Đến nay Việt Nam vẫn chưa tham gia sáng kiến minh bạch ngành công nghiệp khai khoáng (EITI), trong khi nhiều quốc gia trong khu vực như Indonesia, Philippines, Đông Timor và Myanmar đã cam kết thực hiện.
EITI là sáng kiến của Thủ tướng Anh - Tony Blair, nhằm tăng cường minh bạch, trách nhiệm giải trình và qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành công nghiệp khai khoáng. Việt Nam tiếp cận EITI từ năm 2007 và Bộ Công Thương được chỉ định là cơ quan đầu mối xem xét thực thi EITI. Tuy nhiên, sau 8 năm, đến nay nước ta vẫn chưa có cam kết rõ ràng về việc thực thi EITI. Theo Bộ Tài nguyên - môi trường, công nghiệp khai khoáng bao gồm cả than đá và dầu khí, đóng góp cho tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 11% và ngân sách nhà nước 25%. Riêng năm 2014, đóng góp của ngành khai khoáng tăng 2,5% trong mức tăng chung cả năm của toàn ngành công nghiệp trong GDP. Việc tiếp cận sáng kiến EITI sẽ giúp xây dựng chiến lược quản lý, giám sát toàn diện; mọi thông tin giữa doanh nghiệp, Nhà nước và các khoản thu đều phải công khai, minh bạch. Nhà nước không khuyến khích đầu tư tràn lan vào ngành công nghiệp khai khoáng; quy định cụ thể về quy mô tối thiểu và yêu cầu công nghệ để loại bỏ các dự án kém hiệu quả.
Ngành khai khoáng là lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực. TRONG ẢNH: Khai thác đá trắng tại huyện Lục Yên (tỉnh Yên Bái) năm 2014. Ảnh: H.P |
Trên thực tế, ngành khai khoáng vẫn khai thác lãng phí, hiệu quả đóng góp kinh tế thấp, gây nhiều tác động tiêu cực đối với môi trường, có nguy cơ tham nhũng cao. Một trong những nguyên nhân gây thất thoát nguồn thu tài nguyên khoáng sản là thiếu tính minh bạch và tồn tại lỗ hổng trong quản lý nhà nước. Ông Nguyễn Văn Thuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất - khoáng sản thuộc Bộ Tài nguyên - môi trường thông tin, nhiều địa phương có tới 200 giấy phép khai thác khoáng sản nhưng số thu từ thuế tài nguyên không đạt, thậm chí không đủ chi phí quản lý nhà nước đối với hoạt động khai khoáng.
Tại Quảng Nam, đến nay toàn tỉnh có 74 giấy phép hoạt động khai thác khoáng sản còn hiệu lực (Bộ Tài nguyên - môi trường cấp 11, UBND tỉnh cấp 63) nhưng nguồn thu thuế tài nguyên rất khiêm tốn, có năm chỉ ngót nghét vài chục tỷ đồng. Buồn cười hơn, Tập đoàn Besra đầu tư 2 nhà máy vàng Phước Sơn, Bồng Miêu còn nợ tiền thuế hàng trăm tỷ đồng đang tái cơ cấu hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đó là chưa kể tình trạng khai thác khoáng sản trái phép ở miền núi đang làm cạn kiệt tài nguyên, để lại hệ lụy xấu về môi trường và xã hội.
Lý giải nguyên nhân ngành công nghiệp khai khoáng dễ xảy ra tiêu cực, ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường cho rằng, cái chính là thuế tài nguyên ở các địa phương sử dụng không hợp lý, không công khai, không minh bạch; hầu hết dựa theo khai báo của doanh nghiệp mà không quản lý, giám sát chặt chẽ. Nếu cam kết tham gia EITI, đất nước được cái lợi lớn là giúp quản trị thông minh toàn bộ nguồn thu, đẩy lùi nạn tham nhũng về lĩnh vực này. Còn trên diễn đàn Quốc hội, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, tham nhũng trong khai khoáng do bộ máy quản lý không có kiểm soát và do chúng ta chưa tái cơ cấu ngân sách để thể hiện rõ quyền giám sát của Quốc hội. Cho nên, nhiều chuyên gia và đại biểu Quốc hội kiến nghị, Chính phủ sớm đẩy nhanh tiến độ thực thi EITI.
HỮU PHÚC