Chiều 11.5, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh tổ chức hội nghị lắng nghe ý kiến của tổ chức công đoàn cơ sở liên quan đến triển khai Nghị quyết 42 của Chính phủ về hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19. Các kiến nghị sẽ được LĐLĐ tỉnh tổng hợp, gửi đến UBND tỉnh và Tổng LĐLĐ Việt Nam tháo gỡ vướng mắc.
LĐLĐ là đơn vị cùng tham gia với các hội, đoàn thể giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chủ yếu ở nhóm lao động (LĐ) bị mất việc làm, bao gồm LĐ có hợp đồng LĐ và có đóng BHXH, LĐ tự do. Qua thực tế giám sát việc thực hiện chính sách, các tổ chức công đoàn cơ sở đã kiến nghị nhiều vấn đề.
Ông Phùng Hữu - Phó Chủ tịch LĐLĐ TP.Hội An nói: “Người LĐ bị ảnh hưởng từ tháng 2.2020, nhưng quy định chỉ bị ảnh hưởng mất việc từ ngày 1.4 đến tháng 6.2020 thì Hội An sẽ có nhiều LĐ không nhận được chế độ, dù trong thực tế họ bị mất việc do Covid-19 khi doanh nghiệp du lịch, nhà hàng, quán xá đóng cửa. TP.Hội An đã có 1.347 người giảm đóng BHXH, tổng số đoàn viên bị ảnh hưởng là 4.812 người của 49 công đoàn cơ sở”.
Ông Hữu kiến nghị, điều kiện được hưởng chế độ hỗ trợ đối với LĐ không có hợp đồng LĐ thì TP.Hội An có những nhóm ngoài quy định như người LĐ hành nghề ghe bơi phục vụ du lịch, làm nghề thúng chai cho khách tham quan tại Cẩm Thanh, người trồng rau Trà Quế phục vụ du lịch cũng bị ảnh hưởng.
Bà Nguyễn Thị Thao - Phó Chủ tịch LĐLĐ TP.Tam Kỳ nêu: “Chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến của giáo viên mầm non, giáo viên tư thục hỏi vì sao họ mất việc do dịch Covid-19 mà lại không thuộc nhóm đối tượng được hỗ trợ từ chính sách. Giáo viên, nhân viên ở các trường mầm non tư thục, nhân viên cấp dưỡng ở các trường công lập mất việc làm từ ngay sau Tết Nguyên đán 2020 vì dịch bệnh, họ cũng là LĐ có hợp đồng LĐ nhưng phải nghỉ việc do quy định của nhà nước. Họ thuộc nhóm tham gia BHXH bắt buộc, là nhóm bị mất việc do dịch Covid-19 rõ ràng, dễ thấy nhất nhưng lại không được hỗ trợ”.
Theo bà Thao, có những nhóm LĐ tự do đã được quy định thì dễ thực hiện và dễ giám sát, nhưng có những công việc họ thực sự mất việc làm nhưng lại không được quy định hỗ trợ. Bà Thao kiến nghị, khi đã quy định ngành nghề thì phải chính xác, nếu xác định từng ngành nghề phải đảm bảo tính công bằng, để sau này người LĐ không khiếu nại khiếu kiện, gây bức xúc trong dư luận.
Còn bà Mai Thị Phú Mỹ - Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh cho biết, có thực trạng ở một số doanh nghiệp (DN) do tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn, không có tiền trả lương cho công nhân, không thể đóng BHXH cho LĐ, DN chưa thực hiện tạm hoãn hợp đồng LĐ hoặc chấm dứt hợp đồng LĐ vì còn muốn níu kéo LĐ, chờ dịch qua đi để quay lại hoạt động. Nhưng người LĐ lo lắng nên tự ý nghỉ việc, không có bất cứ văn bản nào giữa đôi bên để có thể làm hồ sơ đề nghị hưởng chế độ hỗ trợ cho người LĐ do dịch Covid-19. Bà Mỹ kiến nghị LĐLĐ tỉnh quan tâm xin ý kiến của cấp trên đối với nhóm LĐ này để các cấp công đoàn cơ sở có thể giám sát việc thực hiện chính xác, cũng như trả lời ý kiến, câu hỏi của công nhân LĐ.
Kiến nghị của các đơn vị như Điện Bàn, Đại Lộc... đang nhận được nhiều ý kiến bức xúc từ công nhân LĐ ở nhóm có hợp đồng LĐ nhưng bị DN nợ BHXH. Người LĐ bị nợ BHXH là do DN chiếm dụng và để nợ từ trước khi có dịch bệnh. Đến bây giờ, họ có tham gia BHXH nhưng do DN nợ mà họ không thể được xác nhận có tham gia BHXH để được nhận hỗ trợ thì sẽ bất công đối với họ. Việc thực hiện chính sách cần đạt được sự công bằng, bởi có nhiều nhóm người thực sự bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng theo quy định lại chưa nằm trong nhóm được hỗ trợ.