập do nhiều công trình đường bộ vừa phải tổ chức thi công vừa phải cho phép lưu thông, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro, tai nạn, đại biểu Dương Văn Phước đề xuất bổ sung những quy tắc riêng trong trường hợp khai thác tạm thời đường bộ để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông.
Để đảm bảo tính linh động và phù hợp với đặc thù của mỗi địa phương, khu vực, luật cần cho phép chủ đầu tư công trình xây dựng đường bộ hoặc cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh quyết định đưa công trình đường bộ vào khai thác tạm thời. Sau khi công trình xây dựng hoàn thành, được nghiệm thu thì phải công bố việc đưa công trình đường bộ vào khai thác.
Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật, đại biểu Dương Văn Phước đề nghị ban soạn thảo quan tâm rà soát, xem xét và có sự điều chỉnh. Theo đó, phạm vi điều chỉnh của Luật Đường bộ bao gồm các hoạt động đường bộ, vận tải đường bộ và quản lý nhà nước về hoạt động đường bộ. Tuy nhiên, hoạt động đường bộ lại bao gồm nhiều hình thức tĩnh và động, có cả các vấn đề về vận tải đường bộ, quy hoạch, đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành khai thác; sử dụng, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ; xây dựng cơ chế, chính sách về đường bộ; tuyên truyền, giáo dục; khám chữa bệnh, khôi phục sức khỏe sau tai nạn… nên cần quy định thật chặt chẽ về phạm vi điều chỉnh, tránh chồng chéo, trùng lắp với các quy định khác.
Đại biểu đề nghị bổ sung hành vi “điều khiển phương tiện giao thông đường bộ quá khổ, quá tải trái quy định” vào các hành vi bị nghiêm cấm để thuận tiện cho thanh tra giao thông đường bộ xử lý vi phạm.
Với quy định về xây dựng, lắp đặt biển quảng cáo, theo đại biểu Dương Văn Phước, trên các tuyến đường, ngoài biển quảng cáo còn có các biển tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, khẩu hiệu tuyên truyền liên quan đến ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại của đất nước… cũng sẽ có những tác động nhất định đến an toàn giao thông đường bộ nhưng lại không thuộc đối tượng điều chỉnh của luật này. Cần nghiên cứu, bổ sung quy định về xây dựng, lắp đặt các loại biển tuyên truyền để luật được bao quát, đầy đủ hơn.
Tại quy định bến xe phải được xây dựng tại các đô thị là trung tâm hành chính cấp huyện trở lên và các khu vực cần thiết khác để phục vụ vận tải hành khách công cộng, đại biểu cho rằng quy định này không đảm bảo tính khả thi, sẽ mang tính tùy tiện, gây lãng phí nếu không phát huy được hiệu quả.
Theo đó, cần quy định theo hướng xây dựng bến xe tại các địa điểm đã được quy hoạch để đảm bảo phù hợp yêu cầu vận tải đường bộ, phù hợp với các hạng mục hạ tầng, thuận lợi trong việc kết nối giao thông và chuyển tiếp với các phương thức vận tải khác, đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách, lưu thông hàng hóa tại địa phương và khu vực…